Aa

Nghệ An: Cán bộ phường dùng đất công giao tư nhân xây dựng công trình để kinh doanh

Thứ Ba, 15/01/2019 - 03:20

5.000m2 được chủ đầu tư giao cho chính quyền địa phương xây khuôn viên, cây xanh, TDTT, nhưng UBND phường lại để cán bộ trong đội quy tắc tiến hành xây dựng nhà điều hành, 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, một sân bóng chuyền và bể bơi để kinh doanh thu lợi.

Công trình xã hội hóa hay “lợi ích nhóm”?

Khu Đô thị Nam Lê Lợi do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng địa ốc Bến Thành làm chủ đầu tư có tổng diện tích 9,26ha, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 418 năm 2016. Theo đó, đất xây dựng khu tái định cư 2.012,35m2, đất xây dựng khu ở mới là 80.674,42m2. Tháng 8/2018, các hạng mục trên đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhiều nhà liền kề, nhà biệt thự 3 tầng cũng được xây dựng, đưa vào sử dụng, trở thành khu đô thị sầm uất, hiện đại của TP. Vinh.

Riêng đất xây dựng các công trình công cộng có diện tích gần 10.000m2, trong đó gần 5.000m2 để xây dựng khuôn viên, cây xanh, TDTT cho cư dân đã được chủ đầu tư giao cho UBND phường Lê Lợi quản lý vào tháng 8/2018.

Tuy nhiên, thay vì xây khuôn viên cây xanh, TDTT, UBND phường Lê Lợi lại giao đất cho một cán bộ quy tắc của phường là ông Nguyễn Đình Sơn (53 tuổi), tiến hành xây dựng hàng loạt các hạng mục gồm: Nhà điều hành, 2 sân bóng đá lát cỏ nhân tạo, một sân bóng chuyền. Các hạng mục này không có trong các hạng mục quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 418/QĐ.UBND-XD ngày 26/01/2016 của UBND tỉnh Nghệ An trước đó cấp cho Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Bến Thành.

 Một trong 2 sân bóng đá rải thảm cỏ nhân tạo UBND phường xây dựng trái phép trên khu đất 5.000m2

Cũng trên diện tích 5000m2 đất để xây khuôn viên cây xanh này, UBND phường Lê Lợi còn cho phép ông Sơn xây một bể bơi có diện tích khoảng 300m2, sát với 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo và sân bóng chuyển.

Theo phản ánh của người dân địa phương, hiện các sân bóng đá và sân bóng chuyền trên khu đất này đã đưa vào kinh doanh gần 2 tháng nay, do người thân của vị cán bộ quy tắc kinh doanh, bán vé thu tiền hàng ngày với giá 250.000đ/giờ.

“Chúng tôi thấy vô lý, một công trình do tư nhân xây dựng trên đất công, chưa được cấp phép nhưng không thấy bất cứ lực lượng chức năng nào đến kiểm tra, kể cả chính quyền phường. Trong khi lúc gia đình tôi làm nhà, hết cán bộ Đội quản lý trật đô thị thành phố kiểm tra rồi đến cán bộ công chức quy tắc phường Lê Lợi vào yêu cầu trình giấy phép”, một người dân bức xúc nói.

Trước những bức xúc của người dân, PV Reatimes đã liên hệ với lãnh đạo UBND phường Lê Lợi để làm rõ về vấn đề này. Phó Chủ tịch phụ trách đô thị UBND phường Lê Lợi, ông Bùi Việt Hùng thừa nhận, các hạng mục trên chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. “Mục đích là UBND phường xã hội hóa xây dựng sân TDTT tại khu đất này, làm nơi vui chơi, sinh hoạt cho người dân trên địa bàn phường, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”, ông Hùng nói.

Theo lời Phó Chủ tịch phường Lê Lợi, việc xây dựng các công trình này là nhằm “xã hội hóa” đầu tư xây dựng. Nếu là công trình nhằm xã hội hóa thì tại sao lại không có trong các hạng mục quy hoạch chi tiết theo Quyết định của tỉnh Nghệ An?

   Sân chơi bóng chuyển trái phép cũng được xây dựng, hoàn thành và đưa vào kinh doanh.

Trao đổi với PV, Bí thư Đảng ủy phường Lê Lợi thừa nhận, việc UBND phường vội vàng cho tiến hành xây dựng các hạng mục khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là sai. “Đảng ủy phường đã họp và chỉ ra những cái sai của UBND phường và đề nghị Chủ tịch phường phải đình chỉ ngay việc đang thi công bể bơi, đồng thời báo cáo Thành ủy, UBND TP. Vinh để cho ý kiến chỉ đạo, xử lý”, Bí thư Đảng ủy phường Lê Lợi nói.

Lãnh đạo phường nói 530m2 đất của dân không thuộc diện đền bù

Năm 2016, ông Nguyễn Hồng Hân làm đơn gửi UBND phường Lê Lợi đề nghị chủ đầu tư là Công ty CP xây dựng địa ốc Bến Thành, đưa 530m2 đất lúa của mình vào diện đền bù như các hộ xung quanh. Nhưng UBND phường trả lời, diện tích đất của ông Hân không làm được chế độ bồi thường trong dự án Khu đô thị Nam Lê Lợi. Lý do khu đất của ông Hân là đất mồ mả trái quy định Nhà nước.

Nhưng sau đó, theo phản ánh của ông Hân, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi lại liên tục đến nhà ông Hân, vận động để đưa 530m2 đất này vào xây dựng các hạng mục trên khu đất 5.000m2.

Theo ông Hân, "nếu tính theo giá đền bù của chủ đầu tư là 1.600 nghìn đồng/m2, thì lô đất của tôi khoảng trên 700 triệu đồng. Nhưng nghĩ lãnh đạo phường đi lại vận động nhiều lần quá, tôi nể nang nên chấp nhận lấy 230 triệu đồng. Lãnh đạo phường cũng bảo đây là tiền hỗ trợ, không phải là tiền đền bù. Sau đó vài ngày, thấy ông Sơn cán bộ quy tắc đến nhà nói là gửi tôi số tiền hỗ trợ trên".

 Mỗi ngày có cả trăm lượt người đến chơi tại sân bóng đá thảm cỏ nhân tạo xây dựng trên khu đất 5.000m2 được Công ty Bến Thành giao quản lý xây dựng khu khuôn viên, cây xanh.

Trao đổi với PV, ông Thái Giáp Vinh, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi thừa nhận trong khu đất 5.000m2 có đất của ông Nguyễn Hồng Hân. “Đích thân tôi nhiều lần xuống nhà ông Hân vận động gia đình giao lại số đất trên cho phường, để UBND phường Lê Lợi sử dụng, xây dựng công trình phúc lợi”, ông Vinh nói và trình bày thêm: “Lãnh đạo phường chúng tôi buồn lắm, mỗi lần nghe dân ví von, cho rằng, phường bán đất, đến cái sân văn hóa, thể dục thể thao cũng không có. Vì vậy, phường phải quy hoạch lại”.

Vị Chủ tịch này cho biết, khi Công ty CP xây dựng địa ốc Bến Thành được phép đầu tư xây dựng khu đô thị trên, chủ đầu tư đã thanh toán cho các hộ có đất nông nghiệp trong khu đô thị Nam Lê Lợi. Riêng 530m2 đất của ông Hân thì không thuộc diện lập phương án đền bù theo quy định Nhà nước và cũng không tiến hành giải phóng mặt bằng.

“Do phường không có nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, để giải quyết nút thắt này, lãnh đạo UBND Lê Lợi thực hiện công tác xã hội hóa - vận động, kêu gọi cá nhân, tổ chức đứng ra xây dựng. Tuy nhiên, trước khi xây dựng, đích thân tôi đến gặp ông Hân vận động bàn giao 530m2 đất không được đền bù, giải phóng mặt bằng, để chính quyền sử dụng, xây dựng. Việc làm trên chúng tôi nhận thấy là sai. Sau nhiều lần vận động, ông Hân nhất trí lấy 230 triệu đồng và để lại khu đất”, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi nhấn mạnh.

“Trước thời điểm thực hiện công tác xã hội hóa, có 3 người đến nhận xây dựng xây dựng các hạng mục trên. Lãnh đạo phường đã loại một người, còn hai người, trong đó có ông Nguyễn Đình Sơn, đội quy tắc phường. Sau đó, phường quyết định để ông Sơn đứng ra đảm nhận việc xây dựng. Vì ông Nguyễn Đình Sơn là xã viên HTX Xuân Thành, có đất nông nghiệp thu hồi cho dự án, và ông Sơn là người đứng ra hỗ trợ cho gia đình ông Hân 320 triệu đồng”, ông Hùng lý giải thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top