Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn có 166 dự án đầu tư xây dựng đô thị, khu chung cư, dân cư được phê duyệt, cấp phép với hơn 45.000 căn hộ chung cư, biệt thự liền kề.
Không gian đô thị bị “băm nát”
Nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn trong nước cũng đã đầu tư các dự án đô thị trên địa bàn TP Vinh cũng như các thị xã, trung tâm huyện lỵ trên địa bàn Nghệ An như: Tập đoàn T&T, Golden city, Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn, Tecco, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô, Công ty CP Xây dựng Vinaconex, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Thành, Công ty CP Đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội số 30…
Tổng mức đầu tư các dự án xây dựng đô thị, chung cư, biệt thự liền kề hiện nay trên địa bàn Nghệ An ước tính lên đến hơn 60.000 tỷ đồng. Thời gian qua đã có hơn 1.000ha đất được tỉnh Nghệ An tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, GPMB cho các dự án phát triển đô thị.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì hệ thống các chung cư cao tầng mọc lên ở TP Vinh hiện nay cũng đang tồn tại nhiều bất cập so với quy hoạch đã được phê duyệt, thẩm định ban đầu.
Cụ thể, nhiều toà nhà chung cư cao tầng sau khi hoàn thiện, đưa vào sử dụng thì cơ sở vật chất như điện – nước – trường học, cây xanh… không đảm bảo như cam kết ban đầu của chủ đầu tư. Đặc biệt, nhiều chung cư đã cố tình “bớt xén” không gian sinh hoạt cộng đồng khiến người dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Đơn cử như chung cư Kim Thi tại phường Quán Bàu, chung cư Đệ Nhất ở phường Hưng Bình, Chung cư CT1… bị “bớt xén” không gian sinh hoạt cộng đồng, tầng hầm để xe khiến người dân sinh sống ở đây bức xúc.
Đặc biệt, hiện nay TP Vinh vẫn còn xảy ra tình trạng các vị trí đất “vàng” bị “băm nát”, chia nhỏ, bớt xén không gian sinh hoạt cộng đồng gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng rất lớn tới hạ tầng xã hội. Ngoài ra, tại nhiều tuyến phố, tình trạng xây dựng nhà ở, toà nhà trung tâm thương mại, chung cư một cách tuỳ tiện đã làm xáo trộn quy hoạch đô thị.
Cá biệt, có nhiều dự án khu đô thị đã phá vỡ quy hoạch, thiếu tính thống nhất về hạ tầng đô thị. Công tác quản lý nhà nước chưa nghiêm còn dẫn đến tình trạng “bật đèn xanh” cho các nhà đầu tư tự ý điều chỉnh quy hoạch từ khu đô thị nhà ở liền kề thành chung cư vẫn còn xảy ra…
Hệ luỵ có thể xảy ra
Theo ông Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thì thực tế một số công trình trong quá trình thi công chung cư trong thời gian qua đã không báo cáo đầy đủ thông tin với các cơ quan chức năng. Nhiều công trình khi đưa vào sử dụng không được thẩm định chất lượng theo đúng quy định. Chưa kể, năng lực thi công xây dựng tại một số dự án đô thị chưa đảm bảo theo yêu cầu đặt ra…
Còn theo tìm hiểu của phóng viên thì việc thẩm định, đánh giá hạ tầng đô thị là vấn đề quan trọng để xây dựng không gian đô thị một cách khoa học, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai. Trên thực tế, không gian quy hoạch đô thị cũng đã được các cơ quan chức năng phản biện rất kỹ và phê duyệt ban đầu để làm các thủ tục cần thiết cấp phép cho nhà đầu tư vào xây dựng. Tuy nhiên, sau khi được cấp phép, thẩm định thì nhiều doanh nghiệp lại cố tình phá vỡ quy hoạch ban đầu.
Thực tế, nhà đầu tư khi tiến hành xây dựng xong, họ chỉ quan tâm tới việc sinh lợi trước mắt chứ chưa quan tâm, chú trọng tới các công trình phúc lợi, dân sinh đi kèm với quy hoạch cam kết ban đầu. Nghĩa là, họ xây dựng chung cư xong miễn sao bán thật nhanh để thu hồi vốn chứ các hạng mục đi kèm chưa quan tâm. Điều này đã khiến cho hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến quá tải.
"Nếu vấn đề hạ tầng đô thị không được quan tâm kịp thời thì hệ luỵ liên quan đến không gian sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong tương lai gần. Chính vì vậy, công tác giám sát, kiểm tra quá trình xây dựng của nhà đầu tư đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm phải thực hiện, nhất là hệ thống công trình chung cư cao tầng hiện nay" - một chuyên gia bất động sản cho biết.