Kết quả, có 6/7 thành viên tham gia đều trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 1,18% - cao hơn 2 phiên trước đó và là mức cao nhất kể từ đầu đợt phát hành. Với kỳ hạn 28 ngày, số tiền này sẽ được Ngân hàng Nhà nước bơm trả lại hệ thống vào ngày 31/10/2023.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày từ 18/8 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 9 phiên đấu thầu tín phiếu với tổng quy mô lên tới 110.000 tỷ đồng. Tín phiếu phát hành trong giai đoạn này đều có thời hạn 28 ngày và lãi suất dao động trong khoảng từ 0,49 - 1,18%/năm.
Trước đó, tại phiên 29/9, khối lượng tín phiếu trúng thầu giảm còn 3.800 tỷ đồng thì đã tăng dần trở lại trong các phiên gần đây là 6.800 tỷ đồng (ngày 2/10) và 10.000 tỷ đồng (ngày 3/10). Đồng thời, lãi suất trúng thầu cũng như số lượng thành viên tham gia đấu thầu cũng có xu hướng tăng. Dù vậy, lãi suất trúng thầu vẫn thấp hơn khá nhiều so với lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái phát hành tín phiếu của ngân hàng nhà nước nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.
Chứng khoán BSC đánh giá, thông qua việc phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết thanh khoản hệ thống đang dư thừa và tổ chức tín dụng chưa dùng đến. Bên cạnh đó có thể hạn chế hiện tượng đầu cơ ngoại tệ. Thực tế, hoạt động phát hành tín phiếu là nghiệp vụ bình thường, cơ bản của ngân hàng trung ương. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2018 - 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nghiệp vụ này đều đặn nhiều lần trong năm.
Thống kê của BSC cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hút ròng trung bình khoảng 9,7 lần/năm trong giai đoạn này, số ngày trung bình/đợt là khoảng 13,4 ngày. Giá trị hút ròng trung bình/chu kỳ đạt 43.385 tỷ đồng. Giá trị hút ròng lớn nhất/chu kỳ là 191.100 tỷ đồng vào năm 2022.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 21/9, tín dụng tăng 5,91%, đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022 (tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12.630.000 tỷ đồng). Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, thông thường hàng năm tín dụng sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Trong bối cảnh này, ngành ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp cùng sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) hôm nay ngày 3/10, được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.065 VND/USD, tăng 6 đồng so với hôm qua và tăng 459 đồng so với thời điểm ngày 3/1/2023.
Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 3/10 là 25.268 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.861 VND/USD./.