Trong gian khó, các ngân hàng vẫn duy trì hoạt động, tăng cường hiện đại hóa, tạo ra được nguồn thu ổn định để ưu tiên hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Vượt qua nhiều lo ngại
Theo khảo sát của Vietnam Report, lo ngại nợ xấu thuộc top 5 thách thức đối với ngành Ngân hàng trong năm 2021. Tuy nhiên, sau kỳ công bố báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy, nợ xấu vẫn đang được kiểm soát khá tốt ở phần lớn các ngân hàng, cá biệt một số còn đang sở hữu tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) có nợ xấu giảm 13,6% so với đầu năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tăng nhanh, đạt tới 13%, khiến tỷ lệ nợ xấu/dư nợ chỉ còn ở mức 0,36%. Đây cũng là ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đã ngoạn mục đạt mức giảm 73% số dư nợ xấu so với cuối năm 2020. Đại diện ngân hàng này cho biết, ngay trong quý đầu năm 2021, ngân hàng đã xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một doanh nghiệp. Điều này khiến số nợ xấu giảm mạnh, nhất là nợ có khả năng mất vốn giảm 4 lần so với trước.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100%, thậm chí 200 - 300%. Hiện Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đang là quán quân về tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 352%, tức là cứ 100 đồng nợ xấu thì nhà băng này dự phòng 352 đồng. Tương tự, Techcombank cũng gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 259%, tăng 88% so với đầu năm nay.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao là những chỉ số tích cực cho thấy sự chủ động trong quản trị rủi ro của các ngân hàng, và phần nào phản ánh tương ứng năng lực thực sự của những nhà băng đã đi đầu để tiến tới chuẩn Basel III. Điều này cũng được xem là yếu tố thuận lợi đối với các ngân hàng để giữ được đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Đặc biệt, một trong số các hành động "biến nguy thành cơ" của các ngân hàng thời gian qua là đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ khách hàng, qua đó tăng nguồn thu từ dịch vụ, bù lại những tổn thất từ mảng tín dụng do phải cắt giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Nhờ chuyển đổi số nhanh mà các ngân hàng cũng hái được nhiều "trái ngọt". Như tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), trong 6 tháng đầu năm nay MB đã có khoảng 2,5 triệu tài khoản mới mở qua eKYC, chiếm trên 70% số lượng khách hàng mới kể từ khi nhà băng này chính thức áp dụng eKYC vào mở tài khoản. Hay tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), nhờ dành nhiều nguồn lực vào ngân hàng số, các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ và tính tự động nên lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số của nhà băng này tăng trưởng trên 130% trong năm qua.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng trong giai đoạn dịch bệnh cũng giúp ngân hàng tối ưu hóa hoạt động, kiểm soát tốt chi phí, kiểm soát chi phí trên thu nhập (CIR) tốt - một chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.
Số lượng các ngân hàng sở hữu CIR ở mức dưới 30% khá nhiều, gồm: VPBank (23,4%), BIDV (25,63%), Techcombank (28,41%), VietinBank (28,51%), SHB (28,57%), ACB (29,89%)... Riêng KienLongBank có sự cải thiện CIR ấn tượng khi ngân hàng này đã đưa tỷ lệ chi phí trên thu nhập từ mức cao 74,26% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 40,14% trong 6 tháng đầu năm nay.
Duy trì triển vọng tích cực
Nhờ vào những giải pháp nêu trên, dù cả nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng vẫn đang trải qua rất nhiều khó khăn từ dịch COVID-19 nhưng hiệu quả hoạt động của phần lớn của các ngân hàng vẫn được duy trì so với năm trước. Vì vậy, các chuyên gia đã không ngần ngại đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng của ngành Ngân hàng trong tương lai.
Theo khảo sát của Vietnam Report, với những yếu tố thuận lợi do sự phục hồi kinh tế toàn cầu, lãi suất thấp,... có 52,94% chuyên gia và ngân hàng nhận định ngành ngân hàng trong năm 2021 sẽ tăng trưởng khả quan. Tăng trưởng tín dụng cả năm được dự báo có thể tương đương hoặc cao hơn mức tăng trưởng 12,13% của năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến khó lường, chưa được kiểm soát.
Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng năm 2021 trong 3 kịch bản được Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) công bố vẫn duy trì đà tăng. Cụ thể, trong kịch bản lạc quan, MBKE ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng có thể đạt 37% so với cùng kỳ năm trước; trong kịch bản cơ sở, lợi nhuận có thể tăng 33% (đã điều chỉnh); trong kịch bản bi quan, lợi nhuận có thể tăng 25%.
Cùng chung nhận định về triển vọng của Ngành, ông Harmander Mahal từ Ngân hàng Standard Chartered phân tích, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người gia tăng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ, điện thoại thông minh và Internet tại Việt Nam rất cao. Đây là lợi thế để đẩy mạnh sự sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng, qua đó ngành Ngân hàng có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội trong thời gian tới.