Nhiều dự án bán đất “chui”
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về hành vi của một doanh nhân bị tố quấy rối nữ hành khách trên chuyến bay từ Hà Nội tới TP.HCM. Vị doanh nhân này sau đó được điểm tên là ông Vũ Anh Cường, một đại gia địa ốc nổi tiếng với hàng loạt dự án khu dân cư phân lô bán nền ở TP.HCM, Bình Dương.
Thời gian qua, ông Vũ Anh Cường liên tục vướng vào lùm xùm bị khách hàng tố cáo bán đất dưới dạng hợp đồng góp vốn, song suốt nhiều năm không bàn giao đất như cam kết.
Vụ việc ầm ĩ nhất là khách hàng Hà Dũng (Hà Nội) gửi đơn tố cáo tới Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM và UBND Quận 2 về hành vi lừa đảo của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành do ông Vũ Anh Cường làm Tổng giám đốc. Theo đó, năm 2008 ông Hà Dũng đã ký hợp đồng góp vốn với Công ty Đất Lành để mua lô đất diện tích 100m2 tại tiểu khu 12A thuộc khu dân cư Bình Trưng Đông, phường Cát Lái, Quận 2, TP.HCM và đã nộp 300 triệu đồng (tương ứng 50% giá trị lô đất).
Ngoài ra, vị khách này đã thanh toán 400 triệu đồng cho một cá nhân môi giới như khoản tiền “chênh lệch” ngoài hợp đồng. Công ty Đất Lành cam kết sẽ bàn giao nền đất vào năm 2011, nhưng suốt 8 năm qua, đã không giao đất, cũng không trả lại tiền cho khách hàng.
Trong khi đó, Công ty Đất Lành không phải là chủ đầu tư dự án Tiểu khu 12A Bình Trưng Đông, mà chỉ là bên liên doanh hợp tác với Công ty cổ phần Xây dựng số 14 - chủ đầu tư dự án này. Theo thoả thuận liên doanh, Công ty Đất Lành chỉ được phép kinh doanh dự án sau khi Công ty cổ phần Xây dựng số 14 hoàn thành đầu tư và tuân thủ theo các quyết định liên quan. Trả lời báo chí sau đó, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng số 14 đã lên tiếng bác bỏ liên quan tới những giao dịch huy động vốn trái phép của Công ty Đất Lành và ông Vũ Anh Cường. Dự án tiểu khu 12A Bình Trưng Đông đã bị thu hồi vào năm 2014 do không hoàn thành giải phóng mặt bằng sau 13 năm nhận đất.
Tương tự, nhiều khách hàng đã khổ sở sau khi góp vốn hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây (thành lập năm 2010, do ông Vũ Anh Cường là đại diện pháp luật) để làm dự án Khu nhà ở Bình Trưng Tây (quận 2, TP.HCM) với diện tích 14,59ha. Dù dự án chưa xây dựng cơ sở hạ tầng, không đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh nhưng công ty này vẫn ngang nhiên ký hợp đồng góp vốn để huy động nhiều tỷ đồng từ người mua đất. Đến giờ, dự án vẫn “treo” trên giấy chưa có động tĩnh triển khai, khiến khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì mua phải đất “ma”, bị chiếm dụng vốn và nguy cơ mất trắng là nhãn tiền!
Vì sao ngân hàng “bơm” vốn?
Không chỉ huy động vốn của hàng trăm khách mua đất tại dự án “treo”, nhóm công ty của ông Vũ Anh Cường gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành, Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây còn được nhiều ngân hàng “ưu ái” cho vay với tổng dư nợ lên tới cả trăm tỷ đồng. Nhưng hoạt động kinh doanh của các chủ dự án này gặp khó khăn, không còn khả năng trả nợ. Đến năm 2015, Công ty Đất Lành còn dư nợ gần 60 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV và đã thành nợ xấu.
Trong khi đó, ngân hàng PVcombank cũng “mắc cạn” khi cho Công ty Đất Lành vay tiền, đến giờ vẫn chưa thu hồi được nợ.
Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây cũng làm các ngân hàng khổ sở khi chây ỳ trả nợ. Trong đó, số nợ xấu hàng chục tỷ đồng tại BIDV đã bị phân loại nhóm 5 - nợ có nguy cơ mất vốn từ vài năm trước.
Cũng trong tình cảnh cho vay và khó đòi nợ, Ngân hàng Sacombank đã khổ sở khi đòi nợ 22 tỷ đồng của Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây. Một phần nợ vay không có tài sản đã trở thành nợ mất vốn, còn phần lớn nợ xấu đã được Sacombank bán sang cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), chưa rõ khi nào mới thu hồi được.
Có thể thấy, với tình cảnh đầu tư các dự án dở dang, bị thu hồi thì doanh nghiệp sẽ rất khó để cân đối dòng tiền từ kinh doanh để trả nợ cho các ngân hàng. Hơn nữa, các khách hàng góp vốn đầu tư vào dự án cũng liên tục gây sức ép đòi nợ tiền, tố cáo chủ doanh nghiệp lừa đảo… khiến cho uy tín làm ăn ngày càng giảm sút.
Theo quy định, khi khách hàng phát sinh nợ xấu thì ngân hàng sẽ khởi kiện doanh nghiệp ra toà để yêu cầu trả nợ và được phép thu giữ tài sản đảm bảo, bán đấu giá để thu hồi nợ. Nhưng thực tế, việc siết nợ đối với chủ dự án bất động sản lại rất khó khăn, nhất là khi quá trình thẩm định, cho vay dự án dễ dãi, cũng không loại trừ khả năng “thổi giá” tài sản để phê duyệt cho vay lớn hơn giá trị thực tế. Đến khi dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ, hoặc bị thu hồi thì doanh nghiệp cũng không còn cơ sở pháp lý để đảm bảo nguồn thu trả nợ như cam kết, đẩy ngân hàng vào thế “mắc cạn” trên chính khoản nợ xấu.