Lãi suất ngân hàng liên tục tăng
Thông tin nhận sự quan tâm rất lớn trên thị trường bất động sản hiện nay là việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tối ngày 24/10. Theo đó, trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%, lên 6%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng hàng loạt lãi suất điều hành.
Đây là lần tăng lãi suất điều hành thứ hai của Ngân hàng Nhà nước chỉ trong vòng một tháng qua. Cụ thể, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 6%/năm lên 7%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng nâng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định tăng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
Trước thông tin tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, nhiều Ngân hàng thương mại cũng có động thái bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi cho các kỳ hạn ngắn và dài hạn lên mức khá cao.
Đơn cử như, BAC A BANK đã tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên mức kịch trần. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn 1 tuần - 3 tuần có lãi suất 1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng - 5 tháng là 6%/năm, tăng 1%/năm so với trước. Lãi suất cao nhất tại hiện nay là 8,4%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Tương tự, NCB cũng đã tăng lãi suất huy động từ ngày 25/10, trong đó đưa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức tối đa cho phép. Hiện khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở lên tại NCB theo hình thức trực tuyến đã có lãi suất trên 8%/năm, cao nhất là 8,45%/năm (dành cho kỳ hạn từ 24 tháng).
Mặt khác, khảo sát trên website của các ngân hàng trong tháng 10 cho thấy, 3 ngân hàng HSBC, BIDV và Techcombank cũng có lãi suất cho vay tăng cao trong tháng này. HSBC đang triển khai lãi suất vay mua nhà là 7%/năm, tăng 0,8 điểm % so với khảo sát hồi đầu tháng trước. BIDV cũng điều chỉnh tăng lãi suất từ 6,2%/năm lên 7,7%/năm trong tháng này, mức điều chỉnh tương ứng là 1,5 điểm %. Đặc biệt, Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất đến 3,9 điểm %, nâng lãi suất vay mua nhà lên mức 10,59%/năm.
Đáng chú ý, VIB tiếp tục là ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, ở mức 9%/năm sau khi ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,3% từ mức 8,7%.
Với khối ngân hàng quốc tế, Woori Bank điều chỉnh lãi suất cho vay lên mức 7,8%/năm, tương đương tăng thêm 1,5%, áp dụng cố định cho năm đầu tiên. Hong Leong Bank tăng lãi suất khá mạnh, lên mức 7,92%/năm (tức tăng 1,73%) và cố định trong 1 năm đầu.
Theo giới chuyên gia, lãi suất tiền gửi của ngân hàng tăng cao sẽ khiến nhiều người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng để đảm bảo an toàn thay vì đầu tư vào bất động sản. Điều này có thể sẽ khiến cho thị trường bất động sản chậm thanh khoản, các doanh nghiệp cạn dòng tiền, các dòng vốn đều ách tắc.
Trên thực tế, từ tháng 9, việc ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài đã điều chỉnh tăng lãi suất vay khiến không ít người vay mua nhà đang phải gồng mình “gánh” mức lãi suất từ 11 - 12%/năm khi không được hưởng nhiều gói tín dụng ưu đãi như trước đây.
Thị trường khó chồng thêm khó
Động thái tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng đã tác động đến thị trường bất động sản. Báo cáo phân tích mới nhất về thị trường địa ốc của VNDirect nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng có thể tăng thêm 30 - 50 điểm. Đồng thời, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân có thể tăng lên mức 10 - 10,5%/năm vào cuối năm nay.
Nếu kịch bản này diễn ra, sản phẩm cho vay mua bất động sản của ngân hàng cũng sẽ chịu áp lực tăng lãi suất, tác động trực tiếp đến khách hàng vay vốn. Ngoài ra, các dự án bất động sản cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì nếu phải vay với lãi suất cao hơn, chủ đầu tư các dự án sẽ buộc phải điều chỉnh giá bán.
Nhìn nhận về câu chuyện này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ thu hút được rất nhiều tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này không tốt cho thị trường bất động sản.
“Trước đó, thị trường bất động sản sốt nóng, không ít người vay để lướt sóng bất động sản. Nhưng hiện nay thị trường bất động sản đang chững, giao dịch khó, nhiều người vẫn đang bị kẹt. Do đó, nếu lãi suất ngân hàng tăng cao, việc vay đầu tư bất động sản sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc”, ông Điệp nói.
Nói về nhu cầu thực của người dân khi lãi suất tăng, ông Điệp cho rằng, điều này cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng không nhiều, bởi người có nhu cầu thực sẽ chỉ mua một ngôi nhà để ở, nếu vay mua nhà cũng chỉ trong khoảng nhất định, phù hợp với khả năng chi trả. Tác động lớn nhất là đối với những người đầu tư, đầu cơ bất động sản dùng đòn bẩy quá lớn. Có thể nói, thị trường bất động sản đang gặp khó về dòng vốn từ trái phiếu, tín dụng và việc tăng lãi suất tín dụng sẽ chồng thêm khó cho thị trường bất động sản.
Ở góc độ nghiên cứu thị trường, ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Khối kinh doanh Batdongsan.com.vn cho rằng, bản chất của việc tăng lãi suất là giảm lượng tiền mặt để kiềm chế lạm phát. Lãi suất huy động tăng tạo lực hút về dòng tiền chảy vào ngân hàng để hưởng lãi suất đồng thời cũng kéo theo lãi suất cho vay tăng. Nghĩa là cả người mua lẫn doanh nghiệp bất động sản sẽ khó tiếp cận vốn tín dụng, ảnh hưởng thanh khoản một số phân khúc.
Ông Hảo dự báo, đầu quý IV/2022, khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn chậm, nhưng tới cuối quý thì các chỉ báo sẽ tốt hơn. Nguyên nhân là vì trong quý cuối cùng của năm, các dòng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thường đổ vào bất động sản, hơn nữa đầu tư công, vốn FDI cũng thường được đẩy mạnh vào thời gian này. Kiều hối đổ về nước dự kiến năm nay thu hút 14 - 16 tỷ USD là trợ lực dòng tiền giúp thị trường cuối năm có thanh khoản tốt hơn.
Dự báo về thị trường những tháng đầu năm 2023, ông Hảo cho rằng, dù còn khó khăn nhưng thị trường cũng sẽ dần ổn định hơn khi chính sách liên quan lãi suất tín dụng, tỷ giá được ban hành ổn định. Thực ra thị trường hiện cũng đang được hỗ trợ bởi chính sách 2% cho doanh nghiệp (gói 25.000 tỷ) và người mua nhà (gói 15.000 tỷ), nhưng hiện tại chưa hấp thụ tốt, vì doanh nghiệp được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện như không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo, dòng tiền ổn định... Tuy nhiên tới năm 2023, khi ổn định chính sách lãi suất thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn, giúp thị trường ổn định hơn./.