Aa

PVcomBank "nặng gánh" chuyện cổ đông lớn "ôm" 52% vốn

Thứ Tư, 27/12/2017 - 06:01

Cái kết nhiều cay đắng tù tội của liên minh PVN – Oceanbank là nỗi ám ảnh của một ngân hàng khác đang có sự hiện diện quyền chi phối của PVN là PVcombank. Nguyên nhân sâu xa vẫn là số vốn cổ đông tập đoàn này sở hữu gấp nhiều lần so với quy định.

Tại sao một cổ đông được quyền nắm 52% vốn tại PVcombank?

Tính đến ngày 26/12, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 52% vốn tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank). Nếu soi theo Luật các Tổ chức tín dụng thì PVN buộc phải thoái bớt vốn tại ngân hàng này.

Cụ thể, Luật các Tổ chức tín dụng quy định, ngân hàng thương mại cổ phần tối thiểu phải có 100 cổ đông, trong đó ít nhất 3 pháp nhân. Cổ đông cá nhân chỉ được nắm giữ tối đa 5% vốn điều lệ; cổ đông tổ chức được nắm giữ tối đa 15% vốn điều lệ; cổ đông và những người có liên quan không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Như vậy, PVN đang nắm gấp 3,5 lần so với quy định.

Chưa kể, tại Mỹ hay những quốc gia có hệ thống ngân hàng hoạt động khá chuyên nghiệp thì tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức thấp hơn nhiều. Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Ở Mỹ hay các quốc gia phát triển, những hiện tượng sở hữu chéo hay lạm dụng chức vụ của các lãnh đạo tại ngân hàng là điều khó có thể xảy ra. Và việc biến ngân hàng thành "sân sau" của tổ chức kinh tế khác là điều không thể. Dĩ nhiên, không có một nền kinh tế nào là hoàn hảo, không để xảy ra tình trạng này nhưng vẫn phải khẳng định rằng, cơ quan an ninh tài chính tại các quốc gia phát triển kiểm tra và giám sát các ngân hàng rất chặt chẽ.

Tại Mỹ, quy định sở hữu cổ phần ngân hàng dành cho cổ đông cá nhân là dưới 10% và với cổ đông doanh nghiệp là không quá 5%. Nhưng ở Việt Nam, cổ đông cá nhân lại được sở hữu ít hơn khoảng 5%, trong khi doanh nghiệp có thể sở hữu tới 15% cổ phần ngân hàng.

Quy định ở Mỹ và Việt Nam là ngược nhau. Tại Mỹ, họ nghĩ cá nhân khó có thể lũng đoạn một tổ chức tài chính vì dẫu sao cá nhân cũng sẽ bị hạn chế về năng lực quản lý và tài chính. Ngược lại, Việt Nam lại rộng rãi cho các doanh nghiệp nắm nhiều cổ phần hơn và đó chính là lý do mà các doanh nghiệp liên quan có khả năng lũng đoạn các ngân hàng cao hơn cá nhân".

Như vậy, theo đánh giá của chuyên gia tài chính, với số lượng cổ phần mà một cổ đông lớn nắm quyền chi phối quá lớn, PVcombank đang phải đối mặt với quá nhiều rủi ro. Đặc biệt, cổ đông lớn này lại đã từng “dìm sống” Oceanbank. Cũng không chỉ tại Oceanbank, mà trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp ngân hàng bị lạm dụng như sân sau của doanh nghiệp.

Lại lo tương lai hậu thoái vốn

Ngày 10/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận tiếp tục thực hiện tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016 - 2020 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại ngân hàng này sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank (Đề án này đã được NHNN phê duyệt chính thức vào ngày 3/6/2016).

Ngày 17/8/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký văn bản phê duyệt thoái vốn Nhà nước tại hàng loạt doanh nghiệp thuộc PVN giai đoạn 2017-2020, trong đó có thoái vốn tại PVcomBank. Bộ Công Thương cũng trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án: Tái cơ cấu, chuyển giao vốn PVN tại PVcomBank.

Đáng ra, PVN đã phải thoái vốn khỏi PVcomBank trong giai đoạn tái cơ cấu lần 1 (2010-2015). Tuy nhiên, Báo cáo kế hoạch của HĐQT PVcomBank thực hiện trong năm 2017 được trình bày tại ĐHĐCĐ 2017 của PVcomBank tiếp tục không thấy nhắc tới nội dung cụ thể nào về việc chuyển giao cổ phần của PVN cho NHNN.

Việc NHNN tiếp nhận vốn của PVN tại PVcombank là tin tích cực đối với ngân hàng này, vì đã có được bến đỗ an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng đua nhau phát hành thêm cổ phần hoặc IPO thì tính hấp dẫn của PVcombank đối với nhà đầu tư có lẽ sẽ giảm đi. Bởi, nếu NHNN nắm 52% vốn điều lệ thì liệu có cổ đông nào muốn ở lại một nơi mà có thể quyền quyết định của mình là bằng 0?

Báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán của PVN năm 2016 cho thấy, PVN đang có khoảng trên 85.612 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng, chiếm khoảng gần 19,4% tổng tài sản của tập đoàn. Riêng tiền gửi tại PVcomBank là 18.786 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng huy động của ngân hàng này, chưa tính phần ủy thác cho vay của PVN tại PVcomBank là 3.427 tỷ đồng.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top