Kỳ vọng vào cuối quý III/2022
Theo lãnh đạo các ngân hàng, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid-19 giống như cơn khát sau trận hạn hán, nên dư nợ tăng rất nhanh và ngân hàng sớm cạn room khi kết thúc 2 quý đầu năm nay. Với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14% và thực tế như trên, giới phân tích dự báo, NHNN sẽ sớm cấp thêm room cho các ngân hàng. Về thời điểm nới room tín dụng, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích khách hàng cá nhân, Yuanta Việt Nam nhận định, nếu không được bơm vốn, doanh nghiệp có thể không phục hồi được, gây ra áp lực nợ xấu, không tốt cho cả hoạt động tín dụng lẫn nền kinh tế. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tài chính lành mạnh, bộ đệm vốn tốt sẽ được ưu tiên giao room tín dụng cao hơn. Các ngân hàng có thể chủ động phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại để tăng vốn điều lệ, tăng tỷ lệ an toàn vốn để có thể tiếp tục cho vay.
NHNN cũng nhấn mạnh, sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý (có thể vào đầu quý III hoặc cuối quý III/2022) và mức điều chỉnh phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Theo Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú, từ đầu năm, khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, NHNN cho biết, sẽ điều chỉnh một cách linh hoạt, có thể tăng lên 15 - 16%, song cũng có thể giảm xuống 12 - 13%.
Ông Đào Minh Tú cho rằng, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Nếu tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn, nhưng nếu thắt chặt tín dụng, thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, room tín dụng phải được giải quyết thỏa đáng.
Theo ông Tú, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Cơ quan quản lý sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa để chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện.
Vì sao chưa bỏ được hạn mức tín dụng?
Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất, lạm phát bị đẩy lên cao. Theo đó, mức trần tín dụng áp cho các tổ chức tín dụng bình quân là 13 - 14%, căn cứ vào tình hình lãi suất huy động vốn, dư nợ cho vay của năm trước, tỷ lệ nợ xấu, năng lực quản trị điều hành... Hằng năm, NHNN xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu quý I, rồi cấp thêm 1 - 2 lần để phù hợp với mục tiêu điều hành.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho rằng, hiện rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ cấp room tín dụng như Việt Nam. Thay vì khống chế trần tín dụng, NHNN nên kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua tiêu chuẩn về vốn theo Basel, kết hợp với công cụ quản lý ngân hàng hiện đại như kiểm tra định kỳ. Điều này vẫn tạo ra giới hạn tín dụng cho các ngân hàng, nhưng trên cơ sở định lượng, khách quan và minh bạch hơn.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá, nhu cầu vốn tín dụng hiện nay của doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, NHNN cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không, sẽ rất khó cho các ngân hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng thương mại đều hết room tín dụng, nên không thể đẩy vốn cho vay. Nhưng theo ông Đào Minh Tú, bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng. Mục tiêu của NHNN là hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt lĩnh vực rủi ro, cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...
Về tăng trưởng tín dụng, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đến thời điểm ngày 18/6, tín dụng đã tăng lên 8,2% và mục tiêu chung của ngành ngân hàng cả năm 2022 là tăng trưởng khoảng 14%. Hai năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có sự tác động rất lớn từ nền kinh tế thế giới và sự phục hồi của kinh tế Việt Nam cũng rất nhanh.
“Nhiệm vụ của NHNN là đảm bảo vốn phục vụ nền kinh tế mà vẫn phải thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.