Aa

Ngân hàng Thương mại nên có sự phân bổ tín dụng bất động sản cho người thu nhập thấp

Thứ Bảy, 30/12/2017 - 00:41

Việc này, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đòi hỏi sự hợp tác của toàn ngành tài chính, ngân hàng cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và trên tất cả là chính sách của Chính phủ.

Tổng Cục thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, GDP năm 2017 đã có mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 - 2016, đạt 6,81%. Đáng chú ý, 2017 cũng là năm ngành kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay.

Cụ thể, hoạt động kinh doanh bất động sản trong năm nay tăng 4,07% (mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào GDP). 

Trong khi đó, mức tăng ngành kinh doanh bất động sản năm 2011 tăng 3,80%; năm 2012 tăng 1,32%; năm 2013 tăng 2,17%; năm 2014 tăng 2,80%; năm 2015 tăng 2,96%; năm 2016 tăng 4,00%.

Còn theo số liệu đưa ra trong báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp thành lập mới tháng 12 và năm 2017 do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, trong năm 2017 so với cùng kỳ năm trước thì ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất là 388.376 tỷ đồng, chiếm 30,0%; xếp thứ hai là ngành bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 198.042 tỷ đồng, chiếm 15,3%...

2017 cũng là năm ngành kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay

2017 cũng là năm ngành kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay.

Cũng theo thống kê, trong năm 2017, lĩnh vực bất động sản có 5.065 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 62% so với cùng kỳ năm 2016), dẫn đầu về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp mới so với các lĩnh vực khác.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2017, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2017 tiếp tục xu hướng phát triển tốt từ 2016. Việc tăng trưởng của bất động sản trong năm nay cũng không ngoài dự đoán trước đây rằng thị trường tiếp tục ổn định và trong xu hướng phát triển trong năm nay và năm tới.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, ngoài việc phát triển như vậy thì còn một số điểm cần lưu tâm. “Trong năm qua, phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp còn thiếu. Sự tăng trưởng của toàn ngành nhắm vào rất nhiều các khu chung cư, khu vực đô thị. Còn bất động sản tại các vùng xa xôi, nhà ở cho người có thu nhập thấp luôn có nguồn cầu cao nhưng nguồn cung còn thấp”,  ông Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản cao cấp cũng cần phải có sự quan tâm. “Hiện nay các loại bất động sản nghỉ dưỡng pháp lý còn chưa hoàn thiện. Các chủ đầu tư ra sản phẩm rất nhiều nhưng liệu những sản phẩm như vậy trong những năm tới có vượt mức cầu hay không? Liệu rằng bất động sản nghỉ dưỡng có là kênh đầu tư an toàn, có lợi cho nhà đầu tư hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này, theo ông Hiếu, Chính phủ cần có những chương trình chuyển những dòng vốn vào bất động sản cho người có thu nhập thấp

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này, theo ông Hiếu, Chính phủ cần có những chương trình chuyển những dòng vốn vào bất động sản cho người có thu nhập thấp

Dự đoán phân khúc nên đầu tư trong năm 2018, ông Hiếu cho rằng, dưới quan điểm của xã hội thì đầu tư vào bất động sản dành cho người có thu nhập thấp là cần thiết nhưng nó không tạo ra lợi nhuận cao như phân khúc hạng trung và cao cấp.

“Quan điểm của những nhà đầu tư lớn đương nhiên họ sẽ tập trung vào phân khúc bất động sản trung và cao cấp. Tuy nhiên, nếu họ tập trung vào  phân khúc này thì số tiền đổ vào quá nhiều, trong khi đó số tiền đầu tư vào phân khúc dành cho người thu nhập thấp ít.

Do đó, cần quan tâm hơn vào khu vực bất động sản cho người có thu nhập trung bình để cung cấp nhà cửa cho người lao động. Điều này, với nền kinh tế là rất quan trọng, vì người lao động khi họ có nơi ăn chốn ở đàng hoàng thì năng suất lao động sẽ tăng lên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này, theo ông Hiếu, Chính phủ cần có những chương trình chuyển những dòng vốn vào bất động sản cho người có thu nhập thấp thông qua những chính sách về thuế cũng như việc cấp phép sử dụng đất.

Tiếp theo, hệ thống ngân hàng từ trung ương đến thương mại nên có các chương trình cho vay cho người có thu nhập thấp. Trước đây có gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước nhưng gói đó đã sử dụng hết. Do đó, nên lập lại gói tín dụng như vậy để giúp cho người thu nhập thấp có cơ hội sử dụng nhà xã hội. Việc này giúp nhiều người dân có thể mua nhà với lãi suất thấp, thời hạn dài.

“Riêng về các ngân hàng thương mại nên có sự phân bổ trong danh mục tín dụng, để dành tiền cho tín dụng bất động sản cho người có thu nhập thấp. Việc này đòi hỏi sự hợp tác của toàn ngành tài chính, ngân hàng cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và trên tất cả là chính sách của Chính phủ”, ông Hiếu đề xuất.

 

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top