Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/11/2022, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 92 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 28.390,9 tỷ đồng; điều chỉnh 98 lượt dự án (trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 33 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 13.224 tỷ đồng).
Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.614,9 tỷ đồng, tăng 50,91% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là kết quả đáng khích lệ, bước tiến mạnh mẽ của cả tỉnh trong bối cảnh tình hình thế giới đang có sự biến động phức tạp, tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng.
Giai đoạn đầu năm 2022 đến nay, Nghệ An cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế phù hợp với tình hình mới, nhằm “gia tăng” cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào địa phương.
Theo đó, tỉnh đã tổ chức thành công các hội nghị trực tuyến với chính quyền tỉnh Gifu (Nhật Bản), chính quyền bang Haryana (Ấn Độ); thiết lập quan hệ hữu nghị với thành phố Gwangju (Hàn Quốc); ký kết Biên bản ghi nhớ với Liên đoàn Sản xuất Singapore về hợp tác đầu tư và thương mại nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Ngoài ra, tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Các sự kiện diễn ra sôi nổi, phát huy hiệu quả cao, qua đó tăng cường hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới với các đối tác tiềm năng. Đây cũng là cơ hội để quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách đầu tư của tỉnh; đồng thời nói lên tinh thần đồng hành, chủ động của lãnh đạo tỉnh trong cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch,… tại Nghệ An.
Đặc biệt, dấu ấn lớn nhất trong năm 2022 mà tỉnh Nghệ An đạt được, đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất từ trước đến nay, đóng góp rất lớn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, lần đầu tiên tỉnh Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 10/11/2022 là 935,22 triệu USD.
Trong đó, một số dự án công nghiệp tầm cỡ nhằm tăng năng lực sản xuất mới như: Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử Goerteck 1-2 (điều chỉnh tăng 400 triệu USD); Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare – ICT 2 (150 triệu USD); Nhà máy Khoa học kỹ thuật Kim loại Tân Việt (125 triệu USD)… Một số dự án lớn trên địa bàn đã được khởi công xây dựng, như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Everwin Precision Việt Nam, Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô JuTeng, khánh thành Nhà máy may Nakano Nhật Bản,…
Ngoài ra, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An trong năm 2022 cũng thu được nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, tính đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh đã thành lập mới 2.706 doanh nghiệp, tăng 23,33% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số vốn điều lệ đăng ký 21.813 tỷ đồng; có 827 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 128 doanh nghiệp so với cùng kỳ 2021.
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ nói trên, lãnh đạo tỉnh đã liên tục đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm. Chỉ đạo sát sao các ngành, địa phương tích cực đồng hành với các nhà đầu tư để tập trung hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng (như các KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Thọ Lộc, Hoàng Mai II) và các dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện (như cảng nước sâu Cửa Lò, JuTeng, Everwin…).
Đồng thời, triển khai thực hiện thực chất, có hiệu quả Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 đã được phê duyệt.
Tiếp tục ưu tiên bố trí vốn để triển khai hoàn thành các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư, đồng hành với các nhà đầu tư hạ tầng để kêu gọi xúc tiến các nhà đầu tư thứ cấp.
Đặc biệt, ban hành Quyết định số 2156/QĐ-UBND ngày 18/7/2022 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp quản lý dự án trên địa bàn; tiến hành rà soát 271 dự án đầu tư có dấu hiệu chậm tiến độ, không triển khai; đồng thời thành lập Đoàn kiểm tra và danh mục dự án kiểm tra trong năm 2022 đối với 139 dự án; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án treo, chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An;...
Tuy nhiên, qua nhìn nhận thực tế, vẫn còn một số tồn tại mà tỉnh cần tập trung tháo gỡ. Nghệ An vẫn thiếu các dự án mang tính tầm cơ, lan tỏa cao; nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay. Do vậy thời gian tới, Nghệ An cần tiếp tục xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với những đối táng, ngành nghề, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp. Tập trung hỗ trợ và giải quyết các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc đối với 3 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng chiến lược: Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty CP WHA Nghệ An và Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt để hình thành các cực tăng trưởng về kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, cung ứng nguồn lao động có chất lượng để thu hút các dự án đầu tư lớn mang tính động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.