Trong nhiều năm qua, Nghệ An đã đặc biệt quan tâm lĩnh vực thu hút đầu tư, cùng với đó là tập trung cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời, đồng hành cùng nhà đầu tư để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi đầu tư vào Nghệ An.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã đón tiếp và làm việc với nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh vào Nghệ An. Thông qua các Tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư, hàng trăm dự án đã triển khai thuận lợi, hiệu quả.
Như chuỗi các dự án do Ngân hàng Bắc Á tài trợ tín dụng và tư vấn đầu tư có 21 dự án với tổng vốn đăng ký 65.697 tỷ đồng; Dự án chăn nuôi và chế biến sữa quy mô công nghiệp tập trung TH, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Dự án trồng rau và hoa trong nhà kính, vốn đầu tư 2.423 tỷ đồng, quy mô diện tích 520 ha; Dự án Nhà máy gỗ Nghệ An, vốn đầu tư 1.896 tỷ đồng...
Tổng Công ty rượu, bia và nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đầu tư hai dự án, tổng vốn đăng ký 2.188 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đầu tư 4 dự án, với tổng số vốn đầu tư trên 7.500 tỷ đồng (bao gồm Khách sạn Dầu khí Phương Đông, dự án Quỳnh Lưu Plaza, Tòa nhà Dầu khí Nghệ An, Thủy điện Hủa Na).
Đặc biệt là dự án VSIP- Nghệ An tại Khu Kinh tế Đông Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. VSIP - Nghệ An trở thành dự án thứ 7 của VSIP tại Việt Nam sau các VSIP tại các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, TP. Hải Phòng, Quảng Ngãi và Hải Dương. Tổng diện tích 750ha. Tổng vốn đầu tư mà các nhà đầu tư đã đầu tư vào gần 800 công ty ở các khu VSIP đã lên đến gần 8 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 155 nghìn lao động.
Gần đây nhất là động thổ khởi công Dự án Khu Công nghiệp WHA Hemaraj - Nghệ An có tổng mức đầu tư 1 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng, tại khu Khu kinh tế Đông Nam (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Tất cả những dự án đầu tư vào Nghệ An được lãnh đạo tỉnh này cam kết, triển khai, đảm bảo nguồn GPMB, các công trình hạ tầng khác đến chân công trình các dự án; từng ngành một liên quan phối hợp thực hiện các thủ tục cho các nhà đầu tư.
Tỉnh thành lập trung xúc tiến đầu tư đặt tại trụ sở UBND tỉnh mục đích để giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhất cho các nhà đầu tư.
“Chúng tôi đã phân công mỗi đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách một số dự án thuộc phạm vi trong khối của mình rất cụ thể và đã được giải quyết hàng ngày, hàng giờ khi nhà đầu tư có yêu cầu. Qua đó, các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn tỉnh thuận lợi và có hiệu quả nhất. Nghệ An không thu hút các dự án bằng mọi giá, phải đảm bảo môi trường, an sinh xã hội lâu dài”, ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh với phòng viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh đạt được trong thu hút các nhà đầu tư, vẫn còn không ít dự án sau khi được cấp phép nhưng không thực hiện như cam kết ban đầu, không thực hiện bất cứ thủ tục tiếp theo để thực hiện dự án, văn bản pháp lý liên quan đã hết hiệu lực.
Giai đoạn 2014 - 2017, UBND tỉnh Nghệ An thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 357 lượt dự án. Trong đó, năm 2014 kiểm tra 75 dự án; năm 2015 kiểm tra 74 dự án; năm 2016 kiểm tra 103 dự án và năm 2017 kiểm tra 105 dự án, quyết định thu hồi, hủy bỏ tổng cộng 62 dự án “treo”.
Cụ thể năm 2014, thu hồi 24 dự án; Năm 2015 thu hồi 12 dự án, năm 2016 thu hồi 27 dự án. Như: Dự án Trung tâm sinh thái, sinh vật cảnh tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh của Hội sinh vật cảnh Nghệ An.
Dự án Khu đô thị Viễn thông và Công nghệ thông tin (diện tích quy hoạch 7,78 ha) tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện.
Dự án Cải tạo môi trường và xây dựng khu dịch vụ thương mại, nhà ở tổng hợp (diện tích quy hoạch 135,9 ha) tại các phường: Đông Vĩnh, Đội Cung và Cửa Nam của Công ty CP Đầu tư xây dựng và ứng dụng Công nghệ mới TECCO.
Dự án Trường Đại học công nghệ Miền Trung (diện tích quy hoạch 27,691 hà) tại các xã Nghi Ân và Nghi Đức, TP. Vinh của Công ty CP đào tạo và phát triển nguồn nhân lực miền Trung.
Dự án Khu đô thị mới Đông Hưng (diện tích quy hoạch 98,5 ha) tại phường Long Sơn và xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa của Công ty cổ phần Đầu tư và tư vấn doanh nghiệp VNS.
Dự án Khu du lịch sinh thái biển kết hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí (diện tích quy hoạch 1,9 ha) tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu của Công ty TNHH Đức Trà (trước đây là Công ty TNHH ô tô Hoàng Trà). Dự án Khu đô thị Phủ Quỳ Happy Land (diện tích quy hoạch 79,8 ha) tại các xã: Nghĩa Tiến và Tây Hiếu - Thị xã Thái Hòa của Công ty cổ phần AddCom Land.
Dự án Trung tâm dịch vụ thương mại Long Sơn tại phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa của Công ty Hồng Hà. Lý do là các Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng nhưng sau nhiều năm vẫn “đắp chiếu” không thực hiện bất cứ thủ tục gì tiếp theo để thực hiện dự án, văn bản pháp lý liên quan đã hết hiệu lực. Thậm chí, có dự án ôm quỹ “đất vàng” chia lô, “bán chui” nhiều lô đất cho các chủ sở hữu khác nhau để trục lợi.
Riêng năm 2017, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thành lập các đoàn kiểm tra 105 dự án đã được chấp thuận cho nhà đầu tư thuê đất xây dựng dự án. Phát hiện đang tồn tại khoảng 30 dự án xây dựng chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp tại các vị trí sinh lợi nhưng đến nay vẫn chưa triển khai theo đúng tiến độ cam kết, hoặc triển khai chậm tiến độ. Hiện UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 3 dự án.
Riêng trên địa bàn TX. Cửa Lò qua kiểm tra phát hiện hàng chục dự án chậm tiến độ như các dự án: Khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty Cổ phần du lịch Hà Nội; Khu Liên hợp khách sạn du lịch và biệt thự chung cư cao cấp Thị xã Cửa Lò; BMC Cửa Lò PLAZA; Bến cảng Hà Dung; Khu nghỉ dưỡng Sông Hồng; Khu chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ; Trung tâm chăm sóc người cao tuổi; Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân.
Đối với các dự án đã triển khai xây dựng, đang trong thời gian gia hạn, lãng đạo tỉnh này chỉ đạo UBND các cấp huyện, thị xã đôn đốc, theo dõi và tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai, đề xuất giải quyết các vướng mắc khó khăn.
Đối với các dự án đã cho gia hạn tiến độ và trong thời gian triển khai thực hiện, lãnh đạo tỉnh Nghệ An giao UBND các huyện, thành, thị đôn đốc, theo dõi, nắm bắt tình hình triển khai các dự án của các chủ đầu tư. Định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh tình hình triển khai thực hiện để chỉ đạo, không để dự án “treo” trên “đất vàng”./.