Aa

Ngân hàng gặp khó khi đáp ứng chuẩn Basel II

Thứ Hai, 21/01/2019 - 06:01

Chỉ còn thời hạn 1 năm để các ngân hàng chuẩn bị cho việc áp dụng Basel II vào năm 2020. Tuy nhiên, việc đáp ứng tiêu chuẩn này còn rất nhiều khó khăn.

Việc triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn của Basel II, cũng như quyết định nâng mức trần sở hữu khối ngoại tại các ngân hàng Việt Nam của Chính phủ sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, đồng thời khuyến khích các giao dịch mua bán và sáp nhập giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng Việt.

Nếu được triển khai và áp dụng hợp lý, Basel II sẽ giúp các ngân hàng trong nước vận hành an toàn hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và phân bổ nguồn lực tốt hơn cho các tài sản rủi ro thích hợp, nhằm đem lại lợi ích cho các ngân hàng và nâng cao lợi nhuận cho cổ đông.

Mặc dù vậy, để đạt được các tiêu chuẩn của Basel II, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ chỉ ở mức 14%. Nếu tổ chức tín dụng nào thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn Basel II sẽ được ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn.

Tính tới hiện tại mới chỉ có 3 ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn này là Vietcombank, VIB và OCB.

Một trong những điều kiện để đáp ứng chuẩn Base II là tỷ lệ an toàn vốn. (Ảnh minh họa: KT)

Một trong những điều kiện để đáp ứng chuẩn Basel II là tỷ lệ an toàn vốn. (Ảnh minh họa: KT)

Theo giới chuyên gia tài chính-ngân hàng, một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Basel II là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR, được tính theo công thức tính CAR = Vốn tự có/Tổng tài sản có rủi ro). Theo đó, Basel II yêu cầu CAR ở mức 8%.

3 năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã nỗ lực để tăng vốn tự có như, phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc tăng vốn điều lệ theo hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, cuối năm 2018, nhiều ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Trong đó, BIDV đã mở bán 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng; VietinBank phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm với tổng giá trị là 450 tỷ đồng; Vietcombank cũng có 7 lần phát hành trái phiếu, khối lượng phát hành thành công là 288,3 tỷ đồng; MBBank phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.400 tỷ đồng…

Tuy nhiên, việc tăng vốn của các ngân hàng là không hề dễ dàng. Theo nhận định của Công ty chứng khoán VDSC, tỷ lệ thành công của các đợt phát hành trái phiếu thời gian qua không cao, chỉ khoảng 50-60%.

Không chỉ khó khăn trong việc tăng vốn, TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt khi triển khai thực hiện Basel II.

Theo TS. Tín, điểm cơ bản của Basel II là tỷ lệ an toàn vốn, trong đó, tỷ lệ an toàn vốn CAR bằng phần tử số tức bằng vốn cấp 1, còn vốn cấp 2 chia tổng tài sản có rủi ro. Theo thông tư 36 mà thị trường đang áp dụng thì tổng tài sản rủi ro chỉ là rủi ro về lãi suất, còn theo thông tư 41, tính rủi ro đi cùng với thị trường hoạt động. Do đó, chỉ số an toàn vốn hiện nay nếu áp theo chuẩn mực mới thì rất nhiều ngân hàng dưới 8%, nếu áp dụng theo tỷ lệ an toàn vốn của Basel II thì tỷ lệ này của các ngân hàng phải trên 8%.

Điểm khó thứ 2, khi áp dụng Basel II, đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu gốc phải chuẩn mực, phải có cơ sở để tính toán đo lường và lưu trữ những dữ liệu cũ, trong khi hầu hết dữ liệu tại các ngân hàng đều rất lộn xộn đặc biệt là các ngân hàng nhỏ lẻ.

Cùng với đó, để đạt chuẩn Basel II thì công nghệ thông tin phải được nâng cấp. Còn nếu áp dụng theo chuẩn cũ, phương pháp, hệ điều hành cũ thì sẽ không thể đáp ứng được chuẩn Basel II.

Điểm khó thứ 3 mà TS. Tín chỉ ra đó là, trong Basel II quy định về tính minh bạch thông tin. Hiện nay, phần lớn các ngân hàng Việt đều gặp vấn đề trong việc minh bạch, tuân thủ các quyền của Nhà nước, đặc biệt là trong trích lập dự phòng theo Thông tư 02 và 09 của NHNN…

Trước hàng loạt khó khăn hiện hữu, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, trước mắt phải chấp nhận thực tế là rất khó để loạt 35 ngân hàng thương mại tại Việt Nam có thể đạt chuẩn Basel II vào đầu năm 2020 vì 3 lý do trên.

“Để các ngân hàng đáp ứng với các chuẩn mực Basel II thì đòi hỏi 3 trụ cột trong Basel II phải tuân thủ các điều kiện về công nghệ thông tin, tính minh bạch hóa về kỷ luật; tuân thủ những quy định của Nhà nước trong quản trị điều hành, đặc biệt tỷ lệ an toàn vốn thì nhất thiết phải đáp ứng được”, TS. Bùi Quang Tín tái khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top