Aa

Ngân hàng nào đứng đầu trong Big 4?

Thứ Hai, 17/06/2019 - 21:10

Các thông số tài chính được công bố sẽ là một khía cạnh mang tính tham khảo khi đánh giá sức khỏe của một ngân hàng. Do vậy mà có lẽ việc xếp hạng và phân cấp ngân hàng đang dựa vào tầm ảnh hưởng.

Ngay cả trong nhóm "big 4", yếu tố như các thông số tài chính, niềm tin khách hàng, quy mô tài sản, thị giá trên thị trường chứng khoán khiến cho vị trí sắp xếp của các ngân hàng này bị đảo lộn.

Những con số biết nói

Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của 4 nhà băng Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank chiếm tới 43% hệ thống tổ chức tín dụng. Agribank đang có dư nợ cho vay và huy động tiền gửi khách hàng lớn nhất, đều đã vượt trên 1 triệu tỷ đồng. Trong khi dư nợ cho vay và huy động tiền gửi khách hàng của BIDV là hơn 900.000 tỷ đồng, của Vietinbank là hơn 800.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay của Vietcombank thấp hơn khá nhiều, chỉ đạt hơn 600.000 tỷ đồng cuối năm 2018. Về tiền gửi, Vietcombank tương đương với Vietinbank, có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất.

Với dư nợ cho vay lớn nhất, tổng thu nhập của Agribank cao hơn hẳn 3 ngân hàng còn lại, đạt 52.827 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, Vietcombank lại có lợi nhuận trước thuế dẫn đầu với 18.000 tỷ đồng, cao hơn 2 lần so với 3 ngân hàng còn lại.

Đặc thù của ngành ngân hàng là kết quả doanh thu chưa hẳn đã quyết định con số lợi nhuận cuối cùng, có vẻ như chi phí dự phòng rủi ro mới là yếu tố tiên quyết. Dù có kết quả doanh thu cao nhưng chi phí dự phòng rủi ro của Agribank vượt qua mức 21.000 tỷ đồng, ngốn đến 75% lợi nhuận của ngân hàng này. Tiếp sau là BIDV hơn 18.000 tỷ đồng. Vietcombank và Vietinbank có mức trích lập ngang nhau, hơn 7.000 tỷ đồng.

Phải thừa nhận rằng, nếu so với các ngân hàng thương mại, tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng trong nhóm "big 4" chưa hẳn đã nổi bật; tuy nhiên tầm ảnh hưởng của 4 ngân hàng này vẫn lớn trên cả thị trường tài chính và chứng khoán. Chẳng phải chỉ có quy mô lớn, lợi nhuận khủng mà các khoản nợ xấu khổng lồ của các ngân hàng lớn cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như bất động sản.

Và nợ xấu ngân hàng vẫn khó xác định hơn các doanh nghiệp khác và thường bị cho là “7 phần chìm, 3 phần nổi”. Nếu xét về con số, nợ xấu Vietcombank đang khả quan hơn khi mức này dưới 1%, nhưng tốc độ cải thiện mạnh vẫn là Agribank. BIDV và Vietinbank đang có những “con nợ khủng” nên khó để cải thiện nợ xấu trong thời gian ngắn.

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank thấp nhất, dưới 1%. Trong khi đó, BIDV cao nhất với 1,8%, Agribank và VietinBank cùng ở mức 1,6%.

Vietcombank đã xóa sạch nợ tại VAMC. Trong khi đó, BIDV còn hơn 14.138 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, VietinBank là 13.427 tỷ đồng, Agribank là 7.750 tỷ. Agribank và BIDV đều đặt mục tiêu xóa sạch nợ tại VAMC trong năm nay.

Quá khó để so gang các ngân hàng trong nhóm big 4 nếu chỉ nhin qua các thông số tài chính

Quá khó để "so găng" các ngân hàng trong nhóm big 4 nếu chỉ nhìn qua các thông số tài chính. Thiết kế Đức Anh

Nhóm Big 4 giờ ra sao? 

Agribank đau đầu chuyện nợ xấu

Vẫn là câu chuyện nợ xấu, tại "Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN" ngày 21/11/2018, chủ tịch Agribank cho biết, trong giai đoạn tái cơ cấu, Agribank phải kiện ra toà dân sự 6.500 vụ việc với tổng giá trị tranh chấp trên 4.000 tỷ đồng. Hiện đã có 3.300 bản án có hiệu lực pháp luật đang chờ các cơ quan thi hành án giải quyết. Số vụ án đang xử tại toà là 3.200 vụ, công tác thi hành án cực kỳ phức tạp, có không ít vụ kéo dài 4 – 5 năm; tài sản bán đấu giá trên 10 lần không thành.

Điều đáng nói, khi đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ pháp luật thì lập tức khách hàng ngừng trả nợ, tài sản bảo đảm không xử lý được nên xuống cấp, giá trị thu hồi không đáng kể so với số nợ vay. Có vụ hầu như mất trắng, đơn cử vụ việc liên quan đến 16 khách hàng có dư nợ trên 5.000 tỷ đồng, khi chốt thời điểm đưa vụ việc ra xét xử thì chỉ thu được 190 tỷ đồng, tương ứng 8,7%.

Áp dụng Nghị quyết 42, hiện ngân hàng có 3.166 vụ khách hàng chây ì trả nợ và được phép xử lý rút gọn nhưng toà chỉ xử lý vỏn vẹn 2 vụ.

BIDV bao giờ lột xác?

BIDV hiện nay đang là ngân hàng nhiều vấn đề nhức nhối nhất. Hiện BIDV chưa có thuyền trưởng lèo lái khi lãnh đạo cũ để lại quá nhiều vấn đề. Chưa kể, dưới thời ông Trần Bắc Hà, những mối quan hệ phức tạp trong hệ thống và khách hàng thân thiết đã khiến ngân hàng này mãi không thoát khỏi mớ bòng bong về nhân sự và nợ xấu.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV tăng từ 1,69% lên 1,9%. Bên cạnh đó, BIDV còn có 14.138 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm 27% so với đầu năm, trong đó trích lập dự phòng 7.676 tỷ đồng.

Năm 2017, nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các NHTM được triển khai, BIDV đứng trước một thời cơ mới, có thể sẽ xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn hoặc có thể vẫn trì trệ.

Ban lãnh đạo BIDV lập ra giải pháp triển khai Nghị quyết 42 với các nội dung như: thành lập nhóm công tác giúp ban chỉ đạo triển khai các công việc; bố trí đủ cán bộ có trình độ nghiệp vụ, đạo đức vào các dây chuyền xử lý nợ,…

Tuy nhiên, đã gần 2 năm triển khai, đến nay nợ xấu của BIDV vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), mặc dù quá trình xoá nợ xấu của BIDV đã có những tiến triển lớn trong hai năm qua nhưng ngân hàng vẫn cần thêm 2 - 3 năm trích lập dự phòng quyết liệt để xử lý phần lớn nợ xấu tồn đọng.

Cùng với đó, HSC cho rằng lợi nhuận của BIDV vẫn sẽ bị ăn mòn phần lớn bởi chi phí dự phòng cho dù tổng thu nhập hoạt động có thể tăng trưởng mạnh khi ngân hàng chuyển hướng sang bán lẻ.

Hơn nữa, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank vẫn chưa hoàn tất trong năm 2018 sẽ là một trở ngại trong việc mở rộng dư nợ trong năm 2019.

Vietinbank mất uy tín vì cán bộ

Vấn đề của Vietinbank những năm gần đây là nợ xấu không thuyên giảm mà uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều, khi chất lượng dịch vụ cùng với sự suy giảm đạo đức trong đội ngũ cán bộ nhân viên.

Sau vụ án Huyền Như, hàng loạt thông tin không hay bủa vây xung quanh ngân hàng này: Ngân hàng Vietinbank có nguy cơ sa lầy cùng khoản nợ nghìn tỷ tại Xi măng Công Thanh? Vụ khách hàng tố cáo lừa 400 triệu đồng; Nhiều nghìn tỷ "khó rút" tại Đạm Bắc Hà; Hay “gặp vấn đề" trong khâu kiểm soát, nhân viên gian dối rút tiền của 31 khách hàng,…

Chưa biết việc xử lý nợ xấu đang khẩn trương đến đâu, tốc độ tăng trưởng các chỉ số kinh doanh ra sao, nhưng nếu không hoàn thiện hệ thống quản lý cán bộ nhân viên chuyên nghiệp, Vietinbank khó lấy lại được niềm tin của khách hàng.

 Vietcombank đứng trước thách thức nâng cấp

Mặc dù so với các ngân hàng của Việt Nam thì Vietcombank là ngân hàng có uy tín nhất về mặt ngoại thương. Nhưng mạng lưới Vietcombank chủ yếu tập trung ở đô thị nên ở những vùng xa xôi, người dân chỉ biết Agribank và thậm chí là thương hiệu Sacombank. Và đó là lý do mà những năm gần đây, Vietcombank luôn tích cực trong vấn đề truyền thông, đặt pano quảng cáo tại vùng nông thôn.

Vietcombank được đánh giá có chất lượng dịch vụ tốt nhưng so với một số ngân hàng chưa thật chuyên nghiệp khi sự đổi mới công nghệ tại Vietcombank thực sự chưa tương xứng với tầm vóc của vị thế ngân hàng số 1 Việt Nam trong thời đại 4.0. Thậm chí so với các ngân hàng như TPBank, Đông Á Bank thì Vietcombank vẫn còn đứng sau về công nghệ ATM, mặc dù ngân hàng này vượt xa về số lượng thẻ phát hành và máy ATM.

Vietcombank

Vietcombank là ngân hàng có uy tín nhất về mặt ngoại thương

Cổ phiếu nào đắt hơn?

Cổ phiếu BID của BIDV, VCB của Vietcombank và CTG của Vietinbank đều được thị trường đặc biệt quan tâm bởi không chỉ nằm trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường mà là dòng ngân hàng vốn hóa lớn nhất. Nhất là từ năm 2018, lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng mạnh, nhiều lần dẫn dắt thị trường vượt qua khó khăn.

Đánh giá về dòng cổ phiếu ngân hàng, giới phân tích vẫn cho rằng, năm 2019 tiếp tục là năm của cổ phiếu này. Cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trên thị trường chính thức cũng tăng trưởng tương đối tốt. Trong 10 mã ảnh hưởng tích cực nhất tới đà tăng của VN-Index mỗi phiên trong năm 2018, nhóm ngân hàng luôn góp mặt khoảng 3 - 4 cái tên.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang hấp dẫn hơn cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực. Minh chứng điều này khi so sánh tương quan giữa giá cổ phiếu/giá ghi sổ sách (P/B) với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt đắt hơn so với các quốc gia trong khu vực, nhưng khi so sánh với mức định giá hiện tại với ROE năm 2018, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở dưới giá trị. Hiện cổ phiếu ngân hàng có P/E ở mức 12.1; P/B là 2.1, rẻ hơn tương đối so với mức bình quân thị trường.

Quay lại câu chuyện thị giá cổ phiếu của 3 ngân hàng trong big 4 đã niêm yết cho thấy mức giá không được như kỳ vọng của nhà đầu tư và phản ánh đúng thực lực của ngành nghề kinh doanh "hot".

Chẳng hạn, cổ phiếu CTG chỉ dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BID giữ trên mức 30.000 đồng/cổ phiếu. Riêng VCB nổi bật hơn hẳn với mức trên 60.000 đồng/cổ phiếu. Vietcombank bứt phá hơn 2 cổ phiếu còn lại bởi ít rủi ro hơn về nợ xấu cũng như tin đồn liên quan đến lãnh đạo như BIDV và VietinBank.

Trong khi đó, chuyện cổ phần hóa của Agribank có vẻ còn rất nhiều khó khăn trắc trở. Hồi tháng 3, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo chuyên đề về “Kết quả cơ cấu lại, cổ phần DNNN năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới”.

Kế hoạch là cổ phần hoá 64 doanh nghiệp, hết năm thực hiện được 23 doanh nghiệp. Năm 2018 chậm trễ thì năm 2019 áp lực sẽ lớn hơn. Kế hoạch năm nay là cổ phần hoá 19 doanh nghiệp, trong khi còn hơn 40 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá từ năm 2018.

Khi đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản Nhà nước, đặc biệt là đất đai sẽ tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Trong đó Agribank là một điểm nhấn.

“Agribank là hệ thống ngân hàng lớn nên khởi động 1,5 năm mà phương án sử dụng đai đất chưa hoàn thành nên chưa cổ phần hoá được. Vì cổ phần hoá thì treo lại mảnh đất chưa xác định được là dùng vào mục đích gì? Ở đây, phương án phê duyệt sắp xếp, sử dụng đất đai thì theo quy định là địa phương làm phê duyệt kế hoạch mục đích sử dụng đất. Nếu địa phương không quyết liệt làm, đủng đỉnh thì các doanh nghiệp chậm là đúng. Đó là Nhà nước chủ quan”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Theo đó, với trường hợp của Agribank, tuy Bộ đã có hướng dẫn rà soát đất đai, nhưng do quy mô quá lớn, đến nay Agribank vẫn chưa rà soát, đưa ra được phương án sử dụng đất cụ thể.

Trước đó, liên quan đến phần xác định giá trị doanh nghiệp chuẩn bị cho cổ phần hoá, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Agribank cho biết ngân hàng hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng số 2,6 triệu mét vuông đất, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.

Mặc dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn ngổn ngang.

Agribank gặp khó trong quá trình cổ phần hóa

Agribank gặp khó trong quá trình cổ phần hóa

Việc tăng vốn, các ngân hàng đều cần trợ giúp

Hiện, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank là hơn 37.000 tỷ đồng. Theo ông Nghiêm Xuân Thành mặc dù đã thành công phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 6.180 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng so với kế hoạch đề ra thì nhu cầu tăng vốn của Vietcombank vẫn còn lớn.

"Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tăng vốn của các NHTMNN trở thành vấn đề nhức nhối, hết sức cấp thiết", ông Thành nói.

Theo đó, Vietcombank kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các NHTM có vốn Nhà nước tăng vốn bằng việc giữ lại lợi nhuận như cho phép trả cổ tức bằng cổ phiếu, cho phép tăng vốn từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại tích lũy.

Ngoài ra, đề xuất Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM, cho phép sử dụng một phần Quỹ hỗ trợ sắp xếp DNNN để tăng vốn cho các NHTMNN, đáp ứng vốn an toàn tối thiểu theo Basel II.

Hiện BIDV cần vốn hơn bao giờ hết. Theo giới phân tích, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của BIDV thấp cho dù là theo tiêu chuẩn Basel I (9%). Điều này kéo theo nhu cầu tăng vốn cấp 1 rất lớn trong ba năm tới của BIDV, do đó, cổ phiếu BID được nhận định là một trong những cổ phiếu ngân hàng có rủi ro pha loãng cổ phiếu lớn nhất.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), BIDV sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu vốn ngay cả khi đã thực hiện thành công đợt phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài.

Cụ thể, sau đợt phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank với tỷ lệ 15% (sau khi phát hành), ước tính chỉ số an toàn vốn tối thiểu CAR sẽ ở mức 11,3%, cho phép ngân hàng tăng tài sản sinh lãi thêm 13% trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, để áp dụng Basel II, BIDV cần phải cắt giảm CAR xuống 150 - 200 điểm cơ bản nên thương vụ phát hành riêng lẻ này chỉ là cách giải quyết vấn đề tạm thời.

Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy sau đợt huy động tiếp tục cao, lên đến 19,6 lần trong năm 2020, mức cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, VCSC dự báo ngân hàng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào phát hành vốn cấp 2 và có thể sẽ phải thực hiện một đợt phát hành riêng lẻ khác trong giai đoạn 2020 - 2023.

Vietinbank muốn lấy lợi nhuận tích lũy kế tăng vốn

Trình bày tại phiên họp thường niên năm 2019, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam cho biết, đang xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước hai phương án phân phối lợi nhuận trong ba năm 2017 - 2019. Trong đó, nhà băng này đề xuất được chia toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn trong cả ba năm.

Riêng phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 trình các cổ đông, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là gần 3.000 tỷ đồng. VietinBank cũng trình hai phương án, chia cổ tức bằng cổ phiếu toàn bộ với tỷ lệ 8,03% hoặc giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề tăng vốn, ông Thọ cho biết VietinBank "bắt buộc phải tăng vốn thành công" nếu không sẽ không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II. Tỷ lệ an toàn vốn đến cuối năm 2018 của ngân hàng riêng lẻ là 9,6% còn hợp nhất là 10%, đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên nếu chiếu theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ này sẽ về dưới 8%.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, vốn điều lệ đã giữ nguyên từ năm 2013 đến nay khiến các nguồn lực hỗ trợ hoạt động đã tới hạn, việc tăng vốn là vấn đề "rất cấp bách" và "quan trọng nhất" để đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong những năm tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top