Sẽ vượt chỉ tiêu đưa ra
Trong quý III/2020, MB ghi nhận thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 6,1% so với cùng kỳ, đạt 6.735 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 10%, đạt 3.015 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu thuần từ kinh doanh của MB đạt gần 19.650 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước với cả thu nhập lãi thuần và mảng dịch vụ đều tăng ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8%, riêng ngân hàng mẹ đạt 7.369 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Với kết quả trên, MB vẫn đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến khi lợi nhuận của quý II và quý III vẫn tăng đều so với kế hoạch dự kiến là lợi nhuận giảm 10% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại Lienvietpost Bank (LPB), tính đến 30/9, Ngân hàng có vốn điều lệ 9.769 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 214.000 tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt 175.000 tỷ đồng; cho vay thị trường 1 đạt 160.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đến hết quý III/2020, lợi nhuận lũy kế của Ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm 2020. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 1.740 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 1.700 tỷ đồng.
Dự báo quý cuối năm, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu vay kinh doanh, vay tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại, Ban lãnh đạo LPB tin tưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 sẽ vượt kết quả năm 2019 (lợi nhuận năm 2019 đạt trên 2.000 tỷ đồng) và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động.
Tại VIB, quý III/2020 Ngân hàng đạt 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với quý II/2020 và tăng 52% so với quý III/2019.
Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu VIB đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 89,44% mục tiêu cả năm (4.500 tỷ đồng).
Doanh thu từ hoạt động dịch vụ của VIB trong 9 tháng đạt 1.637 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% tổng doanh thu, tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu duy trì ở mức 40%.
Trong khi đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho biết, tính đến hết tháng 9/2020 Ngân hàng đã hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2020.
Dự kiến lợi nhuận đạt được của Sacombank trong năm nay sẽ vượt 20% chỉ tiêu đề ra, tức bằng với con số đạt được của năm 2019 (3.200 tỷ đồng) trước thuế.
Kế hoạch lợi nhuận trình ĐHCĐ thông qua năm 2020, Sacombank dự kiến lãi trước thuế hợp nhất đạt 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với kết quả năm 2019.
Đồng thời, theo Tổng giám đốc Sacombank, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã xử lý được trên 11.00 tỷ đồng nợ xấu.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh 9 tháng, ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank cũng cho hay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lõi của Ngân hàng đến cuối tháng 9/2020 đạt 1.200 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành 84% mục tiêu cả năm (1.435 tỷ đồng).
Còn lợi nhuận trước thuế sau nợ xấu của Eximbank 9 tháng đạt 1.100 tỷ đồng, cũng hoàn thành 84% kế hoạch cả năm (1.318 tỷ đồng).
Theo lãnh đạo Eximbank, bên cạnh tín dụng ngân hàng tăng thu nhập ngoài lãi cho vay và tối ưu chi phí nên lợi nhuận từ kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 đã vượt gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, kế hoạch lợi nhuận trên của Eximbank đã được HĐQT Ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh 40% từ giữa tháng 5/2020 so với kế hoạch đầu năm 2020 (tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019).
Tại Saigonbank cũng ghi nhận những kết quả 9 tháng khá tích cực dù gặp phải những khó khăn chung do tác động của đại dịch.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Ngân hàng là hơn 23.000 tỷ đồng, vốn huy động từ khách hàng đạt 17.744 tỷ đồng, tăng 13,25% (2.076 tỷ đồng) so với đầu năm nay; tỷ lệ nợ xấu là 2,06%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng của Saigonbank là 27,08 tỷ đồng, giảm 50,75% (27,91 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 177 tỷ đồng (so với kết quả kinh doanh của cả năm 2019 là 181 tỷ đồng).
Theo ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Ngân hàng sẽ phát triển tốt từ nay đến cuối năm 2020.
Mặt khác, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cũng đưa ra công bố ước tính lợi nhuận của một số ngân hàng trong quý III và lũy kế 9 tháng.
Cụ thể, lãi trước thuế ACB ước tăng 23%, đạt 2.370 tỷ đồng trong quý III/2020. Trước đó, 2 quý đầu năm nay ACB báo lãi 3.819 tỷ đồng trước thuế. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm nay của ACB là 7.636 tỷ đồng.
Lợi nhuận Techcombank quý III/2020 ước đạt 3.260 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt tăng 5,5% và 10% so với đầu năm, đến từ trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay từ khách hàng doanh nghiệp lớn.
Tương tự, TPBank được SSI Research dự báo lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 30% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, SSI Research dự báo lợi nhuận quý này của HDBank tăng 30%, đạt hơn 1.600 tỷ đồng; VietinBank được dự báo lợi nhuận trước thuế 3.240 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Áp lực nợ xấu tăng
Tuy đạt được kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay, song áp lực nợ xấu vẫn còn ở phía trước, nhất là với các khoản nợ xấu “chưa được che dấu” bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Về chất lượng tín dụng của MB, tại thời điểm cuối quý III/2020, Ngân hàng có tổng cộng 4.036 tỷ đồng nợ xấu, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, song nhờ tăng trưởng tín dụng cao nên tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,5% trong khi cùng kỳ là 1,54%.
Tính đến 30/9/2020, ngân hàng MB hợp nhất có tổng tài sản hơn 427 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2019 và tăng 7,5% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đạt hơn 296 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Tại VIB, chi phí dự phòng trong 9 tháng đầu năm nay tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. ROE bình quân đạt 28,9%, thuộc nhóm cao nhất ngành.
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của VIB đạt trên 213 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt trên 151 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, cao gần gấp 3 lần so với trung bình ngành.
Tại Vietinbank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của quý III/2020 cũng được SSI ước tăng 28,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, SSI Research tin rằng, chất lượng tài sản của ACB năm nay vẫn được kiểm soát tốt, với tỷ lệ nợ xấu khoảng 1% theo mục tiêu của ngân hàng đề ra. Dù vậy, theo SSI nợ xấu nhóm 2 của ACB ước tính tăng.
Với BIDV, SSI Research cho rằng, lãi trước thuế quý III/2020 phụ thuộc nhiều vào chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Dù trích lập dự phòng có thể ở mức cao do dịch Covid-19, trái phiếu VAMC đã được xử lý hết trong quý I/2020.
Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý III/2020 của BIDV ước đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng BIDV cũng thấp, ở mức 2,9%.
Quả thực, trước tác động của dịch bệnh, hoạt động cho vay của ngân hàng gặp khó khăn khi nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là các doanh nghiệp giảm. Không ít ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng âm trong nửa đầu năm nay và dự báo chưa thoát âm đến cuối tháng 9/2020 như: Eximbank, Saigonbank...
Đồng thời, nguồn thu từ dịch vụ cũng bị ảnh hưởng do ngân hàng phải giảm phí cho khách hàng.
Trong khi đó, nợ xấu có chiều hướng tăng nên đòi hỏi các nhà băng tăng trích dự phòng rủi ro.
Sacombank cho biết, 9 tháng đầu năm xử lý được hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu, tạm hoàn tất mục tiêu xử lý nợ đưa ra cho năm nay.
Thế nhưng, tại Sacombank do nhiều khoản nợ xấu tồn tại từ khi sáp nhập thêm SouthernBank nên đến nay còn không ít khoản nợ lớn chưa được xử lý.
Chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên mức 3% vào năm 2020 và 4% trong năm 2021, trong khi cuối năm 2019 chỉ 1,9%.
Trong khi đó, dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn thu hẹp, kéo theo tín dụng tăng trưởng chậm. Đến 22/9/2020, tín dụng tăng 5,22% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước tăng hơn 8,4%.
TS Lực nhận định, cả năm nay tín dụng sẽ tăng 8 - 9% và năm 2021, con số này có thể là 9 - 10%.
Tác động thứ hai được đề cập là chất lượng tài sản ngân hàng xấu đi, nợ xấu sẽ tăng. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn hơn.
Chính những yếu tố trên sẽ dẫn tới tác động thứ ba, đó là lợi nhuận ngành ngân hàng giảm. Theo ước tính của TS Lực, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam sẽ giảm 20 - 25% trong năm 2020, tương đương các ngân hàng thương mại của Trung Quốc.
SSI Research cũng nhận định các ngân hàng quốc doanh chịu nhiều áp lực hơn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ đại dịch.
Trong khi các ngân hàng tư nhân vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa hỗ trợ khách hàng và đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý.
Tính đến 30/9/2020, tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã tăng 6,09%. SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5 - 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của NHNN là 11 - 14% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, SSI Research ước tính nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm 2020. Việc trích lập dự phòng sẽ kéo theo lợi nhuận giảm thêm.
SSI Research cho rằng, các ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, mặc dù thời hạn của Thông tư 01 có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.
Lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2020 của ngành ngân hàng được SSI Research ước tính giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước, do thu nhập hoạt động giảm 4% so với cùng kỳ năm trước và chi phí dự phòng tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước.
FiinGroup dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của 18/19 ngân hàng (riêng CTG không đưa ra kế hoạch cụ thể) dự kiến chỉ tăng 4,9% so với năm 2019. Kế hoạch này khá thận trọng nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết nửa đầu năm nay (tăng 12,95).
Dù lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng có thể giảm. Thế nhưng, các nhận định đưa ra từ giới phân tích kinh tế - tài chính, năm 2021, khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận ngân hàng quốc doanh ước tính sẽ tăng 23% trong khi nhóm ngân hàng TMCP tăng 11,2%.