Ngân hàng mạnh tay giảm phí
Nổi trội có Chương trình Zero fee của Techcombank với ưu đãi vượt trội miễn toàn bộ phí đối với các giao dịch eBanking trên ngân hàng điện tử như phí SMS chủ động giảm từ 6.000-8.000 đồng/tháng... Chương trình này đã được Techcombank áp dụng từ cuối quý III/2016 và duy trì cho đến thời điểm này.
Không đề cập đến con số, nhưng lãnh đạo OCB cho biết, mức phí dịch vụ của ngân hàng này luôn ở mức thấp nhất thị trường. Ngoài mức phí thấp, ngân hàng này cũng đưa ra gói ưu đãi gần như miễn phí hoàn toàn các dịch vụ để khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn.
Đại diện của LienVietPostBank cho biết, hiện tại ngân hàng đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về phí và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng.
Cụ thể với thẻ ghi nợ nội địa, LienVietPostBank là một trong số ít ngân hàng có chính sách miễn phí rút tiền tại ATM cũng như miễn phí phát hành thẻ nếu khách hàng thực hiện trả lương tại LienVietPostBank. Với thẻ tín dụng quốc tế, LienVietPostBank miễn phí thường niên năm đầu cho tất cả khách hàng và chỉ thu phí thường niên từ năm thứ hai với mức phí rất thấp so với thị trường chỉ từ 150.000 đồng/năm. Ngoài ra lãi suất thẻ tín dụng của LienVietPostBank cũng đang là mức thấp trên thị trường (24%/năm).
Để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ, LienVietPostBank liên tục triển khai các chương trình ưu đãi tặng tiền, tặng voucher cho khách hàng phát hành thẻ mới, cũng như xây dựng thường xuyên các chương trình ưu đãi giảm giá khi khách hàng thanh toán, mua hàng tại các đối tác Lazada, Shopee, Nguyễn Kim… Với các chính sách, chương trình ưu đãi này, đã giúp LienVietPostBank phát triển mới được 170.000 thẻ trong năm 2018, tăng 20% so với năm 2017.
Một ngân hàng khá mạnh tay trong việc giảm phí nữa phải kể đến TPBank. Đại diện ngân hàng này mới đây cho biết, đã miễn phí thêm nhiều loại phí dịch vụ. “Hiện TPBank đang miễn hơn 60 loại phí dịch vụ, gồm rất nhiều các dòng sản phẩm như ebank, thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế TPBank Visa, thẻ tín dụng quốc tế TPBank, hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng, các dịch vụ về tài khoản, dịch vụ chuyển tiền, tiết kiệm...”, đại diện TPBank cho biết thêm.
Khối NHTM lớn cũng có sự chuyển mình mạnh đối với chủ trương giảm phí. Đơn cử như BIDV, giai đoạn 2016-2018, ngân hàng này đã giảm hoặc miễn phí 9 loại phí gồm: giảm phí chuyển tiền, miễn phí đăng ký sử dụng dịch vụ, miễn phí thường niên cho tất cả các dịch vụ BIDV online, BIDV Business, BIDV Bank Plus, BIDV Smartbanking...
Không dừng lại ở đó, BIDV còn loại bỏ một số loại phí liên quan đến hoạt động cho vay như Phí tư vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; ngừng thu phí phát hành cam kết tín dụng cho khách hàng và phí cam kết cấp tín dụng/phát hành hợp đồng tín dụng bằng tiếng nước ngoài…
Động thái giảm phí dịch vụ chia sẻ khó khăn cho khách hàng của các ngân hàng nhận được đánh giá cao của NHNN. Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, việc các ngân hàng giảm phí cũng như cắt giảm các loại phí nằm trong chương trình cắt giảm điều kiện kinh doanh góp phần tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN mong muốn thời gian tới, các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu để đưa ra chính sách phí hợp lý hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng cũng như nâng cao khả năng tiếp cận vốn.
Chủ trương trên nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là mở rộng quy mô thị phần. Nên giai đoạn này ngân hàng cũng chủ động giảm phí để thu hút ngày càng nhiều khách hàng. Sắp tới ngân hàng sẽ triển khai một số chương trình dịch vụ theo chuỗi cung ứng.
Theo đó, khi khách hàng tham gia chuỗi cung ứng này sẽ được miễn phí hàng loạt các dịch vụ gia tăng kèm theo. Còn theo đại diện của LienVietPostBank, dự kiến trong năm 2019, sẽ tiếp tục áp dụng thêm các ưu đãi về phí cũng như triển khai mới các chương trình khuyến mại để thu hút thêm khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng này.
Ủng hộ các ngân hàng giảm phí dịch vụ, nhưng một chuyên gia ngân hàng tỏ ra băn khoăn việc giảm mạnh phí có thể khiến ngân hàng không đạt được mục tiêu đến cuối năm 2020 tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 12 - 13% và đến cuối năm 2025 lên khoảng 16 - 17% theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Lo ngại trên không phải là không có cơ sở. Thu nhập dịch vụ của các ngân hàng tăng lên chủ yếu là nhờ tăng trưởng cao của phí giao dịch, bảo lãnh, cùng với các dịch vụ giá trị gia tăng khác như: bảo hiểm, bán chéo, thẻ tín dụng và ngân hàng số... Nhưng các ngân hàng đã có những tính toán xa hơn để đảm bảo sự hy sinh của họ không hề vô ích. Thực tế, các nhà băng này đã không hề “thiệt thòi” khi bỏ qua các khoản phí thu trên.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, với chiến lược kinh doanh trên trong năm 2018 đã giúp cho ngân hàng này thu được kết quả ngoài mong đợi tăng gấp đôi số lượng khách hàng và tăng gấp rưỡi doanh thu từ dịch vụ. Có ngân hàng sau hơn một năm thực hiện chiến dịch miễn phí dịch vụ ngân hàng điện tự đã giúp số lượng giao dịch ebanking của ngân hàng này gần gấp 3 lần.
Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong mảng bán lẻ, giá, phí hợp lý là lợi thế rất lớn đối với các ngân hàng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, về lâu dài theo ông Tùng, giá chỉ là một yếu tố thứ yếu trong việc khách hàng chọn giao dịch tại đâu. Chất lượng dịch vụ mới là yếu tố quan trọng để giữ chân khách hàng.
“Giá chỉ là mồi ban đầu để thu hút khách. Đến khi khách dùng, bản thân chất lượng sản phẩm, dịch vụ mới quyết định khách hàng có gắn bó với ngân hàng hay không. Ví như ngoài cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt cũng là điểm cộng cho ngân hàng”, ông Tùng chia sẻ quan điểm.
Tất nhiên mỗi ngân hàng theo đuổi chiến lược khác nhau. Chiến lược mở rộng quy mô khách hàng mà nhiều ngân hàng đang lựa chọn cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, việc tiếp tục theo đuổi chiến lược này trong bao lâu với mức độ như thế nào sẽ tùy vào năng lực tài chính của các ngân hàng chứ không nhất thiết phải giảm bằng mọi giá.