Aa

Ngân hàng sớm chạm trần cho vay, phải chắt chiu để phục vụ khách

Thứ Ba, 15/06/2021 - 16:51

Tín dụng những tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ khi nhiều ngân hàng tư nhân được dự báo sử dụng hết hạn mức cho vay do Ngân hàng Nhà nước cấp ngay trong quý II.

Sau 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 4,76%, cao hơn nhiều so với con số 1,96% của cùng kỳ 2020. Báo cáo cập nhật của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, chỉ một thời gian ngắn sau quý I, một số ngân hàng tư nhân đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu do Ngân hàng Nhà nước giao đầu năm.

Ngân hàng tư nhân sớm hết hạn mức

"Tốc độ tăng trưởng này có được nhờ sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thuận lợi. Trong quý I, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản tăng nhỉnh hơn mức chung. Cho đến giữa tháng 5, các khoản cho vay dài hạn tiếp tục dẫn dắt tín dụng. Đây là chỉ dấu tỷ trọng đóng góp lớn của hoạt động cho vay bất động sản", chuyên gia của VDSC nhận định.

Tính riêng trong quý II, Techcombank có thể là nhà băng dẫn đầu về tốc độ tăng tín dụng so với cùng kỳ nhờ nền so sánh thấp của năm ngoái và hạn mức lần một cao. Trong khi đó, các nhà băng có vốn Nhà nước có thể đang đi chậm hơn mức trung bình chung của toàn ngành.

Dựa trên thời điểm công bố nâng mức trần tín dụng cuối năm ngoái, VDSC kỳ vọng hạn mức tăng trưởng sẽ được cấp mới trong quý III. Điều này có thể khiến các ngân hàng thương mại tư nhân gặp khó khăn trong hoạt động cho vay cho tới thời điểm được cấp thêm hạn mức.

Ngân hàng sớm chạm trần cho vay, phải chắt chiu để phục vụ khách
Nguồn: VDSC.

Ở chiều huy động, tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm của toàn ngành ngân hàng chỉ ở mức 2,68%, thấp hơn nhiều so với mức tăng tín dụng. Chuyên gia phân tích nhận định nền lãi suất huy động thấp là một yếu tố khiến việc huy động tiền gửi gặp khó.

Tình trạng này dẫn đến căng thẳng thanh khoản cục bộ và hạn chế tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng. Gần đây, một vài nhà băng đã tăng nhẹ lãi suất tiền gửi.

Chắt chiu cho vay

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank - cho biết tín dụng của ngân hàng này tăng tốt từ đầu năm, trên 6%. Ngân hàng đang chắt chiu phần hạn mức tín dụng còn lại để phục vụ khách hàng.

"Chúng tôi cũng phải để dành một phần hạn mức tín dụng cho khách hàng hiện hữu, không dám cho vay mạnh. Nếu cho vay thoải mái có khi cũng đã hết hạn mức", ông Tuệ chia sẻ.

Cả năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt 15%, mức tối đa theo hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ cũng đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng.

Về huy động vốn, ông Tuệ thông tin ngân hàng cũng đảm bảo mức tăng trưởng tốt, thanh khoản ổn định, dồi dào, cân đối với hoạt động cho vay. "Chúng tôi kiểm soát việc huy động phù hợp với cho vay. Khi tín dụng tăng mạnh, huy động cũng sẽ tăng. Còn nếu huy động vượt cho vay quá nhiều, ngân hàng sẽ thừa tiền", ông chia sẻ.

Ngân hàng sớm chạm trần cho vay, phải chắt chiu để phục vụ khách
Biểu đồ: VDSC.

Tổng Giám đốc ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng cũng thông tin nhà băng này đã sử dụng xấp xỉ hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp lần thứ nhất.

Còn theo phó tổng giám đốc một ngân hàng có hội sở ở TP.HCM, do hạn mức tín dụng được cấp lần đầu thấp nên hiện tại việc tăng trưởng gặp một số khó khăn.

Tại họp đại hội cổ đông thường niên 2021, lãnh đạo nhiều ngân hàng đều cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn linh động để thay đổi điều tiết tín dụng theo diễn biến chung của thị trường. Chỉ tiêu tín dụng được giao lần đầu chỉ khoảng 7 - 8% nhưng những ngân hàng tăng trưởng tốt sẽ nhận hạn mức bổ sung cao hơn nhiều.

Năm nay, nhiều ngân hàng như TPBank, OCB, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng rất cao 25 - 30% so với mức tăng dự kiến toàn ngành 12 - 14%.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của VDSC lưu ý diễn biến dịch bệnh phức tạp sẽ là lực cản với tín dụng. Hầu hết tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng trước đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện tại. Trong năm 2020, tín dụng chỉ bắt đầu tăng trưởng tốt từ tháng 8, thời điểm đợt dịch Covid-19 lần 2 được kiểm soát./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top