“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”

Hà Thư
Hà Thư hathu132@gmail.com
Thứ Hai, 26/04/2021 - 06:00

Dược Hậu Giang

Đây không phải là những dòng chữ do tôi – Tác giả của bài viết này thảo ra, mà là của một người lái xe tên Hữu Hồng...

 “Tôi vào nghề lái xe từ năm 1982, suốt những năm ròng rã trong quân đội. Năm 1986, tôi chuyển công tác về Dược Hậu Giang và được lái xe phục vụ Tổng Giám đốc Phạm Thị Việt Nga.

Tôi thấy tiếc vì mình không nghĩ ra việc viết nhật ký để ghi lại cho những chặng đường công tác đã qua ấy... Chị Nga đi đến đâu thì khi tạm biệt, các bạn bán hàng đều bùi ngùi. Vì lúc nào chị cũng ân cần thăm hỏi gia đình và động viên những bạn xa nhà.

Chị dành nhiều thời gian đi thăm từng (tận) nhà khách hàng trên cả nước. Thị trường rộng lớn nên chúng tôi chủ yếu di chuyển vào ban đêm, để không mất thời gian làm việc của chị và khách hàng...”. 

Tôi ít nhiều tò mò về việc, vì sao một nam tài xế lại có thể bộc bạch những câu từ cảm xúc đến vậy. Có phải nó đúng với tinh thần xuyên suốt bao năm qua của Dược Hậu Giang, rằng “Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai"?...

Và hành trình để tôi tìm hiểu về Dược Hậu Giang cùng “mẹ đẻ” của xí nghiệp này – Người phụ nữ được mệnh danh là một trong hai “nữ tướng” của châu Á – Bà Phạm Thị Việt Nga, bắt đầu từ những câu chuyện giản dị như vậy.

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 2.

Hà Nội một sớm giao mùa. Trời lất phất mưa và đượm buồn, nhưng điều đó không làm giảm đi sự hào hứng, khấp khởi trong tôi khi tìm đến một con ngõ nhỏ trên phố Quang Trung. Đón tôi là một người đàn ông quắc thước, tóc bạc phơ với ánh mắt hiền hậu. Sau ngót nghét gần chục cuộc điện thoại liên hệ với rất nhiều chuyên gia, ít nhiều làm tôi bắt đầu nản chí, thì ông là người đầu tiên nhận lời chia sẻ cùng tôi.

Những gì mà tôi có trong tay về ông trước buổi gặp gỡ này, chỉ là một cái tên mà phải thật khó khăn mới tìm được trên Google: TS. Nguyễn Xuân Hùng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam. Thông tin về ông tuyệt nhiên không có gì ngoài mấy dòng ấy.

Ông cười và bảo, ông không thích xuất hiện nhiều trên truyền thông, nhất là khi đã về hưu đến 24 năm rồi. Ông nhận lời tôi là bởi vì tìm thấy trong ông những ký ức xưa cũ khi tôi nhắc đến ba chữ: Dược Hậu Giang.

TS. Nguyễn Xuân Hùng nguyên là Phó Cục trưởng đầu tiên của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế. Dù nay đã 85 tuổi, ông vẫn không một ngày ngừng theo dõi các thông tin về ngành Dược, hầu như hôm nào cũng viết một bài báo chuyên ngành (lấy bút danh) để gửi đăng các báo, tạp chí, với mong muốn cung cấp thêm hiểu biết cho độc giả về dược phẩm.

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 3.

Tôi đùa ông, rằng hình như ngành Dược là “ikigai” - Lẽ sống của cuộc đời ông vậy theo ngôn ngữ mà người Nhật hay dùng. Ông bật cười hiền lành, gật gù tán thưởng.

Ông Hùng thuộc lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử đi du học tại Liên Xô (cũ). Trong 11 năm tu luyện tại Nga, ông là 1 trong 7 sinh viên xuất sắc nhất của trường Y Dược Matxcova. Trở về với tấm bằng tiến sĩ, thay vì chọn nghề giáo theo lời mời của Đại học Dược, ông đầu quân cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương II và bắt đầu hành trình nghiên cứu từ đó.

Dược sĩ thời chiến

Dược sĩ thời chiến

Dược sĩ thời chiến tranh

TS. Nguyễn Xuân Hùng đã có nhiều đóng góp cho ngành Dược nước nhà, đặc biệt trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Ảnh minh họa)

Nói về TS. Xuân Hùng, có lẽ những người người lính bộ đội cụ Hồ thời chiến ít nhiều đều đã từng nghe danh. Vì ông chính là người kế thừa, nghiên cứu cải tiến và cho ra đời dịch truyền Dextran – Dung dịch thay máu, giúp duy trì huyết áp, hạn chế tử vong cho các chiến sĩ khi bị thương mất nhiều máu.

Tôi cảm nhận được ở tuổi này của ông, việc kiên nhẫn ngồi chia sẻ với tôi gần 3 tiếng đồng hồ quả là điều đáng khâm phục và trân trọng. Những kỷ niệm dường như cứ lần lượt hiện về trong trí nhớ tài tình của ông rõ mồn một đến từng chi tiết, như thể mới diễn ra ngày hôm qua. Và nhờ thế mà tôi biết thêm rất nhiều câu chuyện về một hành trình “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của Công ty Dược nội địa lớn nhất Việt Nam – Dược Hậu Giang.

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 7.

“Là một cán bộ trẻ, lại được Xí nghiệp trọng dụng, nên 5 – 6 năm liền tôi đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Ngày đó, phấn đấu được vào Đảng đã khó, huống hồ được danh hiệu này là cả một ước ao lớn. Từ đó, tôi được tín nhiệm làm việc ở nhiều vị trí, vừa đảm nhận chuyên môn, vừa làm công tác chính trị”.

TS. Nguyễn Xuân Hùng nói về điều đó một cách thật giản dị, khiêm nhường như cách mà ông kể cho tôi nghe về những dấu ấn bước ngoặt đáng nhớ của ngành Dược. Mà trong đó, không thể không nhắc đến những đóng góp của ông, với vai trò là chuyên gia hiếm hoi của Bộ Y tế tham gia xây dựng dự thảo đầu tiên cho Luật Dược. Ông cũng là người tiên phong đề xuất và đưa những tiêu chuẩn quốc tế của ngành Dược về Việt Nam. Nhờ những chính sách mới mẻ này mà ngành Dược đã có “cú lột xác” ngoạn mục trong cải tổ bộ máy, quản lý và vận hành. Đây chính là thời điểm đặt nền móng cho Xí nghiệp Liên hiệp Dược Hậu Giang ra đời – Tiền thân của DHG Pharma bây giờ.

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 8.

“Lúc đó, tôi là trợ lý của Thứ trưởng Bộ Y tế, đảm nhận nhiệm vụ tổ chức lại ngành Dược theo mô hình học tập của Liên Xô, tức là xây dựng các Xí nghiệp Liên hiệp Dược ở địa phương. Cụ thể, một địa phương không có nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán như trước nữa mà tập trung dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Dược. Dược Hậu Giang được ra đời chính là trong bối cảnh như vậy. Tất cả các tỉnh đều tổ chức thành lập Xí nghiệp Liên hiệp.

Song song với đó, tôi và cộng sự phải mày mò tìm ra hướng đi mới cho ngành Dược nước nhà cập nhật với tiêu chuẩn của thế giới. Không dễ chút nào, vì thông lệ của quốc tế ra sao thì mình cũng phải học cách thích nghi dần. Quốc tế đưa vấn đề GMP (Good Manufacturing Practice – Thực hành sản xuất tốt) thì mình cũng phải xây dựng chương trình, triển khai để đưa các xí nghiệp vào quy củ và tuân thủ để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Riêng việc đưa GMP về Việt Nam lúc đó đã là một sự cải tổ quá lớn vì nó làm thay đổi mọi thứ.

Ngoài việc phát triển sản xuất, trang bị máy móc thì anh phải tuân thủ điều kiện của thế giới về chất lượng thuốc, chứ không phải nhắm mắt làm theo cảm tính, dập ra viên thuốc là xong như ở ta lúc đó. Thậm chí, đã từng có những loại thuốc trong thực tế mà uống vào bao nhiêu nó lại ra ngoài bấy nhiêu vì không tuân thủ một chuẩn chất lượng nào cả”, ông Hùng cười, hóm hỉnh kể lại.

*  *  *

Khi nói đến câu chuyện GMP, TS. Nguyễn Xuân Hùng tỏ ra rất hào hứng. Tôi hiểu, bên cạnh vai trò của một trong những người đầu tiên đưa tiêu chuẩn quốc tế về cho ngành Dược Việt Nam, thì thẳm sâu đâu đó trong ông, còn là những hoài niệm về một thời sung sức dấn thân, cống hiến. Nói đến đây, ông kể cho tôi nghe về cách mà Dược Hậu Giang đã trở nên khác biệt như thế nào.

“Tiêu chuẩn GMP đã làm thay đổi ngoạn mục xí nghiệp Dược Hậu Giang khi đó đang đứng bên bờ vực phá sản. Mà không chỉ riêng Hậu Giang, còn rất nhiều xí nghiệp khác nữa cũng chung cảnh ngộ.

Thứ nhất, GMP nâng cao ý thức của toàn bộ ngành Dược. Thứ hai, GMP nâng cao kỷ luật phục vụ của ngành Dược với nhân dân. Nó khác so với các ngành nghề khác. Như bây giờ mình nêu cao vai trò của an toàn thực phẩm, chứ trước có gì đâu. Ngành Dược đi đầu trong các ngành bởi vì cần phải có kiến thức, văn hóa và kỷ luật thì mới được làm về thuốc. Thuốc không phải là một hàng hóa bình thường, mà là hàng hóa đặc biệt.  

Như vậy, muốn làm về dược phải có trình độ, tay nghề và chữ “Tâm”. Trong đó quan trọng là chúng ta phải có con người, như chị Phạm Thị Việt Nga, để thúc đẩy xí nghiệp mạnh lên. Dù chính sách có hay đến đâu, nhưng nếu không có doanh nhân thực thi thì cũng thất bại. Bởi, khi chúng tôi triển khai chủ trương mới này, thì gặp vô vàn khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là ý thức cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu xí nghiệp. Họ chấp hành hay vẫn giữ đầu óc thủ cựu, không chịu thay đổi.

Khó khăn thứ hai là trong hoàn cảnh ấy, cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn nên đa phần các xí nghiệp rất chây ỳ, không muốn làm.

Dược Hậu Giang

Dược Hậu Giang

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 11.
“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 12.

Dược Hậu Giang là một trong những Xí nghiệp Liên hiệp Dược đầu tiên bắt tay vào thực hiện chuẩn GMP của Bộ Y tế lúc bấy giờ.

Tôi lấy một ví dụ, nhỏ thôi: Theo chuẩn GMP thì phòng sản xuất thuốc viên cần duy trì một áp suất dương. Tức là khi ta có sai sót gì đó thì không khí nhiễm trùng ở ngoài không lọt vào được mà chỉ đẩy ra. Như vậy thuốc sẽ đảm bảo chất lượng. Còn nếu ta mở cửa toang ra thì không thể làm được. Để duy trì một phòng sản xuất thuốc đạt chuẩn như vậy, phải tốn nhiều điện để đảm bảo duy trì nhiệt độ, độ ẩm, không khí vô trùng… theo tiêu chuẩn.

GMP nó là như thế đấy. Và đã thực hiện GMP là tốn kém và phải theo quy định nghiêm ngặt. Như vậy, điều quan trọng trước tiên phải là ý thức con người và bản lĩnh của người đứng đầu, anh phải làm theo quy trình, biên soạn quy tắc, buộc cả hệ thống phải tuân theo. Nền nếp làm việc phải được đổi mới gần như hoàn toàn.  

Đặt trong bối cảnh lịch sử lúc ấy, khó khăn là ở chỗ từ 3 – 4 xí nghiệp Trung ương, giờ triển khai ra mỗi địa phương phải có một Xí nghiệp Liên hiệp Dược để đáp ứng cung cấp tại chỗ. Khi đổi mới thì 5 – 6 chục xí nghiệp như vậy phải duy trì sản xuất để nuôi công nhân.

Nếu đầu óc của người đứng đầu vẫn khư khư giữ tư duy thủ công ngắn hạn, rằng có sản phẩm bán là được rồi, hay rượu bổ, B1 và nhiều thứ khác tôi vẫn bán ra được… thế thì làm sao mà bứt phá được? Khó lắm! Làm thế nào để mình thay đổi nhận thức của người sản xuất là câu chuyện chẳng hề dễ dàng với những cán bộ quản lý như chúng tôi, nếu như không có những xí nghiệp chủ động và tình nguyện đi đầu như Dược Hậu Giang.  

Trong quá trình đó, Dược Hậu Giang đã vượt lên, trở thành xí nghiệp tiên phong, chiếm sản lượng cao và phân phối cho các tỉnh thành khác. Ví dụ, trong khi đó, xí nghiệp dược Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… vẫn ỳ ạch bao nhiêu lâu. Ngay cả đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành vẫn không có gì, chưa vươn lên được.

Điều này phụ thuộc vào người thủ lĩnh biết nắm bắt cơ hội, dám đầu tư, kèm theo sự ủng hộ của chính quyền và nền tảng chính sách tốt thì mới có thể bứt phá. Trong cuộc thi đua đó, anh nào vươn lên thì trở thành nổi tiếng. Và Dược Hậu Giang đã dẫn đầu trong xu hướng đó”.

Nói như vậy để thấy rằng, giữa những người làm chính sách, những doanh nhân phát triển sản phẩm có tầm nhìn vượt trước thời đại, họ đã gặp được nhau và tạo nên tiền đề quan trọng cho những bứt phá sau này…"

Dược Hậu Giang

Dược Hậu Giang

Vị nguyên Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Hùng chậm rãi nhấp chén trà, ánh mắt nhìn xa xăm. Ông nói tiếp:

“Hậu Giang là một trong những cơ sở đầu tiên mà chúng tôi tập trung định hướng, bên cạnh một số xí nghiệp ở Đồng Tháp, Thừa Thiên – Huế… Họ rất thiện chí và chủ động. Đó là tinh thần hiếm có thời bấy giờ. Có lẽ cũng vì vậy mà như một sự tri ân, năm nào chị Việt Nga cũng ra thăm Cục Dược một cách chân tình.

Chỉ từ những cử chỉ như vậy, đã cho thấy cái Tâm của chị Nga. Chị ấy mộc mạc, đơn giản và chân chất, nhưng trong chỉ đạo sản xuất lại rất kiên quyết. Từ một người công nhân chất phác đi lên, và đến giờ trở thành một nhân vật truyền cảm hứng, thật đáng khen.

Cho dù làm ngành nào đi nữa thì cũng đều phải có đạo đức và có Tâm. Ngành Dược lại càng phải đặt đạo đức và chữ Tâm lên hàng đầu.

Đặc biệt trong bối cảnh lịch sử nước nhà còn khó khăn, xí nghiệp dám đi tiên phong, để thay đổi cả hệ thống cơ sở sản xuất thì mất công lắm. Điều đó đòi hỏi cả sự dũng cảm.

Hồi ấy, chúng tôi tiến hành đi kiểm tra bất ngờ hoạt động sản xuất của xí nghiệp tên X (đã được giấu tên). Trong báo cáo thì ghi rất tốt, đến nơi thì thấy cửa mở toang, bên trong là máy dập thuốc đang chạy ầm ầm. Hỏi ra thì bảo: “Chúng cháu tiết kiệm điện…”. Thế là hỏng rồi!

Một câu chuyện nhỏ nhưng thể hiện trong đó là ý thức của con người. Xây dựng ý thức không hề dễ. Nên tôi đánh giá cao Dược Hậu Giang khi ý thức của họ cực kỳ tốt. Và nhờ thế mà tạo nên sự khác biệt và vượt xa của Dược Hậu Giang với các xí nghiệp khác.

Chính vì thế mà Dược Hậu Giang là một điển hình cho chuyển đổi của ngành. Và chị Việt Nga đã dành phần lớn cuộc đời mình cho công cuộc đó.

Dược Hậu Giang

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 16.

Dược Hậu Giang
“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 18.
“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 19.

"Dược Hậu Giang là một điển hình cho chuyển đổi của ngành. Và chị Việt Nga đã dành phần lớn cuộc đời mình cho công cuộc đó".

Ông Hùng vốn không phải là một người dễ đưa ra lời khen. Trong suốt câu chuyện, những từ ngữ ông thường dùng chỉ giản dị là “như vậy là được”, “vậy là tốt”, “đáng khen”…

Phải ngồi cạnh người dược sĩ thâm trầm ấy, trực tiếp nhìn vào đôi mắt đầy cảm xúc của ông khi nhắc đến Dược Hậu Giang với tư cách là “cánh chim đầu đàn” trong việc thực hiện những chính sách cải tiến của Bộ Y tế ngày đó, mới thấy trong ông là ngập tràn sự tự hào.

Một cách đầy chủ quan, tôi nghĩ, niềm tự hào của ông là sự hãnh diện mang tinh thần thời đại. Sở dĩ như vậy bởi, là một trong những người đứng mũi chịu sào tham mưu cho những quyết sách thay đổi lớn của ngành Dược thời bấy giờ, TS. Nguyễn Xuân Hùng và các cộng sự đã trải qua những tháng ngày nghiền ngẫm, cực kỳ trăn trở và dũng cảm. Vì thế mà khi có những nhân tố tiên phong như Dược Hậu Giang, quay trở lại, chính doanh nghiệp là sự cổ vũ, củng cố mạnh mẽ cho ông, cho Bộ Y tế và Nhà nước tin vào những quyết sách của mình.

Ông chầm chậm kể tiếp: “Không phải xí nghiệp nào cũng có một tinh thần như Dược Hậu Giang. Tôi còn nhớ thời đó, tôi và một số đồng nghiệp, trong quá trình thực hiện những chính sách chuyển đổi này, có đến một xí nghiệp và chủ động đề xuất giúp đỡ để họ thay đổi dây chuyền sản xuất, nhưng lập tức bị từ chối.

Chúng tôi đều buồn khi nghĩ, nếu cứ như vậy, họ không bao giờ thay đổi được, chưa kể nội bộ lục đục… Và thành ra về sau, những xí nghiệp ấy tàn lụi nhanh chóng. Sự thức thời của những xí nghiệp như Dược Hậu Giang trong hoàn cảnh ấy rất đáng khen.

Giữa chính sách tốt và việc thực thi, nó là mối quan hệ biện chứng mà khi cùng nhau thực hiện hiệu quả, cả hai bên (Nhà nước và doanh nghiệp) đều có lợi, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Dược Hậu Giang

Dược Hậu Giang là xí nghiệp tiên phong, trở thành điển hình trong ngành Dược. Chúng tôi hỗ trợ, ủng hộ để họ phát triển lên. Lúc đầu, chính bản thân họ cũng khát khao trở thành xí nghiệp kiểu mẫu và chúng tôi không có lý do gì để không hỗ trợ họ trong vấn đề xây dựng GMP. Chúng tôi cử cán bộ của Cục xuống tận nơi để đào tạo cho họ. Từ đó, họ trở thành hạt nhân và phát triển lên.

Giữa cán bộ kỹ thuật của Dược Hậu Giang và Cục Quản lý Dược có sự gắn bó. Họ rất phấn khởi về mối quan hệ khăng khít, động viên nhau ấy.

Tôi lấy đơn giản trong câu chuyện nhập nguyên liệu chẳng hạn, có nhiều anh cơ hội, muốn xin xỏ rồi nhập những nguyên liệu rẻ tiền. Nhìn ra thực tế đó, chúng tôi định hướng, khuyến khích, kết nối, gợi ý để Dược Hậu Giang giao thiệp, liên doanh rộng rãi hơn với các doanh nghiệp nước ngoài uy tín. Dù giá thành nhập nguyên liệu có đắt hơn một chút, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra đột phá về chất lượng.

Và người đứng đầu Dược Hậu Giang tiếp thu, biết lựa chọn những đối tác nào để liên doanh. Một phần là sự cầu tiến của Xí nghiệp, một phần khác không thể không nói đến vai trò của cơ quan quản lý trong việc giúp đỡ, định hướng.

Kể ra như vậy để thấy rằng, sự phát triển của một xí nghiệp đi đôi với sự giác ngộ của đội ngũ lãnh đạo, cộng thêm sự cởi mở, hợp tác của cơ quan quản lý Nhà nước thì doanh nghiệp mới vững chãi đi lên.

Định hướng chính sách dẫn dắt và mở đường đúng đắn của Nhà nước, nếu có doanh nghiệp đồng hành sẽ trở thành hình mẫu cho phát triển."

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 21.

Những tâm sự của TS. Nguyễn Xuân Hùng và trăn trở của ông đã đưa chân tôi có  cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ khác với Nhà văn – Dược sĩ Trần Thanh Cảnh.

Cuộc chuyện trò đặc biệt này mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc và góc nhìn khác về Dược Hậu Giang, cũng như CEO một thời – Bà Phạm Thị Việt Nga. Trái đất quả thực thật tròn khi Nhà văn Trần Thanh Cảnh trước đây, thời còn làm trong ngành Dược, đã từng là một đại lý phân phối thuốc lâu năm cho Dược Hậu Giang.

- Là một người sống trọn vẹn trong giai đoạn chuyển giao của ngành Dược, ông cảm nhận ra sao khi cũng là cơ chế quy về các Xí nghiệp Liên hiệp Dược, nhưng lại chỉ có một vài đơn vị bứt phá, trong đó có Dược Hậu Giang với đổi thay ngoạn mục và trở thành doanh nghiệp dược nội địa số 1?

Nhà văn – Dược sĩ Trần Thanh Cảnh: Thời ấy, rất nhiều đơn vị cố gắng. Nhiều nơi cũng muốn bứt phá nhưng cuối cùng chỉ Dược Hậu Giang là vượt lên hẳn. Thậm chí, nhiều xí nghiệp xuất thân tốt hơn, có nhiều điều kiện hơn cả Dược Hậu Giang nhưng cuối cùng cũng không bứt lên được. Tôi vẫn đánh giá, điều quan trọng nhất nằm ở tài năng của người cầm đầu và đội ngũ lãnh đạo.

Khi đất nước còn đang khó khăn, chị Phạm Thị Việt Nga về lãnh đạo doanh nghiệp này với đầy rẫy gian truân. Thậm chí, ngoài Bắc còn thiếu gạo ăn. Rất đói. Tôi cũng đói, xung quanh tôi cũng rất nhiều người đói.

Dược Hậu Giang đã rất quyết liệt đổi mới, cập nhật những thông tin của thế giới. Khi mà cả ngành Dược Việt Nam không mấy người quan tâm đến GMP thì chị Nga đã cho áp dụng ngay. Bên cạnh là quản trị chất lượng ISO. Dược Hậu Giang cũng đi đầu, thậm chí đi trước rất nhiều so với những xí nghiệp mang tiếng là dược phẩm của Trung ương.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh
Nhà văn - Dược sĩ Trần Thanh Cảnh.

Trong bối cảnh đó, vai trò cá nhân mang tính quyết định. Chị Nga và ban lãnh đạo của Dược Hậu Giang lúc bấy giờ tìm cách mua nguyên vật liệu trong và ngoài nước để sản xuất các mặt hàng chất lượng và bắt đầu đứng ra trao đổi, bán hàng.

Thị trường dược phẩm lúc đó khá nhộn nhịp, thậm chí chúng tôi đã từng vào tận miền Nam để mua thuốc, trao đổi nguyên liệu với nhau. Trong bối cảnh tự chủ như vậy, chữ Tâm của người lãnh đạo doanh nghiệp là quan trọng nhất.

Nếu người ta chỉ nghĩ đến chuyện bóc ngắn cắn dài, chỉ nghĩ đến cá nhân họ thì sẽ không có nền tảng để phát triển. Xí nghiệp Dược Hậu Giang đã tích lũy cơ sở vật chất, tích lũy kinh nghiệm, tích lũy tất cả mọi thứ thì dần dần mới được như ngày nay.

- Hai chữ “tích lũy” mà ông nói đến có ý nghĩa gì, thưa ông?

Nhà văn – Dược sĩ Trần Thanh Cảnh: Khi đặt câu chuyện này vào bối cảnh lịch sử thời ấy, khi mà ai cũng đói, ai cũng nghĩ là làm cái này được bao nhiêu tiền là chia nhau hết, không ai nghĩ đến chuyện tích lũy. Thì chị Việt Nga lại dẫn dắt Dược Hậu Giang đi ngược lại và tích cực tích lũy. Câu chuyện một xí nghiệp sản xuất hay bất kỳ thứ gì đó cũng như hành trình lớn lên của một đứa trẻ – phải tích lũy dần dần chứ không thể như Thánh Gióng được.  

Trong kinh tế đừng bao giờ nghĩ đến chuyện Thánh Gióng. Đường đi có thể nhanh hay chậm, song kể cả trên thế giới cũng không có những câu chuyện thần kỳ. Bao giờ cũng phải tích lũy. Để có được những bước đột phá, đằng sau đó là cả một sự chuẩn bị công phu, cả một tầm nhìn kỹ càng.

Về sau này, quãng độ những năm 1990 – 2000 là thời kỳ phát triển đỉnh cao của Dược Hậu Giang, thì rõ ràng là từ những năm trước đó, Xí nghiệp này đã phải tích lũy rất nhiều.

Ở đây lại là yếu tố con người. Rõ ràng nếu như chị Nga không có tâm và yêu nghề, không có tâm với nhân dân, không muốn làm điều gì đó cho dân mình, nếu không có lòng yêu thương với Xí nghiệp, thì rõ ràng chị ấy đã không làm.

Dược Hậu Giang

Để giải thích tường tận cho mọi người thấu cảm hết quả thực rất khó. Tôi đã từng phụ trách 2 Công ty dược phẩm vào thời kỳ ấy. Trong những năm tháng gian khó, khi mình cho ra đời được một sản phẩm thì hạnh phúc không khác gì sinh được một đứa con. Từ khi manh nha hình thành ý tưởng đến khi sản phẩm thành hình thù, nhìn thấy sản phẩm ấy hoàn thiện, ra thị trường được mọi người đón nhận – niềm vui ấy chỉ những người trực tiếp sản xuất mới chia sẻ và hiểu được. Người ngoài khó lòng cảm nhận.

- Hiện nay, có một thực tế là các doanh nghiệp khi đã đạt đến một quy mô đủ lớn, đều muốn khẳng định tên tuổi của mình bằng cách kinh doanh đa ngành nghề và dần lấn sân sang những lĩnh vực mới. Trong bối cảnh ấy, Dược Hậu Giang có lẽ là đơn vị hiếm hoi chỉ chuyên tâm đầu tư vào duy nhất ngành Dược?

Nhà văn – Dược sĩ Trần Thanh Cảnh: Dược Hậu Giang luôn có một hướng đi rất riêng. Tư duy, tầm nhìn của chị Nga và đội ngũ lãnh đạo là chuyên tâm vào ngành Dược, thể hiện dưới nhiều hình thức chi tiết như lãnh đạo hệ thống, sử dụng hình thức phân phối tiếp cận tiến bộ xã hội rất sớm…

Khi mà cả nước vẫn đang loanh quanh trong chuyển đổi mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, vẫn cứ “tranh tối tranh sáng” bùng nhùng đan xen, thì Dược Hậu Giang đã chớp ngay cơ hội và tính đến chuyện xây dựng mạng lưới phân phối. Bởi vì trong nền kinh tế thị trường, sản xuất không phải là yếu tố quyết định mà là đầu ra – thị trường.

Để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, chị Nga đã đi trước để xây dựng hệ thống phân phối, từ xí nghiệp Trung ương là Tổng Công ty Dược Hậu Giang cho đến từng đại lý nhỏ nhất trên toàn quốc là các nhà thuốc, bệnh viện… Trong khi đó, ngành Dược có một đặc điểm là kinh doanh có điều kiện, dược sĩ với vai trò tư vấn bán thuốc rất quan trọng. Thời điểm đó, ít ai nhìn ra được vai trò của họ và dám đầu tư mạnh như chị Nga.

Làm sao để họ giới thiệu sản phẩm của Dược Hậu Giang thì không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh tế, mà còn là sự tích lũy văn hóa.

Dược Hậu Giang đã có những động tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp rất xuất sắc. Ví như hằng năm tổ chức Hội nghị khách hàng xuyên suốt từ Nam ra Bắc mà đích thân tôi đã được tham gia nhiều lần. Toàn bộ các mục như tiệc chiêu đãi ở ngoài Bắc chẳng hạn, họ sẽ mời chúng tôi thưởng thức những đặc sản miền Nam như bánh xèo… Toàn bộ chương trình ca múa nhạc là đội ngũ nhân viên Dược Hậu Giang biểu diễn. Xong rồi họ lại xuống bưng bê và làm đồ ăn. Rất chân tình, hòa đồng và thể hiện phong thái gia đình, người nhà gắn bó và gần gũi.

Từ những chi tiết nhỏ như vậy, nó tạo thành sợi dây liên kết mạnh mẽ. Sự tri ân ấy là cốt lõi của văn hóa. Hội nghị khách hàng chính là tri ân. Thứ ta cho không bằng cách mà ta cho, là vậy. Định hướng thông thái này của chị Việt Nga là mấu chốt.

Không chỉ dừng lại ở những tiệc chiêu đãi thân tình, Dược Hậu Giang còn mời các đối tác đi tham quan nhà máy sản xuất hay có các chủ trương cổ vũ bán hàng như đặt tour du lịch cho các đại lý. Đó là một hình thái rất hay của kinh doanh – Vừa là văn hóa doanh nghiệp, vừa là kinh doanh.

Ví dụ như những năm 2000, Dược Hậu Giang ra một chính sách là bán một lô sản phẩm như thế này được tặng một chuyến du lịch đi Thái Lan. Trong khi đó, thời điểm ấy, có mấy ai nghĩ đến việc đi nước ngoài đâu. Cực kỳ háo hức! Rất nhiều người phấn đấu quảng bá sản phẩm cho Dược Hậu Giang để có thể thực hiện ước mơ đi du lịch nước ngoài.

Tôi đánh giá đây là một chiến lược quá sáng tạo và nhanh nhạy trong thời điểm đó. Chứ bây giờ thì câu chuyện ấy lại cũ rồi. Chúng ta hoàn toàn có thể tự bỏ tiền túi ra mua cặp vé để sang nước ngoài chơi, không có gì ghê gớm cả. Nhưng cái lúc mới đầu, lúc nước mình mới mở cửa ra thế giới thì đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Phải có văn hóa doanh nghiệp mới làm được điều đó. Họ hình thành nên trong tư duy của những đại lý như chúng tôi một sự gắn bó khăng khít như vậy – Chúng tôi từng được tận mắt đến tham quan nhà máy với dây chuyền hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn…, được hưởng nhiều quyền lợi hấp dẫn thì rõ ràng là trong tiềm thức, không cần hướng dẫn, đào tạo thì những dược sĩ bán hàng sẽ tự ngấm vào và bật ra ngay câu tư vấn nên mua sản phẩm của Dược Hậu Giang mỗi khi khách hàng hỏi đến.

Dược Hậu Giang
Dược Hậu Giang
Dược Hậu Giang
Dược Hậu Giang

Dược Hậu Giang và "thương hiệu" văn hóa đã được tích lũy một cách bài bản. (Trong ảnh là các sự kiện đi bộ vì người nghèo của toàn thể CBNV Hậu Giang Pharma).

- Cái khó nằm ở chỗ, văn hóa không phải là một thứ tĩnh tại, bất biến. Vậy Dược Hậu Giang đã làm gì để tích lũy một “thương hiệu” văn hóa như vậy?

Nhà văn – Dược sĩ Trần Thanh Cảnh nhìn xa xăm và có chút gì tiếc nuối: Tôi nghĩ nó là sức ảnh hưởng của người đứng đầu. Màu sắc của chị Nga là sự chân thành, văn hóa này thể hiện ở Dược Hậu Giang rất đậm nét. Thậm chí, khi làm việc với Dược Hậu Giang, người ta cảm nhận được nét văn hóa của người miền Tây Nam Bộ, không chỉ thông qua các Hội nghị khách hàng mà còn ở cả từng nhân viên.

Tôi vẫn cứ ấn tượng mãi về câu chuyện hồi tôi còn làm đại lý phân phối dược phẩm: Khi giao thuốc xong, nhân viên của Dược Hậu Giang sẵn sàng lao vào giúp đỡ cửa hàng xếp đồ nếu thấy mình đang bận. Họ không hề nề hà. Thậm chí không cần mình nhờ vả, họ lao vào làm ngay.

Tôi đã từng làm việc, tiếp xúc với hệ thống của Dược Hậu Giang nên thấu hiểu. Thậm chí ngày xưa người ta còn bảo rằng: Dược sĩ ra trường mà vào làm việc ở Dược Hậu Giang thì không thể không thành người. Dược Hậu Giang rèn người cực kỳ tốt. Khi làm ở đó 5 – 7 năm, tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức là trở thành một nhân viên giỏi, họ có thể đi bất cứ chỗ nào hoặc mở công ty riêng thì chắc chắn đều sẽ bài bản, vì họ đã tiếp thu được văn hóa doanh nghiệp tại đây.

Thậm chí ngày ấy, công ty của tôi đang cần một đơn hàng, số lượng không phải lớn lắm, không cần đến ô tô để chở. Kể cả là trời mưa rét, nhân viên của Dược Hậu Giang sẵn sàng chở xe máy đến. Họ hăng say đi xe máy từ Tổng kho xuống giao tận nơi cho mình.

Lúc đó là đâu có tính đến chuyện lỗ lãi, hạch toán chi phí nữa mà là phục vụ khách hàng chứ! Có những lúc phục vụ không nghĩ đến chuyện tiền bạc. Đó là sự tích lũy dài lâu của chị Nga và Dược Hậu Giang mới được như vậy.

- Tôi thấy ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần hai chữ “tích lũy”, ở đây dường như không còn chỉ là sự tích lũy về tài chính, tri thức… mà là cả chân tình?

Nhà văn - Dược sĩ Trần Thanh Cảnh: Hiển nhiên là vậy. Nêu nếu chỉ tính tiền bạc đơn thuần thì bây giờ rất nhiều đại gia có thể đổ tiền vào để làm dược. Nhưng còn rất lâu mới có đại gia nào xây dựng được mạng lưới như chị Nga đã từng làm. Cực kỳ khó! Nó phải có thời gian, phải tích lũy dần. Trong khi đó, thời kỳ chị Nga làm là mạng lưới rải xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đến cả những nhà thuốc nhỏ ở các tỉnh xa xôi miền núi phía Bắc cũng là đại lý bán hàng cho Dược Hậu Giang.

Dược Hậu Giang

Trong bối cảnh hiện tại, bây giờ bất kỳ ai muốn đi lại con đường của Dược Hậu Giang hay con đường của chị Phạm Thị Việt Nga sẽ khó có thể vượt qua được. Chị ấy vẫn đang là trường hợp duy nhất. Con đường ấy đã đi qua rồi, để làm nên tên tuổi của Dược Hậu Giang hôm nay. Giờ muốn làm phải đi con đường khác. Thời của chị Nga là câu chuyện khi nước mình chưa phát triển, người dũng cảm tiên phong như chị mới chiến thắng. Chị Nga là “cánh chim đầu đàn” của ngành Dược Việt Nam – Một người rất bản lĩnh, thông minh và đặc biệt có tâm.

Nói đến đây, ánh mắt của Nhà văn Trần Thanh Cảnh có chút gì hoang hoải. Tôi không rõ có phải ông đang hoài niệm về nhà máy dược thuở nào của mình – Hành trình đã không đi trọn đến cuối với ông, hay vì một lý do nào khác. Nhưng tôi tin, hơn ai hết, ông là người thấu cảm ở nhiều vai về chặng đường “tích lũy” mà Dược Hậu Giang và CEO Phạm Thị Việt Nga đã vất vả đi qua.

Dược Hậu Giang

- Dược Hậu Giang không chỉ khẳng định tên tuổi của mình ở trong nước mà còn sẵn sàng vươn ra “biển” lớn, tiếp cận với những nước láng giềng như Lào, Campuchia… Ông nghĩ sao về “cách đánh” này của “nữ tướng” Phạm Thị Việt Nga?

Nhà văn – Dược sĩ Trần Thanh Cảnh: “Đánh” sang các nước ASEAN có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam, thậm chí là thấp hơn, thì đó là một hướng đi đúng đắn… Cái hay của Dược Hậu Giang là áp dụng hệ thống nhà thuốc đạt chuẩn để tư vấn và nâng cao hiểu biết cho khách hàng về dược phẩm. Muốn nói gì thì nói, sản phẩm của Dược Hậu Giang đã đạt được tiêu chuẩn tầm cỡ quốc tế.

Một khi bước chân vào ngành Dược thì dù bất cứ vị trí nào cũng phải xác định tâm thế của mình là thầy thuốc trước, sau đó mới đến việc kinh doanh. Mà đã là thầy thuốc thì phải phục vụ người bệnh, giúp họ hiểu biết hơn, dùng thuốc đúng và tiết kiệm. Khi làm tốt chức năng của người thầy thuốc thì anh sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Chữ "Tâm" trong ngành Dược thể hiện lớn nhất ở việc làm ra thuốc tốt và kinh doanh dược là như vậy. Về mặt chất lượng thuốc thì không vấn đề gì vì đã có những quy chuẩn. Nhưng tư vấn cho người bệnh mua thuốc lại là câu chuyện khác. Có những thứ bệnh mà anh uống cả tấn thuốc vào cũng không đỡ. Còn tư vấn đúng thì có khi chỉ uống 1 liều thuốc thôi cũng đã chuyển biến. Cái tâm của Dược Hậu Giang nằm ở chỗ đó. Họ hoàn toàn có thể đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Nhưng họ chọn cách làm khác.

- Điều khó nhất trong cuộc đời của mỗi người có lẽ là đi tìm cho mình một lẽ sống, một khát vọng và kiên trì theo đuổi nó, hay nói theo triết lý nổi tiếng của người Nhật chính là cụm từ "Ikigai". Ta phải tìm cho kỳ được Ikigai của mình – Đi tìm lý do thúc đẩy ta thức dậy mỗi sáng.

Ikigai của CEO Phạm Thị Việt Nga và Dược Hậu Giang dường như là sự không ngừng cho đi và tri ân khách hàng. Ở doanh nghiệp này cũng có một slogan, rằng: “Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua nhưng không bằng ngày mai”...

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Quả thực là vậy. Đó là một slogan rất hay. Nó thể hiện sự luôn luôn đi lên, luôn luôn không thỏa mãn với những thứ đã đạt được. Giản dị, dễ hiểu và chính xác.

Dược Hậu Giang đã được cộng đồng nhân dân cả nước ủng hộ. Tất nhiên để đạt được sự ủng hộ đó là nỗ lực không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của cả một tập thể trong hàng chục năm và những quyết sách táo bạo, dũng cảm, sáng tạo của những người đứng đầu.

Rõ ràng, Dược Hậu Giang đã thành công, được nhân dân cả nước ủng hộ để có thể lớn mạnh thì việc cho đi đó là điều đương nhiên trong văn hóa của một doanh nghiệp có tâm, có tầm này. Tôi nhớ chị Việt Nga cũng đã từng chia sẻ: “Đời tôi may mắn đã nhiều. Từ nay trở đi, tôi và doanh nghiệp Dược Hậu Giang có trách nhiệm phải làm gì đó để san sẻ lại may mắn đó cho cộng đồng, đền đáp lại những sự ủng hộ, giúp đỡ, tình thương của mọi người với mình lâu nay”.

Để làm nên một xã hội hiện đại, doanh nhân không thể thiếu 3 trụ cột:

-     Đã ký kết là phải thực hiện

-     Đã nợ nần là phải thanh toán

-     Đã giàu có là phải chia sẻ

Chứ không thể có chuyện giàu mà chỉ biết riêng mình. Doanh nhân làm giàu từ đâu? Họ phải trả lời câu hỏi đó. Vì sao rất nhiều nhà tỷ phú trên thế giới cuối đời bỏ toàn bộ tài sản ra làm từ thiện. Họ đã chọn trụ cột cốt lõi thứ 3, đó là con đường chia sẻ với cộng đồng.

Dược Hậu Giang
Dược Hậu Giang
Dược Hậu Giang

Dược Hậu Giang và những nỗ lực tri ân cộng đồng, chung sức cùng nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Tôi nghĩ tư duy của chị Nga và Dược Hậu Giang bao lâu nay cũng là như vậy. Họ nhận thức được rằng, sự lớn mạnh như ngày hôm nay của họ là có sự đóng góp của nhân dân cả nước. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của chị Nga rằng, Dược Hậu Giang phải tri ân khách hàng để thành một công ty dược phẩm đứng đầu toàn quốc. Có tri ân thì mới phát triển cao hơn được. Nếu không tiếp tục làm và gìn giữ truyền thống đó thì rất có thể Dược Hậu Giang sau thời của chị Nga sẽ là một câu chuyện khác. Hai chữ “trách nhiệm” nó thể hiện một sự chủ động cho đi. Đây chắc chắn là những lời nhắn nhủ của chị Nga tới các thế hệ kế cận sau này.

- Dường như tinh thần “Khát vọng Việt Nam” mà Chính phủ nói đến chính là đây?

Nhà văn – Dược sĩ Trần Thanh Cảnh: Nếu các doanh nhân Việt Nam ai cũng có một chữ Tâm và Tầm mãnh liệt như chị Việt Nga và Dược Hậu Giang thì Việt Nam sẽ có rất nhiều doanh nghiệp mạnh. Dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, thì vai trò của các ông chủ cực kỳ quan trọng. Người ta có một tinh thần mãnh liệt, khát vọng xây dựng thương hiệu cho người Việt sánh ngang với thế giới, thì chính trong họ đã có khát vọng mãnh liệt tinh thần Việt Nam.

“Khát vọng Việt Nam” như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói, nó không chỉ nằm trên giấy mà phải đi vào từng doanh nghiệp. Thế giới người ta có thể làm được thì người Việt hoàn toàn có thể làm được những điều ấy chứ. Bởi vì các ông chủ lớn của Việt Nam hiện nay họ không thiếu tiền. Họ làm không chỉ là muốn chinh phục những thách thức nữa mà chữ Tâm và chữ Tầm của họ đặt trong sự dám làm và niềm tự hào dân tộc – Khát vọng cho dân tộc vẻ vang.  

Mà vẻ vang bây giờ phải là kinh tế. Phải có những sản phẩm thương hiệu của quốc gia.

Nói đến đây, tôi tin, Nhà văn Trần Thanh Cảnh có thêm một sự đồng điệu và ủng hộ từ TS. Nguyễn Xuân Hùng. Khi trong những khoảng lặng cuối của buổi chuyện trò với tôi, ông Hùng giản dị chia sẻ:

“Chị Việt Nga dù về hưu đi nữa thì cũng không phải là doanh nhân tư sản. Có những người quen bóc lột, rồi vơ gom đất, biệt thự nọ kia để cho con cái. Họ lo cho họ nhiều hơn, còn quyền lợi của anh em thì không đến nơi đến chốn. Chị Việt Nga khác.

Chị ấy trải qua chiến tranh chứ không phải là người sống trong nhung lụa. Chị ấy đi lên từ con người lao động. Không phải tự dưng mà có những phẩm hạnh như vậy, mà là do đã được lớn lên, tôi rèn trong môi trường tập thể biết chia sẻ và thương yêu.

Nhiều doanh nhân chộp giật lắm chứ. Bản thân những người này có thể giàu lên nhưng xí nghiệp của họ thì không phát triển được. Thành ra đi đến chỗ ta phải tâm niệm mình làm rút cuộc vì quyền lợi của ai cuối cùng? Nếu anh không có tư suy sáng tạo và phát huy vai trò của tập thể thì không thành công. Điều đó không phải là dễ. Nhưng kinh nghiệm tôi thấy rằng, tập thể nào lãnh đạo đoàn kết và dám làm thì sẽ phát triển tốt. Doanh nghiệp nào làm việc từ tâm thì đều thành công”.

Tôi kể cho TS. Xuân Hùng nghe, rằng bà Việt Nga đã từng trả lời trên báo chí rằng: “Lãnh đạo doanh nghiệp thích nói về tầm nhìn. Tui không được học hành nhiều về chiến lược này kia, may được nhân viên thương, làm chiến lược và tầm nhìn cùng với tui luôn”, làm ông bật cười đầy sảng khoái:

“Chị Nga nói thế là rất thật thà đấy! Mình muốn mạnh thì phải dựa vào dân chủ, biết khơi dậy sự sáng tạo của tập thể. Khi tập thể tự nguyện cống hiến thì mới đạt được kết quả như mong đợi.  

Dược Hậu Giang
Dược Hậu Giang

“Lãnh đạo doanh nghiệp thích nói về tầm nhìn. Tui không được học hành nhiều về chiến lược này kia, may được nhân viên thương, làm chiến lược và tầm nhìn cùng với tui luôn”, cựu CEO DHG Pharma chia sẻ.

Khâu thứ hai là thu hút nhân tài, tri thức chung. Chị Việt Nga đã làm điều này rất tốt. Có những câu chuyện riêng tư khi anh Trần Công Kỷ – người từng có công lớn với Dược Hậu Giang, sau khi công tác tại Bộ Y tế với chức danh Cục trưởng Cục Quản lý Dược, nghỉ hưu lại tiếp tục quay trở về với Dược Hậu Giang. Đó là ví dụ nhỏ cho thấy chị Nga có tinh thần cầu thị, tri ân, không ích kỷ, biết coi trọng tri thức của những người khác và lấy điều đó để thúc đẩy xí nghiệp đi lên. Thành ra được anh em ủng hộ. Đó là cái đáng khen”.

Chia sẻ với tôi, Nhà văn – Dược sĩ Trần Thanh Cảnh cũng giãi bày: “Lịch sử của chị Việt Nga đã qua và sẽ không bao giờ lặp lại. Giờ phải là câu chuyện của các doanh nhân thế hệ mới. Dường như vì thế mà chị Nga không ngừng nhắn nhủ và tin tưởng những người sau của Dược Hậu Giang có thể kế thừa, lèo lái con tàu này đến những bến mới. Tinh thần của một doanh nhân thực thụ là vậy, không giữ bo bo cho riêng mình, ở họ luôn là sự cho đi, dù bất cứ thời đại nào và hoàn cảnh nào. Tôi nể phục điều đó”.

“Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”- Ảnh 35.

Trong những câu chuyện không đầu cuối kết thúc cuộc gặp của tôi với TS. Nguyễn Xuân Hùng, ông cười hiền hậu bảo: “Thời gian trôi đi nhanh thật! Đến giờ tôi cũng không thể ngờ mình đã về hưu được 24 năm (cười). Nên chúng ta làm được gì thì hãy cứ làm. Tôi bây giờ, dù 85 tuổi nhưng vẫn chưa đầu hàng, bạn ạ. Sáng ra vẫn chạy bộ (dù là chầm chậm như đi bộ thôi – cười) ở hồ Thiền Quang, rồi về ăn sáng, ngồi vào bàn làm việc như thời còn công tác. Một ngày mà mình ngừng lao động, sáng tạo là ngày đó thấy mình xuống dốc”.

Những chia sẻ của ông làm tôi nghĩ nhiều hơn đến tinh thần cống hiến của doanh nhân Việt. Có lẽ, khi sống chậm lại một chút và bình tĩnh hơn, xác định cho mình những nguồn cảm hứng và động lực để cống hiến, với những khát vọng thổn thức từ đáy lòng mình, ta sẽ trở nên đam mê hơn và sống có ích hơn…

“Họ sẽ lao động đến cùng. Thậm chí những người Nhật, khi về già vẫn khiêm tốn và thầm lặng làm việc. Với họ, không có khái niệm nghỉ hưu...”, chất giọng trầm ấm của TS. Nguyễn Xuân Hùng cứ văng vẳng len lỏi đan xen vào những dòng suy nghĩ miên man trong tôi.

Đến giờ thì tôi đã hiểu, vì sao một nam tài xế tưởng chừng khô khan ở Dược Hậu Giang lại có thể viết ra những dòng chữ cảm xúc và tâm đắc đến vậy. Đó như thể là sự đúc rút chân lý cuộc đời của anh vậy. Người ta có thể dễ dàng nói ra những lời hoa mỹ, nhưng năng lượng của sự chân thật từ tâm thì muôn đời không thể dối lừa: “Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, một tình yêu thật sự để yêu thương nhưng bạn có nhiều điều để học, để làm... Để cuộc sống trở nên có ý nghĩa, bạn phải luôn cố gắng bằng tất cả sức lực của mình. Nhớ nhé! Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ!"…/.

Ảnh nhân vật: Trịnh Tây - Minh Hằng
04/26/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top