Cũng trong sáng nay 29/5, Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban tán thành quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 được nêu trong Tờ trình.
Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội; tổ chức lấy ý kiến nhân dân; đồng thời, đánh giá đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới trên cơ sở tham vấn ý kiến đối tượng chịu sự tác động và phản biện xã hội.
Theo đó, về một số nội dung xin ý kiến Quốc hội, bà Thúy Anh nêu, trước hết là về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, hiện có 2 loại ý kiến, một là giữ nguyên như quy định hiện hành, hai là tán thành với đề xuất của Chính phủ.
Ủy ban cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động; lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm và các phương án đề xuất về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...
Một trong những nội dung đáng chú của dự thảo luật là thời gian làm thêm giờ của người lao động sẽ được tăng thêm 100 giờ/năm, từ tối đa 300 giờ/năm như hiện hành lên 400 giờ/năm. Dự thảo luật cũng có nhiều điểm mới quy định về tuổi nghỉ hưu, tiền lương, ngày nghỉ lễ, thời gian làm việc, tổ chức đại diện của người lao động…
Về tuổi nghỉ hưu: tờ trình đưa 2 phương án, trong đó phương án thứ nhất là từ 1-1-2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Dự thảo Luật lao động sửa đổi cũng đề xuất 2 phương án về ngày nghỉ Tết âm lịch. Theo đó, phương án 1 giữ nguyên hiện hành. Tức là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Phương án 2, người lao động được nghỉ 5 ngày nhưng nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.
Đặc biệt, dự thảo lần đầu tiên đưa qui định về bổ sung 1 ngày nghỉ lễ trong năm. Đó là ngày thương binh, liệt sĩ (27-7).
Theo tờ trình, trong quá trình chuẩn bị dự thảo Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung ngày 27-7 làm ngày nghỉ lễ để nhân dân có một ngày được nghỉ làm việc thực hiện những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước. Ban soạn thảo cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ để tri ân người có công là phù hợp…
Đáng chú ý, về bổ sung 1 ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), bà Thúy Anh cho hay, hiện có các loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất ủng hộ việc bổ sung thêm 1 ngày nghỉ, tuy nhiên đề nghị cân nhắc lấy Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) làm ngày nghỉ lễ.
Loại ý kiến thứ hai tán thành đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị cân nhắc việc này vì chưa có đánh giá tác động chính sách. Do đó, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này.
Về thời gian nghỉ Tết âm lịch; và thời gian làm việc của cơ quan hành chính: Ủy ban thấy rằng, các vấn đề này đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc trên thực tiễn, do đó, đề nghị kế thừa quy định hiện hành.