Aa

Ngày Xuân nói về công tác thiện nguyện: “Giúp người cái cần câu hay con cá?”

Chủ Nhật, 10/02/2019 - 07:30

“Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” là đạo lý của người dân Việt Nam. Cái nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ đáng trân trọng hơn nếu chúng ta biết vận động đúng cách.

Tôi không tin vào người “chuyên” làm từ thiện

Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Hằng, nữ giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội, người từng nhiều lần đóng góp tiền bạc cho những đợt thiện nguyện của tôi và bạn bè. Chị chia sẻ: “Tôi biết nhiều người chỉ ăn và đi làm từ thiện mà không làm gì khác. Tôi luôn tự hỏi họ lấy gì để sống, lấy gì để cho con cái ăn học khi quanh năm suốt tháng đi làm từ thiện. Theo tôi, muốn lo được cho người khác thì phải biết kiếm tiền, phải lo được cho cuộc sống của chính mình. Thực tế đã có rất nhiều người mang danh từ thiện để kiếm sống”.

Năm 2018, bản thân PV từng cả chục lần bị những người chuyên làm từ thiện điện thoại, nhắn tin nhờ: “Anh có uy tín nên hãy kêu gọi giúp tôi trường hợp này”. Họ đâu biết rằng ngay cả việc đứng ra kêu gọi bạn bè giúp một ai đó cũng không bao giờ được tùy tiện vì ngay cả bạn bè tôi cũng còn rất nhiều người khó khăn. Kể cả người khá giả cũng kêu gọi không dễ vì họ cũng có chương trình thiện nguyện riêng, thậm chí họ cũng được những “nhà từ thiện” khác “chăm sóc” khá kỹ. Việc vận động bạn bè làm thiện nguyện phải cân nhắc về thời lượng và chỉ trong những trường hợp thật cần thiết. Nếu không tính kỹ điều này sẽ gây ức chế cho bạn bè, đẩy họ vào tình trạng không muốn cũng phải làm vì ngại hoặc rất bực bội nhưng vẫn làm để qua chuyện…

ngay xuan noi ve cong tac thien nguyen giup nguoi cai can cau hay con ca
San sẻ để nhận lại yêu thương…

Hãy giúp đồng bào thứ họ cần

Năm 2011 tôi lên Mèo Vạc, Hà Giang làm từ thiện. Đây là lần đầu tiên tôi lên khu vực miền núi phía Bắc làm công tác thiện nguyện nên rất nhiều tâm huyết nhưng đáng tiếc lại không thu được kết quả như mong đợi. Trước chuyến đi tôi đã dành đến cả tháng để chuẩn bị cùng người thân và bạn bè thu gom tất cả những gì mang lên giúp bà con. Khi đó tôi chỉ nghĩ, bà con còn rất nghèo, ăn mặc đều không đủ, cái gì chả cần… Lúc xuất phát tôi hồ hởi nhìn thùng xe tải đầy chặt quần áo cũ rồi ủng, giày, tất tay, tất chân, xô, chậu mà lòng vui như Tết.

Sau gần một ngày vật lộn với đường sá chúng tôi cũng vào được đến thị trấn Mèo Vạc. Dù rất mệt nhưng tôi vẫn cười mãn nguyện khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc trao đổi qua điện thoại: “Tôi đã chỉ đạo anh em mời 30 hộ dân nghèo nhất của xã sát thị trấn để các anh trao quà, bà còn đến rồi, phấn khởi lắm”. Từ xa tôi đã thấy sân Ủy ban xã khá đông bà con đứng ngồi chờ đợi, có lẽ họ đã đến sớm để chờ đoàn…

Khi chuẩn bị trao quà tôi và anh em trong đoàn mới ngớ người ra vì không biết quần áo cũ đủ loại xanh đỏ, tím, vàng, rằn ri… kia sẽ trao cho gia đình nào để phù hợp vì hầu hết họ đều mặc quần áo dân tộc. “Thôi lỡ rồi, trao đại đi vậy, về họ sẽ đổi cho nhau”, tôi quyết định. Chúng tôi trao mà nét mặt không hề vui. Chỉ đến khi tôi trao mỗi phần quà 300.000 đồng thì mới có người nói “cảm ơn nhé”. Lúc đó tôi có cảm giác hụt hẫng…

Đến khi vào bản của đồng bào H’Mông tôi mới thật sự sốc bởi những gì gọi là “quần áo từ thiện”. Vào thời điểm đó là tháng 12 dương lịch, Hà Giang đang chịu cái lạnh đến thấu xương, khi nhiệt độ buổi trưa chỉ 60C. Đến đầu bản, đập vào mắt tôi là những đứa trẻ cởi truồng, đen nhẻm bùn đất đứng ngơ ngác nhìn người qua lại. Một cô bạn trong đoàn thốt lên: “Trời ơi, nhìn lũ trẻ kia, chúng sẽ ốm mất, bố mẹ chúng đâu mà để chúng tồng ngồng thế này”. Cô lao đến ôm đứa trẻ khoảng 4 tuổi xuýt xoa. Tôi cũng lóe lên ý nghĩ “lần sau mình sẽ xin quần áo trẻ con lên giúp bọn trẻ”. Tôi bước vào căn nhà ẩm thấp và nhìn thấy một đống to lù lù trong căn buồng giống như một đống rơm. Khi lại gần tôi sốc thật sự vì đó là đống… quần áo dính đầy bùn đất. Không cần hỏi, chỉ nhìn đống quần áo tôi đã hiểu, đây chính là những món quà từ thiện mà người miền xuôi mang lên tặng họ.

“Quần áo các anh cho đồng bào không mặc đâu vì không phù hợp, họ thích mặc quần áo của dân tộc họ. Rét quá họ mới mang ra mặc nhưng bẩn là vứt đống và không giặt để mặc lại. Lũ trẻ cũng vậy, quần áo trẻ con các đoàn dưới xuôi mang lên cái rộng, cái chật, xanh xanh, đỏ đỏ chúng rét cũng không mặc”, một cô giáo cho chúng tôi biết.

Chúng tôi vào thăm nhà anh Hội, một gia đình nghèo ngay trong thị trấn Mèo Vạc. Người đàn ông này đang ôm con ngồi bên bếp lửa, gió thổi ào ào qua vách nứa khiến tro bay tán loạn. Thấy chúng tôi, anh ta gần như không nhìn lên và cũng không chào hỏi, chỉ đến khi tôi tặng anh ta 300.000 đồng, mắt anh ta mới sáng lên “ồ có tiền hả, cảm ơn nhé”. Khi ra đến cửa thì gặp vợ anh Hội đi làm về, thấy chồng cầm tiền chị phàn nàn “cho nó tiền nó chỉ uống rượu thôi, không cho con đâu”.

Ngay buổi chiều hôm đó chúng tôi đã ngồi lại với nhau để trao đổi và chốt với nhau rằng, đây là một chuyến thiện nguyện thất bại vì chúng tôi đã mang đến giúp đồng bào thứ chúng tôi có chứ không phải thứ đồng bào cần. Ở những chuyến thiện nguyện sau, chúng tôi luôn tìm hiểu thật kỹ phong tục, hoàn cảnh của nơi mình sẽ đến để có những món quà thiết thực nhất. Sau nhiều năm làm thiện nguyện, chúng tôi rút ra rằng: Nếu đến với đồng bào vùng vừa bị bão, lũ lụt thì thứ quý nhất là mì tôm, nước sạch, bột canh, xô đựng nước… Nếu đến với đồng bào nghèo thì cần nhất là gạo, cá mắm, mì chính, chăn, màn… Những thứ như quần áo cũ, giày dép, đồ dùng cũ… rất ít khi hữu dụng.

Thiện nguyện là một việc rất đáng làm vì nó không chỉ là sự chia sẻ yêu thương, giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn, mà nó còn là đạo lý của một dân tộc, tạo sự gắn kết tốt đẹp giữa con người với con người.

M.Tuấn

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top