Aa

Ngân hàng phát hành trái phiếu thành công… và khoảng tối phía sau?

Thứ Tư, 18/09/2019 - 06:00

Cuộc đua trái phiếu tại một số ngân hàng thêm phần căng thẳng khi các nhân viên cũng bị ép chỉ tiêu mua.

Nhóm phát hành thành công nhất, dù ít hấp dẫn nhất

Số liệu của SSI Retail Research cho thấy, 8 tháng đầu năm 2019, tổng lượng chào bán trái phiếu doanh nghiệp là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng. Trong đó, chủ thể phát hành lớn nhất vẫn là các ngân hàng thương mại (NHTM) với tổng giá trị phát hành là 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%).

Ngân hàng cũng là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công cao nhất (99,6%), ngoại trừ một ngân hàng có 2 lô phát hành ngày 8/5 và 19/6/2019 là 1.000 tỷ đồng và 900 tỷ đồng không bán hết (lượng phát hành tương ứng 950 tỷ đồng và 700 tỷ đồng). Tất cả 10 NHTM còn lại đều bán hết 100% lượng trái phiếu chào bán.

Lãi suất trái phiếu ngân hàng thấp nhất trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp

Tính bình quân gia quyền theo giá trị phát hành trong 8 tháng đầu năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình là 8,3%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 3,4 năm. Có tới 62,7% trái phiếu phát hành là lãi suất cố định (tức là 73 nghìn tỷ đồng), còn lại là lãi suất thả nổi. Tuy nhiên, nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng thì cơ cấu này có sự đảo ngược với 66% là thả nổi và 34% là cố định.

Hầu hết trái phiếu ngân hàng có lãi suất cố định và trả lãi hàng năm. Lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,75%/năm và 3,3 năm.

Nếu chỉ nhìn trên số liệu, trái phiếu ngân hàng là nhóm phát hành với chỉ số thành công cao nhất. Trái phiếu ngân hàng có lãi suất thấp nhất so với các nhóm còn lại, tuy nhiên, uy tín của chủ thể phát hành tốt hơn nhóm bất động sản hay các doanh nghiệp còn lại. Đặc biệt, là tổ chức tài chính nên các ngân hàng lại có những phương án phân phối trái phiếu hiệu quả.

Và cả một khoảng tối phía sau?

Trong dòng chảy của "cơn sốt" trái phiếu, phóng viên Reatimes được một người bạn làm tại ngân hàng trong nhóm Big 4 mời mua trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu với lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 7 năm. Khi phóng viên từ chối vì lãi suất này không hấp dẫn mà kỳ hạn dài thì nhân viên này cho biết: “ Người thân và bạn bè ai cũng chê lãi suất thấp và kỳ hạn quá dài. Có lẽ phải mang tiền nhà đi mua vì "trên" ép xuống, nhân viên quèn nhất cũng phải mua 100 trái”!

Theo chia sẻ của nhân viên này, trong đợt phát hành trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng, trụ sở chính của ngân hàng này đã giao khoán chỉ tiêu phát hành về cho các chi nhánh cấp tỉnh, theo đó các lãnh đạo chi nhánh tỉnh lại giao cho nhân viên chi nhánh cấp dưới mình phải mua để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Muốn "không làm phật lòng lãnh đạo", nhân viên không con cách nào khác là phải mua trái phiếu của ngân hàng để giữ việc làm.

Đáng chú ý, trước đó trong đợt phát hành trái phiếu năm 2018, tại chính ngân hàng này cũng đã có nhiều người phản ánh về tình trạng tương tự. Nhà băng này khi đó cũng khẳng định không có chủ trương ép nhân viên phải mua trái phiếu, ngân hàng chỉ giao chỉ tiêu về từng chi nhánh, sau đó lãnh đạo chi nhánh sẽ giao chỉ tiêu đến từng nhân viên vận động bà con, họ hàng, bạn bè mua. Còn nếu nhân viên có khả năng thì mua trái phiếu vì lãi suất trái phiếu khá cao. 

Phải chăng vì lãi suất thấp nên trái phiếu không hấp dẫn nhà đầu tư, cũng không có khách mua, khiến nhiều ngân hàng “ép” chỉ tiêu bán trái phiếu cho nhân viên các cấp?

Chưa kể, câu chuyện "trái chủ ẩn danh" ôm trái phiếu ngân hàng cũng đặt ra nhiều vấn đề. Sự việc đã xảy ra ở ngân hàng Vietinbank. 

Trong năm 2019, VietinBank được NHNN cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất do ngân hàng tự quyết định. VietinBank là một trong 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II. Theo lộ trình của NHNN, 2019 là hạn chót để nhà băng đạt tiêu chuẩn này.

Mới đây, ngân hàng đã công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 3 năm 2019. Đáng nói, có một trái chủ giấu tên đã nhiều lần ôm trái phiếu ngân hàng khiến giới đầu tư lo ngại về sự minh bạch trong bản báo cáo thông tin của Vietinbank. Theo công bố danh sách trái chủ, một “doanh nghiệp A*” đã mua 400 tỷ đồng trong số 500 tỷ đồng trái phiếu do ngân hàng phát hành đợt 3 năm 2019. Trong đợt phát hành trước đó, “doanh nghiệp A*” này cũng đã mua 100 tỷ đồng trái phiếu phát hành đợt 2 của Vietinbank. 

Ở một diễn biến khác, theo BCTC bán niên 2019 của 18 NHTM niêm yết, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các NHTM nắm giữ tăng thêm tới 56,4 nghìn tỷ, con số khá tương đồng với lượng trái phiếu các NHTM đã phát hành.

Đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích tư vấn khách hàng cá nhân SSI cho biết, rất có thể các NHTM đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau. Mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của NHNN.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top