Vào ngày 12/1 tới đây, cổ phiếu HNA của Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na sẽ chính thức giao dịch sàn HoSE. HNA thuộc diện chuyển giao dịch từ sàn UPCoM sang Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) từ ngày 01/12/2023. Đây là cổ phiếu đầu tiên lên sàn HoSE trong năm 2024.
Theo đó, ngày 28/12/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh ban hành Thông báo số 2052/TB-SGDHCM về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu CTCP Thuỷ điện Hủa Na.
Mã chứng khoán HNA mệnh giá 10.000 đồng có số lượng đăng ký niêm yết 235.232.210 cổ phiếu; giá trị chứng khoán niêm yết hơn 2.352 tỷ đồng. Giá tham chiếu ngày chào sàn là 18.350 đồng/cổ phiếu và biên độ phiên giao dịch ngày đầu tiên là 20%. Như vậy, ước tính ngày chào sàn, CTCP Thủy điện Hủa Na được định giá hơn 4.316,5 tỷ đồng.
Theo tài liệu của Reatimes, CTCP Thủy điện Hủa Na thành lập ngày 16/5/2007, đăng ký địa chỉ trụ sở tại Tầng 9, Tòa nhà Dầu khí, số 7, phường Quang Trung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh điện năng.
Chủ tịch HĐQT của Thuỷ điện Hủa Na là ông Hoàng Xuân Thành. Người đại diện theo pháp luật kiêm giám đốc công ty là ông Bùi Huy Thành (SN 1980 - Nghệ An). Người đại diện công bố thông tin là ông Nguyễn Xuân Sơn - chức danh phó Giám đốc.
Thuỷ điện Hủa Na được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 1.200 tỷ đồng bởi 2 cổ đông là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Thủy điện Hủa Na đã có 4 lần tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, năm 2009, Thủy điện Hủa Na tăng vốn điều lệ từ 1.200 tỷ lên 1.800 tỷ đồng. Ngày 29/3/2012 tăng vốn điều lệ lên 2.010 tỷ đồng. Ngày 29/12/2016 tăng vốn điều lệ lên 2.256.59 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2020 tăng vốn điều lệ lên 2.352.32 tỷ đồng và duy trì đến ngày nay.
Tại ngày 30/9/2023, danh tính các cổ đông góp vốn, gồm: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) hơn 1.898 tỷ đồng (80,72% CP); Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (hơn 87,2 tỷ đồng - 3,71% CP); Ngân hàng TMCP Bắc Á (115,5 tỷ đồng - 4,91% CP); Ngân hàng TMCP Quân Đội (105,5 tỷ đồng - 4,46% CP) và các cổ đông khác hơn 145,8 tỷ đồng (6,20% CP).
Kết quả kinh doanh và thu nhập của ban lãnh đạo
Về hoạt động kinh doanh, Công ty hiện quản lý, vận hành Nhà máy thủy điện Hủa Na thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nhà máy có công suất thiết kế 180 MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 7.092 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình năm là 712,7 triệu kwh.
Về tình hình kinh doanh, tính riêng quý III/2023, doanh thu của Thuỷ điện Hủa Na đạt hơn 237,4 tỷ đồng, giảm 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí khác... tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 105,5 tỷ đồng, giảm 161,6 tỷ đồng so với quý III/2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu công ty đạt hơn 521,3 tỷ đồng, trong đó giá vốn hàng bán hơn 323,6 tỷ đồng (chiếm hơn 62%); Lợi nhuận gộp đạt hơn 197 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí như lãi vay hơn 28 tỷ đồng, chi phí quản lý hơn 20,4 tỷ đồng... tổng lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng (giảm hơn 62,8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trên bảng cân đối kế toán giữa niên độ, tổng tài sản của Thuỷ điện Hủa Na tại ngày 30/9/2023 đạt 3.575 tỷ đồng, giảm 9,28% so với số đầu kỳ. Trong đó, chiếm chủ yếu là tài sản cố định hơn 3.017 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hơn 314,3 tỷ đồng. Cụ thể, nợ ngắn hạn hơn 204,9 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 109,3 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 130,5 tỷ đồng, dài hạn là 108,9 tỷ đồng.
Về con người và thu nhập, Thuỷ điện Hủa Na cho biết hiện có tổng cộng 117 nhân sự; Tổng chi phí quản lý doanh nghiệp từ đầu năm đến thời điểm công bố (30/9/2023) là hơn 20,4 tỷ đồng, trong đó, chi phí nhân viên quản lý hơn 12,1 tỷ đồng.
Riêng thu nhập của HĐQT và Ban Giám đốc hơn 4,161 tỷ đồng, ban kiểm soát hơn 889 triệu đồng. Cụ thể, người có thu nhập cao nhất là ông Hoàng Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT (hơn 841,8 triệu đồng); ông Bùi Huy Thành - Giám đốc, thành viên HĐQT (hơn 807,4 triệu đồng); ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Giám đốc, Uỷ viên HĐQT (hơn 785,6 triệu đồng);
Ông Đoàn Văn Trường - Phó Giám đốc (hơn 765,3 triệu đồng); ông Nguyễn Trọng Thạch - Phó Giám đốc (755 triệu đồng); ông Lê Hải Long - Uỷ viên HĐQT (hơn 103,1 triệu đồng) và ông Vũ Văn Tâm (thu nhập hơn 103,1 triệu đồng).
Thay đổi để "bay cao"
Cuối năm 2023, CTCP Thủy điện Hủa Na đã phối hợp với hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư. Chương trình đã thu hút hơn 100 khách mời là các quỹ đầu tư, các chuyên viên phân tích đầu tư từ các công ty chứng khoán, các chuyên gia tài chính và đông đảo các Nhà đầu tư chứng khoán...
Theo Ban lãnh đạo Thủy điện Hủa Na và đại diện của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP, việc niêm yết cổ phiếu trên HoSE có nhiều ý nghĩa trong chiến lược phát triển của Công ty, giúp khẳng định sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, phát huy hơn nữa về hình ảnh và mở rộng hoạt động kinh doanh của CTCP Thủy điện Hủa Na trong tương lai.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, câu hỏi được các Nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất là tình hình hoạt động hiện tại của Nhà máy Thủy điện Hủa Na và kế hoạch phát triển trong tương lai.
HNA đánh giá kết quả kinh doanh giảm do lưu lượng nước hồ quý III/2023 chỉ đạt 134,61 m3/s bằng 68,13% so với quý III/2022 (195,57 m3/s). Dẫn đến, sản lượng điện quý III/2023 là 192,37 triệu kWh, thấp hơn 113,71 triệu kWh, giảm 44%.
Dù vậy, với năng lực và dự án hiện có, CTCP Thủy điện Hủa Na tin tưởng về khả năng hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trong dài hạn. Đồng thời thông tin đã hoàn thành 99,4% kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (ước tính cả năm nay công ty sẽ ghi nhận 755 tỷ đồng doanh thu và 217 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).
Nói về tương lai, doanh nghiệp này cho biết hiện đang tập trung đánh giá tiềm năng kinh doanh của Nhà máy thủy điện Nậm Nơn 20MW tại Nghệ An và Dự án Nhà máy thủy điện Sơn Trà 1D 12MW ở Quảng Ngãi.
Ngoài ra, công ty cũng nghiên cứu thực hiện dự án điện mặt trời ở lòng hồ thủy điện Hủa Na. Đồng thời, đang có kế hoạch tìm kiếm, nghiên cứu các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ tại Nghệ An, Thanh Hóa và vùng Tây Nguyên trong năm 2024.