Aa

Ngân hàng tính gì cho năm 2021?

Thứ Hai, 18/01/2021 - 06:30

Bất chấp dịch bệnh căng thẳng, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn duy trì tốt phong độ. Tuy vậy, câu chuyện nợ xấu và vốn sẽ càng thêm thách thức sau năm 2020.

“Tính” nợ xấu

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế và ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực. Tăng trưởng tín dụng thấp chưa đến 12% trong năm qua là biểu hiện của sự sụt giảm nhu cầu vay vốn hay sức hấp thụ vốn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó vềthanh khoản, đầu vào và đầu ra của sản xuất nên e dè mở rộng đầu tư.

Trong năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ba lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5 - 2 điểm %/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm về 4,5%/năm.

Bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng, có già nửa số ngân hàng trong hệ thống ghi nhận tăng trường 2 con số. Tuy vậy, theo các chuyên gia, mối lo lớn của ngành ngân hàng năm qua và cả năm 2021vẫn là sự phình to của khối nợ xấu, đặc biệt là khối nợ xấu tiềm ẩn đang được "che" dưới lớp vỏ cơ cấu lại nợ. 

Tổ chức S&P Global Ratings mới đây đưa ra đánh giá "tiêu cực" với 1/3 ngân hàng toàn cầu do tác động của dịch bệnh và cú sốc giá dầu hồi đầu năm 2020; cảnh báo ngành ngân hàng toàn cầu có thể đối mặt với năm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009 dù các nhà băng đã tích cực xử lý những tài sản chất lượng kém. Tại Việt Nam, dù muốn hay không, chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ giảm đáng kể, bởi tác động của dịch bệnh đến thị trường bất động sản và tiêu dùng, sản xuất tăng nguy cơ phá sản nhiều dự án và giảm chất lượng tín dụng của các ngân hàng.

Nợ xấu và vốn tiếp tục là gánh nặng của các ngân hàng trong năm 2021

Trong năm qua, nhiều ngân hàng cũng đã tích cực xử lý nợ xấu như thanh lý tài sản đảm bảo nhưng chưa có kết quả khả quan. Đơn cử như BIDV thông báo bán khoản nợ của Công ty TNHH MTV Hàm Rồng (Công ty Hàm Rồng) giá trị hơn 232 tỷ đồng, tính đến ngày 31/8/2019. 

Tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 88/10 khu phố Đông Nhi, thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. Diện tích khu đất là 9.443,5m2, diện tích sàn là 6.581m2. Năm 2019, BIDV từng 2 lần rao bán khoản nợ này nhưng không thành công. 

Trước đó, BIDV cũng rao bán lần thứ 5, khoản nợ của của CTCP Nhà Hưng Ngân với tổng giá trị gần 564 tỷ đồng, gồm 372 tỷ đồng dư nợ gốc và lãi vay gần 191,8 tỷ đồng. Khoản nợ được đảm bảo bằng 3 bất động sản và 2 tài sản hình thành từ vốn vay là dự án bất động sản. 

Nhắc đến các khoản nợ được rao bán nhiều lần của BIDV không thể bỏ qua “món vay” của Công ty Thuận Thảo. Ngân hàng này từng rao bán 12 lần các tài sản đảm bảo với giá chào bán liên tục giảm trăm tỷ đồng qua mỗi đợt. Tài sản đấu giá là bất động sản.

VietinBank năm 2020 cũng liên tục thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo, khoản nợ nhiều lần. Gần nhất, ngân hàng đấu giá lần thứ 16 tài sản của CTCP TMXD Vận tải Anh Đạt với giá khởi điểm 143 triệu đồng gồm tài sản là xe ôtô. Ngân hàng cũng thông báo bán khoản nợ 104 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim Anh (lần 4) với giá khởi điểm 75 tỷ đồng, hay tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Kim Kim Dung với giá 36 tỷ đồng. 

Sacombank cũng có nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản đang được rao bán như khu đất tại dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 thửa đất khác với giá 711 tỷ đồng, 15 quyền sử dụng đất tại phường Ngãi Thắng, xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương với 448,5 tỷ đồng và thửa đất khác tại huyện Bình Chánh có giá 397,5 tỷ đồng.

Trước bối cảnh các ngân hàng khó khăn trong việc tìm hướng xử lý nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng Covid-19 khiến cho nợ xấu của ngành ngân hàng tăng. Hệ quả này đến từ yếu tố khách quan, không chỉ với năm nay, năm 2021 kế hoạch cũng như quan điểm xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ phải thay đổi. Theo ông Lực, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 ước tính sẽ khoảng 4,5%, con số này của năm 2021 có thể tăng lên 5-6%. Trích lập dự phòng tăng cao cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021.

Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ cho các tổ chức tín dụng năm 2021: 

Một là, khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đúc rút các bài học kinh nghiệm và chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của tổ chức mình để sớm gửi NHNN xem xét phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, trong đó chú trọng tập trung nguồn lực và triển khai có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu trong năm 2021 và các năm tiếp theo theo chỉ đạo của NHNN. 

Hai là, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 phù hợp với định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng nêu tại Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của NHNN. Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ, cho vay trung dài hạn cho doanh nghiệp và người dân.

Ba là, mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo đúng chỉ tiêu NHNN giao. Tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và xử lý nghiêm các sai phạm trong hệ thống TCTD của mình nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng, góp phần phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm trong ngành Ngân hàng.

 

 Tính nước tăng vốn, tính nước lâu bền

Theo quan sát, tình trạng thiếu hụt vốn kéo dài nhiều năm tại các ngân hàng. Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thị phần của 3 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank đã mất gần 3% trong 2 năm qua do bộ đệm vốn mỏng, phải co hẹp tín dụng. Riêng thị phần của VietinBank giảm gần 2%. Nguy cơ sụt giảm thị phần với Agribank đang rất cận kề.

Đại dịch Covid-19 cho thấy, sự hỗ trợ của ngành ngân hàng với nền kinh tế chủ yếu nằm ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước. Nếu khối ngân hàng này suy yếu, mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế của chính sách tiền tệ sẽ khó lòng đạt được. 

Mới đây, NHNN cho hay, cơ quan này đang xây dựng lộ trình tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước giai đoạn 2021 - 2026, trong đó có phần tăng vốn từ ngân sách Nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, lộ trình tăng năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng cũng sẽ được NHNN đề ra trong Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 đang được xây dựng. Các ngân hàng thương mại Nhà nước kỳ vọng, trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ sẽ có giải pháp dài hơi hơn cho câu chuyện tăng vốn của cả giai đoạn.

VietinBank, BIDV, Vietcombank cũng nhiều lần kiến nghị Chính phủ rới room cho khối ngoại. Tuy vậy, các chuyên gia tài chính e ngại, Việt Nam đã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng khá sớm, chỉ còn lại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Vì vậy, không nên mở quá mạnh room cho các ngân hàng này, nếu không sẽ không thể dồn nguồn lực tài chính cho một số lĩnh vực ưu tiên của đất nước.

Mặc dù vậy, đa phần ý kiến tán thành quan điểm rằng, cần sớm chấm  dứt chuyện tăng vốn kiểu “tính từng bữa” cho các ngân hàng quốc doanh, mà phải sớm ban hành một lộ trình, cơ chế tăg vốn dài hơi. 

Định hướng ngân hàng số để bứt phá năm 2021

Về định hướng phát triển năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nhấn mạnh rằng, phát triển công nghệ số để tạo đà bứt phá cho ngành ngân hàng trong thời gian tới. 

Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thanh toán qua điện thoại di động. Vụ Thanh toán cho biết, đến cuối tháng 10/2020 số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Báo cáo từ phía Vụ Thanh toán chỉ ra, đến cuối năm 2020, 95% TCTD đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 39% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% TCTD đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Nói về kỳ vọng về lợi ích chuyển đổi số trong 3-5 năm tới, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hơn 82% TCTD kỳ vọng tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; hơn 58% TCTD kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số… Phân tích dữ liệu (Data Analytic) và Dữ liệu lớn (Big Data) đang được ứng dụng rộng rãi nhất cho các hoạt động nghiệp vụ.

Theo giới chuyên gia, tăng trưởng khá ấn tượng của TTKDTM ở năm 2020 phần nhiều do ảnh hưởng của Covid-19, khi thói quen, hành vi của con người từ offline dần chuyển sang online. Theo đó, không chỉ riêng với thanh toán, quy trình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại của các nhà băng cũng cho thấy có sự chuyển dịch lớn. Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, công nghệ số phát triển cho phép đưa toàn bộ hoạt động của ngân hàng lên môi trường mạng, thay vì chỉ đơn giản như trước đây là số hoá tài liệu hay quy trình, nên “số hoá chính là một trong những yếu tố chính để giúp các ngân hàng có thể bứt phá trong năm 2021”. 

Đặc biệt, cuối năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Điểm đáng chú ý và được trông ngóng từ khá lâu chính là tại Thông tư mới này đã quy định rõ ràng về việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại các TCTD bằng phương thức điện tử (eKYC). eKYC chính thức được áp dụng từ 5/3/2021, đồng nghĩa với cánh cửa cho ngân hàng số đã được mở. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, eKYC chỉ là bước khởi đầu, không phải chìa khoá vạn năng, để chuyển đổi số thành công phải có chiến lược và quy trình cụ thể.

Chuyển đổi số là chiến lược cần được ưu tiên đầu tiên của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính - ngân hàng, thành công sẽ phụ thuộc vào khả năng và quyết tâm áp dụng công nghệ, cách thức triển khai của mỗi ngân hàng.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương - Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cũng cho rằng, bản thân ngân hàng phải nhận thấy sự cần thiết đổi mới tư duy chiến lược từ “hạn chế bị ảnh hưởng” sang “chủ động đổi mới”. Yếu tố đầu tiên được bà Dương nhắc tới nằm ở hệ sinh thái, khi thành công trong tương lai phụ thuộc lớn vào sự hợp tác giữa các thành viên trong hệ sinh thái, trong đó mỗi bên đóng vai trò thiết yếu khác nhau. Bên cạnh đó, các nền tảng tài chính - ngân hàng lấy khách hàng làm trung tâm sẽ giúp khách hàng tiếp cận nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng khác nhau thông qua một kênh duy nhất sẽ trở thành xu thế, ở đây muốn nói tới open banking. Quan trọng nữa là công nghệ, vì công nghệ mới hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo đột phá, đáp ứng được nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top