Tia UV là gì? Nguy hại đến mức nào?
Sau ngày 9/6, khi mà mức nhiệt đo tại lều khí tượng ở một số khu vực nội thành Hà Nội đạt ngưỡng 39 độ C; ngày 10/6 được dự báo mức nhiệt sẽ nhích thêm 1 - 2 độ C. Đặc biệt, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về tia cực tím (UV) khi mà chỉ số UV vào giờ trưa có thể tăng lên mức 9 - 10, mức nguy hại đối với mắt và da.
Vậy tia UV là gì, nguy hại ra sao? Tia UV hay tia cực tím, tia tử ngoại là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Phổ tia cực tím có thể chia ra thành tử ngoại gần và tử ngoại xạ hay tử ngoại chân không.
Tia UV là thành phần có sẵn trong ánh sáng mặt trời. Bản chất là 1 loại tia có hại đối với cơ thể người. Theo đó, tia UV sẽ ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất khi tiếp xúc bề mặt da và mắt người, làm giảm sức đề kháng về lâu về dài.
Loại tia này sẽ tác động vào lớp da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, tấn công lớp hạ bì làm da sạm đen gây hiện tượng rám nắng da. Ngoài ra việc tiếp xúc với nắng ở cường độ cao sẽ làm da tạo nếp nhăn, gây tổn thương và dẫn đến ung thư da.
Giác mạc của chúng ta sẽ phải hấp thu hầu hết các bức xạ UV khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng ,viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng thịt (một mô thịt phát triển hình tam giác hoặc hình cánh trên giác mạc, thường xuất hiện ở góc trong hoặc góc bên ngoài của mắt)…
Bởi vậy các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mọi người khi ra ngoài, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần có các dụng cụ che chắn như kem chống nắng, áo chống nắng, mũ, kính, đặc biệt là kính chống tia UV để bảo vệ da và mắt khỏi những tác hại của loại tia này.
Dự báo thời tiết cuối tuần và giữa tuần tới
Khu vực Bắc Bộ
Từ ngày 10 - 12/6, nắng nóng sẽ mở rộng và gia tăng ở các tỉnh Bắc Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C;
Từ đêm 12 - 14/6, rãnh áp thấp có trục khoảng 25 - 28 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp nóng phía Tây bị áp cao lục địa nén và đẩy xuống Bắc Bộ nên Bắc Bộ có mưa rào và dông nhiều nơi, riêng các tỉnh vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (mưa tập trung từ đêm 12/6 đến đêm 13/6).
Từ 11 - 15/6: Trên các sông suối ở vùng núi Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 2 - 3m; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi (đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), ngập lụt vùng trũng thấp ở khu vực trên.
Khu vực Trung Bộ
Từ ngày 8 - 14/6, do chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây nên các tỉnh ở trung bộ tiếp tục có nắng nóng, từ ngày 9 nắng nóng sẽ gia tăng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 39 độ C, vùng núi có nơi 39 - 40 độ C, nhiều nơi có nắng nóng gay gắt, chiều tối có mưa dông vài nơi.
Mực nước trên phần lớn các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm, một số trạm ở hạ lưu các sông ở Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế mực nước dao động theo điều tiết của hồ chứa.
Mực nước một số hồ thủy điện ở khu vực Nam Trung Bộ ở mức rất thấp, xấp xỉ mực nước chết như: Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5.
Tình trạng thiếu nước, hạn hán vẫn xảy ra cục bộ ở ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ
Từ ngày 8 - 10/6, có mưa rào và dông rải rác vào chiều và tối, ngày nắng gián đoạn.
Từ ngày 11 - 14/6, gió Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên chiều tối và tối có mưa dông nhiều nơi kèm khả năng dông, lốc, sét và gió giật mạnh, cục bộ có mưa to đến rất to.
Mực nước trên các sông ở khu vực Tây Nguyên dao động theo điều tiết của hồ chứa.
Mực nước một số hồ thủy điện ở mức rất thấp, xấp xỉ mực nước chết như: Se San 4, Buôn Tua Srah, Thác Mơ, Srôk Phu Miêng, Đăk R’Tih.
Mực nước trên các sông ở Nam Bộ dao động theo triều./.