Thực tế, phát hành trái phiếu để hỗ trợ nguồn vốn được các ngân hàng khai thông đầu tiên và đã trở thành xu hướng lan tỏa mạnh mẽ sang các lĩnh vực khác như bất động sản và chứng khoán.
Các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước vẫn khẳng định, phát hành trái phiếu là xu hướng không còn mới lạ trên thế giới và hoàn toàn là một trong những giải pháp vốn tốt cho doanh nghiệp – nếu được làm đúng cách và được quản lý tốt.
Tuy nhiên, bất cứ thị trường nào liên quan đến nguồn vốn đều có rủi ro. Và riêng đối với hệ thống tài chính - vốn đã là thị trường phức tạp, dễ bị lợi dung thì rủi ro còn tăng cao nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Ngân hàng mua chéo trái phiếu trong hệ thống để tăng tài sản ảo
Theo báo cáo tài chính bán niên của 18 ngân hàng thương mại niêm yết, đến hết tháng 6/2019, cho vay khách hàng tăng 8,2% so với hồi đầu năm trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 7,4%. Nếu tính tổng nguồn vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá), mức tăng trưởng nửa đầu năm 2019 là 8,4%.
Tổng lượng giấy tờ có giá đã phát hành của 18 ngân hàng thương mại niêm yết tại ngày 30/6/2019 là 340,5 nghìn tỷ đồng, tăng 71 nghìn tỷ đồng - tương đương 21% so với hồi cuối 2018.
Từ số liệu trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc nhóm phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân SSI cho rằng, tổng lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng mà những ngân hàng này nắm giữ cũng tăng thêm 56,5 nghìn tỷ đồng nên không loại trừ giả thiết các ngân hàng thương mại đang mua chéo trái phiếu của nhau để tăng quy mô, tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn. Vì thế, nhu cầu huy động tiền gửi từ khách hàng vẫn ở mức cao.
Và nếu giả thiết các ngân hàng thương mại đang mua chéo trái phiếu của nhau để tăng quy mô, tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn xảy ra, thì đây là một rủi ro mới trong việc phát hành trái phiếu cho áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng.
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối mặt với áp lực tăng vốn, không loại trừ khả năng các ngân hàng thỏa thuận mua lại trái phiếu của nhau để tăng tổng tài sản ma. Để đẩy tổng tài sản ảo lên, các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, rồi thỏa thuận bán lại cho nhau trong thời gian ngắn. Dù ngân hàng phát hành nhiều lần cũng không ảnh hưởng đến tài chính, nhưng ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn thực. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có phương án quản lý kiếm soát tình trạng này.
Ôm trái phiếu bất động sản để cơ cấu lại nợ tổ chức phát hành
Bán bảo hiểm và tư vấn phát hành trái phiếu, đầu tư trái phiếu đang là những hoạt động mang lại lợi nhuận trong hệ thống tài chính. Do đó, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này, trái phiếu đang là “cần câu cơm” của các ngân hàng.
Theo khảo sát của phóng viên, đa số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay không hề qua đánh giá tín nhiệm bởi 1 đơn vị độc lập và luôn có “bóng dáng và bàn tay” ngân hàng.
Thống kê cho thấy, nửa đầu năm nay, lượng trái phiếu mà các ngân hàng và các doanh nghiệp phát hành lên tới gần 90.000 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng nắm giữ chính là các ngân hàng thương mại, thông qua các công ty con là công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư.
Tất nhiên, khi phát hành thành công, doanh nghiệp hút được vốn mà thủ tục nhanh, trong khi ngân hàng, doanh nghiệp chứng khoán thu được phí. Cũng từ đây xảy ra các trường hợp trái phiếu của doanh nghiệp không tốt nhưng vì lợi nhuận, ngân hàng vẫn đứng ra bão lãnh và trở thành kẻ "thao túng" trong thị trường trái phiếu.
Trao đổi về diễn biến trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sở dĩ ngân hàng tăng tư vấn, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vì lợi nhuận cao hơn cho vay mà thanh khoản lại tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có quy định xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Vì vậy, khi đầu tư trái phiếu, ngân hàng vẫn có khả năng rủi ro khi doanh nghiệp phát hành thua lỗ, không trả được nợ và gốc. Trong trường hợp ngân hàng đứng ra phát hành trái phiếu cho cá nhân, nếu doanh nghiệp phát hành gặp sự cố, không trả nợ được cho người dân khi đến kỳ đáo hạn, thì uy tín ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo.
Trong việc bảo lãnh nói trên, đáng chú ý là trái phiếu bất động sản được ngân hàng bảo lãnh đang ẩn chứa nhiều rủi ro. Cũng giống hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản đang ở thời điểm cần vốn và cũng muốn coi phát hành trái phiếu là giải pháp.
Từ đó, doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng “bắt tay nhau” để có lợi đôi bên. Một số ngân hàng đang có số dư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng nhanh. Số dư vào trái phiếu lĩnh vực bất động sản lớn trong khi thị trường này chưa phục hồi vững chắc.
Trước tình trạng đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi các ngân hàng thương mại trong nước, yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các NHTM phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp (như quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp; nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu).
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN.
Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Theo NHNN, các NHTM phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, trong đó đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích; thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.
Cơ quan quản lý yêu cầu các NHTM tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Cùng với đó, tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
….Thử dò đường cơ cấu nợ của ngân hàng qua “cửa trái phiếu”
Ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ không phải là cách thức mới, bởi việc này giúp doanh nghiệp kéo dài thời gian trả nợ, ngân hàng cũng tránh bị tăng thêm nợ xấu. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, áp dụng khi một số doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời về dòng tiền. Thực tế còn cho thấy, việc đảo nợ bằng “chiêu” đầu tư trái phiếu sẽ khiến chất lượng khoản nợ được ghi nhận trên báo cáo tài chính không được phân loại chính xác.
Năm 2018, NHNN đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-NHNN nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng này nóng trở lại cùng làn sóng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của nhà băng.
Hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đều có bóng dáng ngân hàng: Tư vấn phát hành, đứng ra phân phối, là trái chủ lớn nhất. Và hoạt động tư vấn, đầu tư của ngân hàng thường được thực hiện qua hệ sinh thái công ty con như công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ…
Vậy đường đi của việc đảo nợ và bảo lãnh ra sao?
Một tập đoàn thân với một ngân hàng đối tác muốn phát hành một lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng. Tập đoàn này sẽ thông qua công ty chứng khoán ngân hàng đối tác thân đó để làm bản hợp đồng bảo lãnh phát hành và dĩ nhiên không đồng nghĩa bảo lãnh thanh toán đối với người mua.
Theo đó, công ty chứng khoán sẽ tư vấn cho doanh nghiệp phát hành một đợt hay chia thành nhiều đợt. Nếu phát hành hết trong 1 đợt, công ty chứng khoán này sẽ dành ra vài trăm tỷ bán hoặc ký gửi cho công ty quản lý quỹ (cũng thuộc ngân hàng trên) hoặc công ty chứng khoán khác là đối tác thân tín.
Số trái phiếu còn lại, công ty chứng khoán tư vấn sẽ chia lẻ ra thành nhiều món nhỏ vừa tầm để bán cho những nhà đầu tư cá nhân thông qua hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng mẹ.
Trong trường hợp số hàng "ký gửi" cho công ty quản lý quỹ, đối tác không tiêu thụ được, công ty chứng khoán tư vấn sẽ lại mang về bán tiếp sau khi chịu hao tổn một ít phí. Tiền để xử lý việc này có thể của công ty chứng khoán hoặc quỹ. Còn nếu số tiền lớn vượt khả năng thì ngân hàng mẹ sẽ bơm sang với một ít bút toán. Hoặc thậm chí ngân hàng mẹ sẽ ôm lại một ít trái phiếu này.
Trước mắt, việc “lách” tín dụng, đảo nợ này có thể giúp ngân hàng tăng lợi nhuận, né nợ xấu, giúp những doanh nghiệp hết hạn mức tín dụng hoặc đến kỳ trả nợ chưa xoay được nguồn tiền có thể tạm ung dung. Nhưng ề lâu dài, giải pháp này sẽ khiến nợ xấu chồng nợ xấu.
Chứng chỉ tiền gửi ra đời "ăn bám" với trái phiếu
Một loại hình tương đương trái phiếu, thậm chí lãi suất còn hấp dẫn hơn cùng sinh ra song hành với trái phiếu. Trong lúc phát hành trái phiếu dài hạn với mức lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi, các ngân hàng tranh thủ đưa ra chứng chỉ tiền gửi với độ hấp dẫn hơn cả trái phiếu.
Chẳng hạn như, LienVietPostBank cũng huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng, lãi suất lên đến 8,8%/năm dành cho số tiền gửi 5 tỷ đồng trở lên. Chứng chỉ tiền gửi của VIB cũng có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 6,68%/năm; 24 tháng là 6,88%/năm, mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng.
Hay như VietABank, người mua chứng chỉ tiền gửi mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng được hưởng lãi suất 6,9%/năm. Còn chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá trên 2 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 7,1%/năm; 9 tháng là 7,2%/năm; 13 tháng 7,9%/năm; 15 tháng 8,1%/năm; 18 tháng 8,2%/năm.
Một ngân hàn khác cũn phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 5 năm 1 ngày, lãi suất 8,48%/năm và kỳ hạn 7 năm, lãi suất 8,88%/năm.
Ngày 26/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi công văn số 6669/NHNN-CSTT về việc lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng. Theo cơ quan này, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài đã điểu chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.
“Động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ”, công văn cảnh báo.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu để đảm bảm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vỹ mô, Thống đốc đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 với các nội dung chính. Cụ thể, duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về việc chấp hành tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan…