Ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh không phải là một khái niệm mới đối với thị trường Việt Nam, nhưng trong những năm gần đây, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã và đang dần dịch chuyển từ offline (truyền thống) sang mua sắm online (trực tuyến). Điều này càng được ứng dụng mạnh mẽ khi Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Việc phải hạn chế tiếp xúc nơi công cộng đông người đã khiến xu hướng mua sắm trực tuyến tăng đột biến và ngành hàng tiêu dùng nhanh đang chiếm lĩnh thị trường bởi mức độ tiêu thụ cao do tâm lý khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Xu hướng mua sắm trực tuyến tăng đột biến
Sự bùng phát của dịch Corona đã làm hoạt động kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp Việt điêu đứng. Tuy nhiên, đối với ngành hàng tiêu dùng, đây lại được coi là cơ hội để kinh doanh, tăng doanh thu, chiếm lĩnh thị trường.
Hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi một cách nhanh chóng, tăng rõ rệt từ hình thức offline sang hình thức online do tâm lý hạn chế, giảm bớt các hoạt động, tương tác với đám đông khiến tần suất đi mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng giảm mạnh so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.
Đối với người tiêu dùng Việt, thời điểm này, việc mua bán tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống có một sự bất tiện là phải tiếp xúc với khá nhiều người, tăng nguy cơ lây nhiễm nên đa số lựa chọn các loại hình mua sắm trực tuyến sẽ giúp khách hàng được sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi, không phải tiếp xúc nơi công cộng, không bị giới hạn về thời gian và không gian mua sắm. Người tiêu dùng có thể mua sắm mọi nơi, mọi lúc từ mọi cửa hàng và nhà cung cấp khác nhau.
Đối với các doanh nghiệp tiêu dùng, ảnh hưởng từ dịch bệnh là có nhưng không nhiều nên khi chưa kiểm soát được tình hình dịch, nhiều doanh nghiệp đã có các phương án mở rộng nhiều hướng kinh doanh, kênh bán hàng, chủ yếu bán trực tuyến trên website hoặc liên kết với các sàn thương mại đăng sản phẩm lên các gian hàng hay bán hàng thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Intasgram, Zalo…) để cải thiện doanh thu.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh chiếm lĩnh thị trường
Covid-19 hiện đang là đại dịch gây nỗi hoang mang, lo sợ trên toàn cầu trước những diễn biến phức tạp trong một thời gian ngắn. Theo đó, các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đang là sự quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam nói riêng. Ngoài việc tự trang bị cho mình khẩu trang đi ra đường, tránh tiếp xúc ở nơi đông người, rửa tay sát khuẩn thường xuyên thì nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng nhanh tăng cao khi việc ăn gì, uống gì để tăng sức đề kháng chống lại dịch bệnh cũng rất được chú trọng. Chính vì thế, hàng loạt các mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng nhanh được hưởng lợi.
Kết quả khảo sát thị trường các tháng đầu năm 2020 do Kantar Worldpanel thực hiện cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất nói chung nhưng không phải ngành hàng nào cũng bị chịu những tác động tiêu cực.
Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam tại các thành phố lớn có xu hướng tích trữ các nhóm hàng hóa về thực phẩm như thực phẩm tiện lợi, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền, nhu yếu phẩm (dầu ăn, hạt nêm, nước mắm...), các sản phẩm dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch cũng được người tiêu dùng tìm kiếm nhiều hơn trong mùa dịch và các đồ dùng, dụng cụ liên quan đến việc vệ sinh cá nhân, môi trường, chống virus, vi khuẩn.
Việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 được coi là vô cùng cấp thiết và được đặt là mối quan tâm hàng đầu trong thời điểm này. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cần thông thái khi lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng, tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Theo Wikipedia, hàng tiêu dùng nhanh là những sản phẩm được bán nhanh chóng và với chi phí khá thấp. Ví dụ bao gồm các mặt hàng gia dụng không bền như thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ dùng vệ sinh và hàng tiêu dùng khác, đa phần có thời hạn sử dụng ngắn, do nhu cầu tiêu dùng cao hoặc là kết quả của sự xuống cấp nhanh. Một số hàng tiêu dùng nhanh như thịt, trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa và đồ nướng rất dễ hỏng. Các hàng hóa khác, chẳng hạn như thực phẩm đóng gói sẵn, nước ngọt, kẹo và đồ vệ sinh có tỷ lệ doanh thu cao.