Aa

Ngân hàng quốc doanh và “mô hình chân tường” cổ phần hóa

Thứ Ba, 15/01/2019 - 07:02

VietinBank như một điểm nhấn trong một năm thất bại của kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước...

Cuối tuần qua, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia họp phiên quý I/2019, xác định tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những "điểm nghẽn" của nền kinh tế.

Với kết quả thực hiện được, 2018 là một năm thất bại trong hoạt động trên.

Không nằm trong kế hoạch năm và chỉ còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn nguyên sở hữu Nhà nước, nhưng cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh lại đang đặt ra một vấn đề song song với "điểm nghẽn" trên.

Cuối tuần qua, lát cắt gây sốc với nhà đầu tư và cổ đông nhỏ lẻ tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã chính thức thực hiện: cắt giảm mạnh các chỉ tiêu tăng trưởng chính, đặc biệt ở lợi nhuận.

Dấu ấn tròn 10 năm sau cổ phần hóa và chuyển đổi mô hình từ ngân hàng quốc doanh tại VietinBank có dáng dấp của một chân tường.

VietinBank đã phải cắt giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận 2018, mức cuối cùng dự kiến còn thấp hơn cả tiến độ đạt được sau 9 tháng đầu năm; tín dụng cũng buộc phải cắt bớt hàng chục nghìn tỷ đồng…

Yêu cầu đảm bảo đủ vốn cho hoạt động đã phải đệm đến giới hạn, qua mượn thêm 4.000 tỷ trái phiếu dài hạn tính vốn cấp 2 năm qua. Hệ số an toàn vốn (CAR) không kéo giãn được thêm cho tăng trưởng, trong khi hệ số rủi ro tăng lên ở một số khoản mục có tỷ trọng đáng kể từ 2019, cùng một số khoản vốn theo lộ trình phải giảm trừ, những khoản nợ chuyển nhóm theo phân loại mới…

"Thế chân tường" buộc phải cắt bớt như trên đã được báo trước, qua ba năm liền VietinBank đề xuất, kiến nghị nhiều lần các cấp giúp tháo gỡ khó khăn tăng vốn điều lệ.

Ở cấp cao, cả Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã không dưới chục lần, tại các diễn đàn, các cuộc họp khác nhau, đưa ra yêu cầu và tính cấp thiết có giải pháp tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Nhưng đến nay, đề xuất vẫn chỉ là đề xuất. Và không chỉ VietinBank, Agribank năm qua cũng buộc phải đi vay mượn thêm 4.000 tỷ trái phiếu dài hạn để cầm cự.

Chân tường ở VietinBank có ở tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm xuống giới hạn cho phép (65%), tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đã lấp đầy 30% (hiện hở một tỷ lệ rất nhỏ sau hoạt động bán ròng kéo dài của khối ngoại từ cuối 2018 đến nay).

Nói cách khác, tuổi đời của mô hình cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh tại VietinBank quá ngắn để lão hóa khi xét đến giới hạn của tăng trưởng.

Đúng 10 năm trước, VietinBank tổ chức IPO và cổ phần hóa. Mô hình tại đây nhanh chóng thành công: IPO thành công, chuyển đổi mô hình và nhanh chóng có cổ đông chiến lược nước ngoài cùng với khoản thặng dư lớn - điều mà Vietcombank và BIDV không và chưa đạt được tốc độ tương tự sau cổ phần hóa.

Cơ chế thời gian qua và hiện nay xác định, tài nguyên cho các ngân hàng quốc doanh sau cổ phần hóa là tỷ lệ sở hữu Nhà nước giảm tối đa xuống 65% và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài 30%.

Với những giới hạn trên, VietinBank đã khai thác sớm tài nguyên, rồi cạn kiệt. Còn Vietcombank và BIDV, tài nguyên còn lại vẫn khá lớn, có điều kiện khai thác dần trong quá trình phát triển.

Nhưng đến khi Vietcombank và BIDV cũng khai thác hết như VietinBank thì sao? Cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh có trở thành một "mô hình chân tường" khép kín?

Sau 10 năm cổ phần hóa và trung hạn, những câu hỏi trên trở nên bế tắc ở vai trò của cổ đông Nhà nước.

Sau cổ phần hóa, Nhà nước tại đây không chi một đồng vốn nào để tăng vốn đến thời điểm này, ngay cả qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, ngoại trừ trường hợp Vietcombank từng chia cổ phiếu thưởng.

Ngân sách không cho phép. Quốc hội đã chốt kế hoạch ngân sách trung hạn mà không có nguồn để tăng vốn cho khối này. Trong khi đó, sau cổ phần hóa, nhóm ngân hàng quốc doanh, với đặc thù chiếm tới khoảng 50% thị phần cho vay, thường xuyên kéo căng chỉ tiêu tín dụng hàng năm phục vụ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các chương trình ưu đãi và hỗ trợ vay vốn…

Song song, sức ỳ của cổ đông Nhà nước trong tăng vốn kéo theo lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ và cổ đông chiến lược nước ngoài bị ảnh hưởng. Trường hợp VietinBank đang là điển hình.

Lợi ích đó cũng thể hiện rõ qua chính sách cổ tức. Tại các ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa, "lợi nhuận tủ kính" thể hiện rõ những năm qua: dù kết quả đạt được kỷ lục, tăng trưởng cao qua các năm, nhưng tỷ lệ cổ tức vẫn chỉ 5 - 8%, thay vì có thể linh hoạt các mức cao hơn như các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc tại nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa; thậm chí cổ tức VietinBank và BIDV năm qua vẫn còn "treo".

Có thể, sau cổ phần hóa và khi tài nguyên cơ chế lần lượt khai thác hết, "mô hình chân tường" này sẽ phải chậm phát triển, nhìn thị phần mất đi trong bối cảnh thị trường mở rộng và cạnh tranh giữa các khối khác không ngừng lớn mạnh.

Và họ phải đợi thêm ba năm nữa, giai đoạn 2021 - 2025, khi đề án chiến lược phát triển ngành từng bước có hiệu lực, tỷ lệ sở hữu Nhà nước giảm từ 65% xuống 51%, tạo thêm tài nguyên mới.

Trong khi đó, yêu cầu áp dụng Basel 2, với áp lực đảm bảo đủ vốn, lộ trình 2020 đã cận kề theo quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top