Công trình cầu Cửa Hội bắc qua Sông Lam, kết nối thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) nằm trên tuyến đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010.
Tiếp đó, tháng 8/2017, Bộ GTVT đã phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trên quốc lộ 8B, theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.660 tỷ đồng (trong đó bao gồm nguồn vốn của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để thực hiện công tác GPMB, nguồn vốn của Nhà đầu tư và phần còn lại hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương).
Theo đó, công trình cầu Cửa Hội dự kiến được đầu tư với quy mô: Tải trọng thiết kế cầu: HL-93; đường dẫn thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm: 03 nhịp chính khẩu độ 135m đúc hẫng cân bằng; các nhịp dẫn dầm Super T. Tổng chiều dài khoảng 6,2km, trong đó phần cầu dài 1,63km, phần đường dẫn dài 4,57km. Bề rộng cầu = 12m gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và gờ lan can. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ kết nối với đường Bình Minh, đường tỉnh lộ ĐT535, đường ven sông Lam với huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, tiếp nối với Quốc lộ 8B (tuyến đường ĐT541), tuyến đường ven biển. Ngày 26/6/2017 Công trình đã được khởi động tại TX Cửa Lò Nghệ An.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình khởi động dự án đã xảy ra nhiều bất cập và không phù hợp. Cụ thể, nếu triển khai theo hình thức BOT thì xuất hiện thêm 1 trạm thu phí thứ 3 vì đã có đã có 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Cầu Bến Thủy 2. Do đó, nó sẽ ảnh hướng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia giao thông, quyền lợi của nhân dân.
Một nguyên nhân nữa là do tuyến đường ven biển Việt Nam chưa được tiến hành xây dựng qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nên phương án thu hồi nguồn vốn nếu đầu tư theo hình thức BOT sẽ khó khả thi.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, nhà đầu tư là phải miễn giảm lệ phí cho người dân sinh sống vùng lân cận các trạm thu phí đường bộ nên phương án tài chính để nhà đầu tư BOT hoàn vốn rất khó.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư BOT không mặn mà khi tiến hành rót vốn xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Từ tình hình thực tế đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ dừng triển khai dự án cầu Cửa Hội theo hình tức BOT, thay vào đó là việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công.
Theo hình thức đầu tư công, Bộ GTVT cùng với 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như các bộ, ngành liên quan đã thống nhất xây dựng cầu Cửa Hội với kinh phí là 950 tỷ đồng chỉ thực hiện trong phạm vi phần vốn Nhà nước đã cân đối, bố trí cho dự án, thay vì 1.669 tỷ dự kiến trước đó.
Ngoài ra, việc thực hiện phương án đầu tư công để xây dựng cầu Cửa Hội cũng sẽ triển khai nhanh hơn so với phương án triển khai theo hình thức BOT khoảng 1 năm do không phải thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư.
Và, sau khi được Chính phủ và các ban, ngành Trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư công, dự kiến cầu Cửa Hội sẽ tiến hành thi công vào ngày 2/9/2018 và hoàn thiện, đưa vào sử dụng vào ngày 2/9/2019, thời gian hoàn thành 12 tháng. Phương án xây dựng cầu chính kết hợp giữa cầu dây văng và cầu đúc hẫng, bề rộng cầu 16m.
Công trình cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam là mơ ước của người dân xứ Nghệ bao đời nay. Đặc biệt, cầu Cửa Hội hoàn thành sẽ mở ra nhiều hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần tăng sức hấp dẫn và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh và vùng Bắc Trung Bộ./.