Aa

Ngân hàng khó trông chờ nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối

Thứ Tư, 06/11/2019 - 16:29

Thông thường, hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng gắn chặt với diễn biến lên xuống của tỷ giá...

Những năm nào tỷ giá có nhiều biến động với nhiều đợt sóng tăng giảm thì năm đó, các ngân hàng thường có lợi nhuận cao ở mảng kinh doanh ngoại hối, và ngược lại.

Tham chiếu theo tiêu chí trên sẽ thấy không ngạc nhiên khi mảng kinh doanh này của hầu hết các ngân hàng đều không khả quan trong chín tháng đầu năm với diễn biến nhìn chung khá ổn định của tỷ giá.

Ảnh minh họa

Lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm mạnh

Một trong những điểm nổi bật trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 của các ngân hàng là sự sụt giảm khá mạnh về hiệu quả của mảng kinh doanh ngoại hối. Theo khảo sát thì có tới 10/14 ngân hàng (tương đương 72%) ghi nhận lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối giảm trong chín tháng đầu năm. Trong đó, có ba thành viên báo lỗ.

Ở nhóm các ngân hàng báo lỗ, VPBank là một điển hình đáng chú ý. Kết thúc quý 3, ngân hàng này bất ngờ báo lỗ tới hơn 81 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn ghi nhận mức lãi gần 218 tỷ đồng. Lũy kế chín tháng đầu năm, VPBank lỗ hơn 117 tỷ đồng ở mảng này so với mức lãi 251 tỷ đồng cùng kỳ. Theo đó, ngân hàng này đang dẫn đầu các ngân hàng báo lỗ mảng kinh doanh ngoại hối trong ba quý vừa qua.

Tại VIB, kết quả kinh doanh ở mảng này cũng không có dấu hiệu được cải thiện khi tiếp tục báo lỗ hơn 28 tỷ đồng chỉ trong ba tháng qua, tăng gấp đôi số lỗ so với cùng kỳ, nâng tổng mức lỗ lũy kế chín tháng lên gần 115 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ (VIB lỗ gần 21 tỷ đồng trong chín tháng đầu năm 2018).

Tại NCB, mặc dù ba tháng qua chỉ lỗ hơn 100 triệu đồng nhưng tính chung cả ba quý đầu năm thì mức lỗ trên 5 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Ở các ngân hàng khác, mặc dù kinh doanh ngoại hối vẫn ghi nhận lợi nhuận nhưng mức lãi lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Như tại SeABank, kinh doanh ngoại hối chỉ còn mang về cho ngân hàng này 15 tỷ đồng, giảm tới gần 79% so với con số 70 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018.

Tại BacABank, lợi nhuận chín tháng ở hoạt động này cũng giảm tới 68%, chỉ còn 3 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quý 3 ngân hàng này lỗ tới 4,2 tỷ đồng, qua đó kéo giảm lợi nhuận có được từ hai quý trước... Tương tự, mức sụt giảm tại các ngân hàng Saigonbank, VietABank, Techcombank lần lượt là 68%, 62% và 63%.

Dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức

Từ đầu năm đến nay, về cơ bản tỷ giá chỉ có một vài đợt biến động nhỏ. Đáng chú ý nhất chỉ là đợt tăng giá khá nhanh từ ngày 6/5 đến 20/5 khi đô la Mỹ được các ngân hàng bán ra ở mức 23.470 - 23.495 đồng, tăng tới gần 200 đồng so với vùng giá 23.300 đồng được duy trì khá ổn định trước đó.

Đợt biến động này chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài liên quan đến các đợt trả đũa thuế quan của Mỹ - Trung Quốc làm gia tăng quan ngại về khả năng xung đột thương mại quốc tế leo thang.

Tuy vậy, sau đó, nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá đã bắt đầu ổn định trở lại. Trong nửa cuối quý 3, tỷ giá bất ngờ đổi chiều và liên tiếp giảm mạnh, trở về vùng gần như không thay đổi so với cuối năm 2018.

Diễn biến này “bất chấp” cả sự kiện đồng nhân dân tệ vượt mốc 7 và thậm chí lên tới 7,2 trong quy đổi với đô la Mỹ. Theo đó, tỷ giá đã có diễn biến hoàn toàn trái ngược so với đợt biến động trong quý 2. Trên thị trường liên ngân hàng, nguồn cung ngoại tệ có những thời điểm rất dồi dào và trong những phiên NHNN ngừng mua vào, giá đô la Mỹ giao dịch trên thị trường này đã có lúc xuyên thủng ngưỡng chặn 23.200 đồng (mức giá Sở Giao dịch NHNN niêm yết mua vào).

Sự ổn định của tỷ giá tiếp tục được duy trì trong tháng 10. Hiện tại, tỷ giá trung tâm đang được NHNN niêm yết ở quanh mức 23.150 đồng/đô la Mỹ trong khi tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại dao động quanh mức 23.145 đồng (mua vào) và 23.265 đồng (bán ra).

Ngoài nguồn thu từ chênh lệch từ biến động tỷ giá sụt giảm thì lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại còn đang bị ảnh hưởng bởi chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ. Nhìn về triển vọng tương lai, chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và 5% vào năm 2030, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Để hỗ trợ cho chính sách này, NHNN chủ trương điều hành tỷ giá linh hoạt. Từ đầu năm đến nay, thị trường tiền tệ thế giới chứng kiến sự biến động mạnh, đô la Mỹ liên tục tăng giá, còn nhân dân tệ lại mất giá. Trong khi đó, tiền đồng vẫn được đánh giá là ổn định, thanh khoản thị trường tốt, NHNN thậm chí đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Theo thống kê đến cuối tháng 9, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở mức kỷ lục (70 tỷ đô la Mỹ).

Với chính sách ngày càng thắt chặt với tín dụng ngoại tệ và các giao dịch thanh toán trực tiếp bằng ngoại tệ, mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới được dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top