Aa

“Ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam sẽ thuộc tốp đầu trên thế giới“

Thứ Tư, 13/01/2021 - 13:00

Đó là nhận định của PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng khi chia sẻ về bức tranh ngành Vật liệu Xây dựng 2020 và những kỳ vọng trong thời gian tới.

Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) năm 2020 được đánh giá là bức tranh nhiều sắc màu khi bị tác động ít nhiều cùng với nhịp chững của thị trường bất động sản nhưng vẫn có những điểm sáng bứt phá, ngày càng có những đóng góp quan trọng với nền kinh tế. Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang dần nâng cao khả năng thích ứng với công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, Reatimes đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng. 

PV: Dưới góc độ nghiên cứu chính sách và khoa học công nghệ phục vụ công tác quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng, ông có thể đưa ra một vài đánh giá về tình hình phát triển của thị trường này trong năm 2020 vừa qua?

PGS.TS. Lê Trung Thành: Thị trường VLXD trong năm 2020 nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng dù nền kinh tế đã gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Tổng sản lượng xi măng đến năm 2020 đạt khoảng 101,74 triệu tấn; gạch ốp lát đạt 575 triệu mét vuông; sứ vệ sinh đạt 19 triệu sản phẩm; kính xây dựng đạt 280 triệu mét vuông; gạch xây nung, gạch không nung 30 tỷ viên; đáp ứng nhu cầu trong nước.

Đây là những con số ấn tượng cho thấy, rõ ràng lĩnh vực VLXD có đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung về kinh tế xã hội của đất nước cũng như sự phát triển riêng của ngành xây dựng.

Nếu quy đổi sang giá trị kinh tế, các sản phẩm VLXD tiêu thụ ước tính phải đạt hơn 22 tỷ USD trong năm 2020, tương đương mức đóng góp khoảng 6,5 đến 7% vào quy mô nền kinh tế của đất nước.

vật liệu xây dựng
Thị trường VLXD trong năm 2020 nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng dù nền kinh tế có khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
 
 

PV: Sự chững lại của thị trường bất động sản trong năm qua ảnh hưởng liên đới như thế nào đến ngành VLXD, thưa ông?

PGS.TS. Lê Trung Thành: Đúng là thị trường VLXD tăng hay giảm có mối liên hệ mật thiết với thị trường bất động sản vì đầu ra của các sản phẩm VLXD chính là để phục vụ xây dựng nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rõ đây là mối liên hệ của thị trường VLXD trong nước, còn phần VLXD xuất khẩu thì không liên quan đến thị trường bất động sản của nước ta.

Chẳng hạn, tiêu thụ xi măng trong nước từ 2015 - 2019 là khoảng 57 - 65 triệu tấn, thì số liệu về thị trường bất động sản có tăng dần đều trong các năm này. Tuy nhiên, năm 2020 gặp phải ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số loại hình bất động sản du lịch, công nghiệp bị ngừng trệ đã dẫn đến tiêu thụ xi măng trong nước giảm xuống mức khoảng 62 triệu tấn (tức là thấp hơn khoảng 3 triệu tấn so với năm 2019). Nhưng tổng sản lượng tiêu thụ xi măng bao gồm cả xuất khẩu vẫn đạt khoảng hơn 100 triệu tấn, tăng hơn so với năm 2019 khoảng hơn 3 triệu tấn.

PV: Vâng! Phải thừa nhận rằng, xuất khẩu là hướng đi quan trọng giúp cho sản phẩm xi măng trở thành điểm sáng trên thị trường. Vậy theo ông, ngoài việc khắc phục những khó khăn bằng việc nâng cao, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để hướng đến thị trường xuất khẩu thì các doanh nghiệp ngành VLXD nên làm gì để tiếp tục trụ vững và vượt qua các thách thức của thị trường trong thời gian tới?

PGS.TS. Lê Trung Thành: Về cơ bản, các doanh nghiệp nhóm tốp đầu trong sản xuất VLXD đã thích ứng, bắt nhịp và làm chủ rất nhanh với công nghệ, có thể kể đến các nhà máy chủ chốt của các doanh nghiệp nhà nước VICEM, VIGLACERA,… hay của doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp ngoài nhà nước như INSEE, SCG, Saint-Gobain Việt Nam, Xuân Thành, EuroWindow, NISHU,… Nhiều nhà máy đã làm chủ tất cả các khâu công nghệ từ nguyên liệu, tạo hình sản phẩm đến hoàn thiện, đóng gói xuất xưởng với phương châm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn các nhà máy sản xuất VLXD sử dụng công nghệ cũ, chưa nâng cấp cải tiến, quy mô nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, ổn định, cũng như chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp VLXD lúc này càng cần phải cải tiến, cập nhật công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành, nâng cao năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh để trụ vững trong thời điểm khó khăn này và phát triển bền vững trong tương lai.

Các doanh nghiệp VLXD lúc này càng cần phải cải tiến, cập nhật công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành, nâng cao năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh để trụ vững trong thời điểm khó khăn này và phát triển bền vững trong tương lai.

PV: Vậy vai trò của Viện Vật liệu Xây dựng trong việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển được thể hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

PGS.TS. Lê Trung Thành: Là đơn vị sự nghiệp khoa học Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, nhiều năm qua Viện Vật liệu Xây dưng đã tập trung nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ góp phần phát triển ngành Xây dựng đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời đại.

Năm 2020, Viện Vật liệu Xây dựng thực hiện thành công các mục tiêu chính về nghiên cứu chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học công nghệ và triển khai các dịch vụ khoa học công nghệ, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của ngành Xây dựng.

Về nghiên cứu chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước, chúng tôi đã tập trung hoàn thành nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050. Chiến lược đầu tiên của quốc gia về phát triển VLXD đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020.

Ngoài ra, Viện Vật liệu Xây dựng đã thể hiện đậm nét vai trò Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn về Vật liệu và Cơ khí xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao, tổ chức họp Ban kỹ thuật thường xuyên và tích cực tham gia nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực vật liệu xây dựng và cơ khí xây dựng, góp phần quan trọng triển khai hiệu quả Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Viện Vật liệu Xây dựng luôn đi đầu về việc thực hiện công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy các chủng loại VLXD để phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và sản xuất của các doanh nghiệp.

Về công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, Viện Vật liệu Xây dựng đã thể hiện rõ vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành cũng như mạnh trong hợp tác quốc tế với các dự án nghiên cứu lớn cấp Nhà nước và cấp Bộ như Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sử dụng tro bay thay thế đất sét trong sản xuất clanhke xi măng; Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng bê tông nhẹ cường độ cao trên cơ sở hạt vi cầu từ tro bay và phụ gia nano cho công trình dân dụng và công nghiệp; Nghiên cứu công nghệ tái chế polyurethane phế thải làm vật liệu cách nhiệt; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo VLXD tính năng cao; Nghiên cứu tái chế, sử dụng bùn đỏ, bùn thải nạo vét lòng sông, tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện và nhà máy luyện gang thép, tro xỉ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt làm VLXD; Nghiên cứu chế  tạo xi măng siêu ít clanhke; …

PV: Nhìn vào chiến lược phát triển VLXD quốc gia đang đặt ra, ông dự báo như thế nào về bức tranh tổng thể của thị trường VLXD trong thập kỷ tới?

PGS.TS. Lê Trung Thành: Trong 10 năm tới, VLXD nước ta chắc chắn vẫn là một lĩnh vực quan trọng, có đóng góp đáng kể đến sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung cũng như đối với ngành xây dựng nói riêng. Ngành VLXD của Việt Nam sẽ thuộc tốp đầu trên thế giới.

Đến năm 2030, dự báo sản lượng một số chủng loại VLXD chủ yếu ước đạt như sau: Xi măng 125 - 145 triệu tấn (xuất khẩu 25 - 35 triệu tấn), gạch ốp lát 670 - 690 triệu m2 (xuất khẩu 130 - 140 triệu mét vuông), sứ vệ sinh 37 - 43 triệu sản phẩm (xuất khẩu 7 - 8 triệu sản phẩm), kính xây dựng giữ ổn định 210 - 250 triệu mét vuông (xuất khẩu 10 - 20 triệu mét vuông), gạch xây đất sét nung giảm xuống 22 - 25 tỷ viên quy tiêu chuẩn, vật liệu xây không nung tăng lên 16 - 20 tỷ viên quy tiêu chuẩn, bê tông 250 - 270 triệu mét khối các loại.

Các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; Loại bỏ công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Với những bước đi đó, ngành VLXD nước ta sẽ ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời xuất khẩu có chọn lọc các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top