Aa

Ngân hàng khó mua lại cổ phiếu quỹ trong năm 2020?

Thứ Sáu, 01/05/2020 - 05:55

Việc cắt cổ tức tiền mặt và hạn chế mua lại cổ phiếu quỹ là một lý do khác khiến các cổ phiếu ngân hàng càng trở nên hấp dẫn hơn so với các cổ phiếu khác trong ngành.

Công ty chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo về ngành ngân hàng, trong đó có nhận định việc trả cổ tức tiền mặt và mua lại cổ phiếu quỹ của các ngân hàng sẽ khó thực hiện trong năm 2020 do dịch Covid-19.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí, lương thưởng và không trả cổ tức tiền mặt. Những yêu cầu này nhằm mục tiêu tăng lợi nhuận giữ lại để bảo đảm thanh khoản và an toàn vốn, đồng thời tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay. 

VNDirect cho rằng các giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ sẽ khó được NHNN thông qua trong thời gian này. Việc cắt cổ tức tiền mặt và hạn chế mua lại cổ phiếu quỹ là một lý do khác khiến các cổ phiếu ngân hàng với cơ bản tốt càng trở nên hấp dẫn hơn so với các cổ phiếu khác trong ngành. 

Mặc dù, kỳ vọng các ngân hàng sẽ không trả cổ tức tiền mặt trong năm 2020, theo kịch bản cơ sở là dịch bệnh sẽ kết thúc vào giữa năm 2020 thì hai ngân hàng Vietcombank và MBBank có thể sẽ trả cổ tức tiền mặt trong năm 2021. Vietcombank được sở hữu trực tiếp bởi NHNN còn MBBank được sở hữu gián tiếp bởi Nhà nước thông qua Tập đoàn Viettel.

Cổ tức tiền mặt từ hai ngân hàng này là nguồn thu quan trọng đối với ngân sách Nhà nước, đặc biệt sau khi ngân sách đã được sử dụng để xử lý dịch bệnh. Đối với ngân hàng ACB, VPBank và Techcombank, nhóm phân tích của VnDirect dự báo các ngân hàng này sẽ không trả cổ tức tiền mặt trong năm 2021 do họ có nhiều quyền tự quyết hơn về việc phân phối lợi nhuận.

Có thể nói, vừa qua, toàn ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc" với quyết tâm và sự đồng bộ thống nhất cao hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, từ NHNN đến các TCTD để triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra đối với nền kinh tế.

Tập trung triển khai quyết liệt, chủ động, hiệu quả các giải pháp phòng, chống và hỗ trợ khắc phục khó khăn do dịch bệnh trong tình hình mới theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến dịch bệnh để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, thông suốt.

Các ngân hàng chung tay chống dịch với tinh thần chống dịch như chống giặc

Quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 3/1/2020 của Thống đốc NHNN; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính chủ động, phối hợp trong hoạt động, tinh thần chia sẻ khó khăn thông qua các hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng và an sinh xã hội.

Sau chỉ thị này, nhiêu ngân hàng đã bắt đầu có kế hoạch về vấn đề chi lương thưởng. Trong đó, ngân hàng SHB đã cắt giảm 20-50% lương của cán bộ cấp cao; HDBank cũng giảm 10-25% lương của người thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên tuỳ từng vị trí, còn nhiều ngân hàng cho biết sẽ cắt giảm các chi phí không cần thiết,…

Tại cuộc họp hôm 31/3, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại Nhà nước Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm. 

Tại Agribank, ngân hàng dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. VietinBank thông báo tiếp tục giảm 2% lãi suất cho vay, đưa ra chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng. 

BIDV cũng giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay áp dụng cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp. VPBank tung gói hỗ trợ đặc biệt thứ 2, giảm lãi suất đến 2% cho doanh nghiệp gặp khó khăn mùa dịch. TPBank ban hành thêm các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng. ACB triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng để đẩy mạnh hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top