Aa

Ngân sách “thất thu” từ condotel

Thứ Năm, 28/02/2019 - 14:00

Ngân sách “thất thu” từ condotel; Shophouse: Con gà đẻ trứng vàng năm 2019; 2 tháng đầu năm, bất động sản "hút" 478 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Ngân sách “thất thu” từ condotel

Số liệu thống kê của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, năm 2016, tổng nguồn cung căn hộ condotel đã lên đến 16.000 căn. Trong hai năm 2018, 2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn condotel được mở bán với diện tích căn hộ trên dưới 45m2.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện tỷ lệ căn hộ condotel tại Việt Nam chiếm 56%, trong khi tỷ lệ phòng khách sạn chỉ chiếm 44% là không bình thường vì ở các nước trên thế giới tỷ lệ phòng khách sạn bao giờ cũng cao hơn căn hộ.

Đáng lưu ý, trên thực tế nhiều chủ đầu tư dự án condotel nộp tiền sử dụng đất quá thấp làm thất thu ngân sách Nhà nước nhưng lại bán condotel với giá bán tương đương căn hộ cao cấp thu lợi nhuận lớn. Ông Châu dẫn chứng: UBND tỉnh Khánh Hòa trong Báo cáo số 3014/UBND-XDNĐ ngày 30/03/2018 đã nhận định "Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đối với dự án du lịch, nghỉ dưỡng quá thấp, vì thu tiền sử dụng đất theo mục đích đất sản xuất kinh doanh".

Xem thông tin chi tiết tại đây

2 tháng đầu năm, bất động sản "hút" 478 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 478 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cụ thể, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, tính đến ngày 20/02/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đó, vốn đầu tư tăng mạnh ở cả 3 hợp phần là cấp mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần. Về cấp mới, cả nước có 514 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Quảng Ninh 2019: Trải “đường băng” để “cất cánh”

Đưa ra thông điệp này khi trao đổi với Reatimes, ông Trương Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Quảng Ninh khẳng định, năm 2019, nhờ sự chắp cánh của hạ tầng giao thông và kinh tế năng động, dự báo tốc độ tăng trưởng vượt bậc, Quảng Ninh sẽ vươn lên trở thành một trong những tỉnh đáng đầu tư bất động sản bậc nhất nước ta.

Ông Trương Mạnh Hùng cho biết: Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh nhiều năm liền nằm trong nhóm có chỉ số tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của cả nước, trên 10%/năm; thu ngân sách thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Shophouse: Con gà đẻ trứng vàng năm 2019

Dự báo về thị trường năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Hà (Chủ tịch Lộc Sơn Hà Land) cho rằng, phân khúc shophouse sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng cho các nhà đầu tư trong tương lai bởi khả năng sinh lời đầy hấp dẫn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: "Bất động sản nghỉ dưỡng biển là dòng sản phẩm mà nhiều nhà đầu tư rất quan tâm. Trong shophouse, condotel, nhà hàng,… thì tôi đánh giá cao shophouse. Đây là mô hình mang lại những tiềm năng rất lớn vì khả năng khai thác kinh doanh và để ở. Đây là khẩu vị mà nhiều nhà đầu tư yêu thích trong năm 2019. Đối với mô hình condotel, hiện tại, doanh nghiệp bất động sản tung ra ít mặt hàng này và mức hấp dẫn cũng không còn như thời điểm trước. Ngoài ra, một sản phẩm khác là chung cư mini tại các khu đô thị ven biển cũng đang hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp". 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cần phân định rõ loại hình tín dụng bất động sản

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và nâng hệ số rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tác động đến nguồn vốn tín dụng vào thị trường này trong năm 2019.

"Thực tế, với mức 30% đối với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được ngành ngân hàng Việt Nam áp dụng từ trước khi đẩy tỷ lệ này lên 60% và giờ đang phải giảm dần. Với thực trạng nguồn tiền huy động vào của ngành ngân hàng Việt Nam chủ yếu là ngắn hạn, nếu đem cho vay trung, dài hạn với tỷ lệ cao sẽ dẫn đến rủi ro về thanh khoản. Vì vậy, theo tôi, cần giảm dần tỷ lệ này, không chỉ xuống 30%, mà thậm chí xuống 20%", ông Hiếu cho biết. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top