Aa

Ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Năm, 03/08/2023 - 06:09

Mặc dù cũng gặp không ít khó khăn, song thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, thời gian qua các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Có thể thấy, bức tranh hiệu quả kinh doanh của nhiều ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 có tông màu chủ đạo là tiết giảm tối đa chi phí, giảm lãi suất, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp… qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại ACB, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm xuống còn 31% so với mức 36% của nửa đầu năm 2022. Ngân hàng này cũng thực hiện đa dạng kênh huy động vốn, đưa tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn của ACB 6 tháng đầu năm nay tăng 4,5% cao hơn bình quân chung toàn Ngành; trong đó, tỷ lệ nguồn vốn không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA) mặc dù thấp hơn so với đầu năm nhưng đang dần cải thiện với tỷ lệ CASA quý II đạt 20,9%, cao hơn so với mức 19,8% cuối quý I năm nay. Tỷ lệ CASA cải thiện giúp kéo giảm chi phí, tạo thêm điều kiện để ACB thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khó khăn. 6 tháng đầu năm nay tín dụng ACB tăng 4,9%, trong đó tổng số tiền hỗ trợ lãi suất của ngân hàng này đã lên đến gần 500 tỷ đồng. Cùng với đó, ACB cũng cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ với tổng doanh số giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho 117 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 1.200 tỷ đồng.

Tương tự lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cho biết, ngân hàng đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực để chia sẻ với khó khăn với người dân và doanh nghiệp, dù rằng áp lực trả lãi suất huy động đầu vào cho các khoản huy động trước đó vẫn còn cao.

Cụ thể, BVBank đã triển khai gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay bổ sung vốn (từ 0,5 - 2%) cho hoạt động sản xuất kinh doanh; lãi suất cho vay chỉ 10,5% dành cho khách hàng cá nhân… Để tiết giảm chi phí hoạt động, giống như các nhà băng khác BVBank cũng đẩy mạnh chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tích cực phát triển khách hàng mới, trong 6 tháng đầu năm số lượng khách hàng mới tăng hơn 30% so với đầu năm; Số lượng giao dịch và giá trị giao dịch tăng lần lượt 50% và 20% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, BVBank huy động vốn qua các kênh điện tử chiếm khoảng 30% trong tổng huy động vốn; tỷ lệ CASA duy trì ổn định so với đầu năm. Đây cũng là những yếu tố để ngân hàng này giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay.

Ảnh minh họa.

Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước chi phối, VietinBank cũng tích cực tiết giảm chi phí, tỷ lệ CIR giảm từ 27% xuống 26% trong 6 tháng đầu năm nay. VietinBank triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/ NĐ-CP của Chính phủ với số dư tín dụng được hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 12.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ hơn 130 tỷ đồng và là ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất trong nhóm cao nhất toàn hệ thống.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, việc nhiều lần giảm lãi suất điều hành của NHNN trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho tổ chức tín dung (TCTD) giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng tại TP.HCM, 10 ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn đã công bố các gói tín dụng tổng giá trị lên đến 87.600 tỷ đồng và 100 triệu USD. Đầu năm 2023, có 20 TCTD đăng ký với NHNN chi nhánh thành phố một gói tín dụng trị giá hơn 453.000 tỷ đồng trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đến hết tháng 6/2023 đã giải ngân được 375.233,29 tỷ đồng. Về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tổng dư nợ các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện được khoảng 18.362 tỷ đồng.

NHNN chi nhánh TP.HCM vừa ký công văn 2205 gửi các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn về tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2023; đặc biệt là yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN Việt Nam về lãi suất, phí để ổn định thị trường, tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; Rà soát, sửa đổi các thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các chương trình ưu đãi tín dụng của NHNN Việt Nam và chương trình hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ. Từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, nhất là DNNVV, hợp tác xã, hộ kinh doanh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top