Nghề báo, thời của tôi chụp ảnh phim đen trắng. Đến giờ, ngồi lật giở album, ký ức vẫn ở lại trong lòng tôi, không đen trắng.
Vào những năm 1990, thuở chụp phim đen trắng ấy, máy ảnh cần có những cuộn phim đem theo để chụp choẹt, rồi cất khư khư trong túi nilon, bọc kỹ càng bởi nhỡ như gặp mưa thì coi như tài sản sau chuyến đi bằng không. Ngoài ảnh phim, một thời, cả thế hệ làm báo ghi chép bằng bút máy bút bi, sổ ghi chi tiết, ít khi bị xóa hay mất thông tin như trên máy tính thời hiện đại. Thuở làm báo ấy đã đi vào quá vãng. Bây giờ chỉ còn thế hệ người viết của thế kỷ cũ mới hay ngoảnh lại nhớ giấy mực mà thôi. Cuốn sổ tay ghi chép và bút mực, lật giở lại xem thư viết tay và ảnh đen trắng.
Ảnh đen trắng, chẳng ngờ nó làm thức giấc bao nhiêu kỷ niệm đẹp, những chuyến đi ngắn ngày cũng có, dài ngày cũng có của nghề báo đầy mạo hiểm và cũng đầy can đảm. Hơn hai năm dịch Covid-19, ai ai cũng ngồi im trong nhà, nếu không có những cuốn album ảnh đen trắng, mà tôi ghi chép bằng hình ảnh trong những chuyến đi, chắc sự lãng quên cũng vùi trong quên lãng. Ảnh đen trắng ghi lại nhiều vẻ đẹp với độ ánh sáng khác nhau. Lối mòn. Nhà cửa phai màu phế tích ghi dấu thời gian lịch sử. Ảnh ghi phận người trên bia đá ở Lam Kinh (Thanh Hóa), bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội), chữ trong từ đường kinh đô Huế. Tượng gỗ và dấu người trên Tây Nguyên, rẽ qua những thị trấn cũ kỹ ven biển, chiều muộn với bà con người Mông ở Sìn Hồ (Lai Châu). Có lần dừng tại một ngôi chùa cổ ở Luang Prabang, hay chiều chiều chỉ ngồi nướng cá bên sông Nậm Khan ở đất nước Triệu Voi. Hay khi dấu giày vừa đến một thánh tích hiu vắng đến hoang vu ở miền Tây nước Ấn… Ảnh đen trắng ánh lên, hắt lên trong ký ức.
Tôi hay tự hỏi nếu con người không có ký ức, thì sẽ sống ra sao nhỉ? Giống như người không có tài sản giá trị về tinh thần thì đời sống có còn lại gì, sống có ý nghĩa không? Hẳn cũng sẽ có người giàu có, sống trong xa hoa mà chẳng có gì về đời sống tinh thần. Nếu không biết cách sống chất lượng, sống có ý nghĩa, cuộc sống đôi khi trở nên vô nghĩa với chính mình.
Ai cũng có quê hương, ngõ hẹp với phố nhỏ, nơi mình sinh ra, lớn lên và lập nghiệp. Có nhiều người xê dịch rộng sẽ có sự hiểu biết phong phú, đa dạng về nhiều vùng đất trù phú. Ví dụ nghề báo, đi nhiều, đi xa, gặp những người Việt kiều ở nước ngoài hay khắc khoải nhớ quê, họ ngoảnh lại ký ức để kiêu hãnh hay tiếc nuối? Tôi có một người bạn sống ở ngoại ô thủ đô Budapest (Hungary). Nhiều năm xa quê, cư ngụ trên đất khách để sống, và để chết. Trước khi ra đi, trong tay bà vẫn nắm giữ một tấm ảnh đen trắng đã mờ nhòe, chân dung bé nhỏ của người mẹ ở khu vườn vùng trung du Phú Thọ - một miền quê xưa tuyệt đẹp mà còn muôn vàn nghèo khó. Nghề báo giúp cho tôi có cơ hội gặp gỡ những người Việt kiều tha phương sinh sống và hân hoan khi cùng nói tiếng Việt, nước mắt chợt rơi khi trái tim còn chưa quá đát. Chỉ vì rất khắc khoải nỗi quê nhà, nhớ người thân xứ sở của mình.
Nghề báo cũng cho tôi nhiều cơ duyên gặp gỡ người Việt ở xứ người, với những nghĩ ngợi day dứt về nhiều thân phận sau mỗi chuyến đi. Ảnh đen trắng của những năm 1980 đến 1990, những thời khắc và phận người cũng đổi thay muôn phần. Tôi cầm tấm ảnh đen trắng, nhớ sư thầy kể về chị Kim Sơn, người đã dành dụm cả đời ở bên Mỹ để có tiền mua chiếc vé về Việt Nam lần cuối. Nhưng đến lúc muốn về quê lại không còn sức để đi, chị Kim Sơn đã chuyển tất cả số tiền dành dụm đời mình, không mua vé về quê Việt, mà gửi tặng cho sư thầy để giúp trẻ em nghèo có sách vở đến trường. Những người Việt ở muôn phương từng lặng lẽ làm việc thiện với đồng tiền họ kiếm ra. Nó vô giá, và rất nặng tình nghĩa trong thời khắc ấy. Dù có thể mọi thứ sẽ trôi vào lãng quên. Nhưng sự cứu rỗi rất nhiều con người nghèo khổ thì không thể dễ dàng quên lãng trong ký ức nhà báo, hay người viết.
Nghề báo được đi nhiều, đã cho tôi thật nhiều cảm xúc non trẻ khi gần gụi với thiên nhiên, thác nước và rừng cây ở trên từng cây số. Nó cho thấy phận người rất nhỏ bé, mong manh trước biển lớn và rừng già. Có lúc lại ngồi nhớ cái màu hoa cát cánh ở Tả Van Chư, Lùng Phình (Lào Cai). Tháng sáu này lại nhớ dây dưa cả cánh rừng toàn cây bồ kết lá đang đỏ thẫm trời chiều ở Bản Liền, Bắc Hà, cách thành phố Lào Cai không bao xa. Màu lá đỏ của bồ kết mà ai ở phố thị thì thật khó biết đến. Nó ám ảnh cả chiều khi nhớ rừng. Hay như nhớ một mùa mận tam hoa chín nẫu chiều chiều Mộc Châu (Sơn La).
Rồi hương thơm lắt lay một vườn hồng cổ Sa Pa còn ngát trên vạt áo. Thấy nhớ hoa hồng ở Sa Pa chứ không phải vườn hoa hồng nổi tiếng ở Budapest. Xứ Hung nổi tiếng cả thế giới về hoa hồng, mà tôi thì chỉ nhớ hoa hồng cổ, hoa hồng ta ở nước Việt.
Đi, nhìn ra xa rộng, mà lòng mình hướng nội. Đi, mới nhìn sâu vào quê hương, nó giữ vị và hương trong hồn người Việt thật sâu nặng, dù bạn có xê dịch ngàn dặm, dù bạn có ngược ngàn, có chinh phục Everest thì về tới đỉnh núi Fansipan vẫn thấy gần gũi với đá núi hơn ở nơi đá núi xứ tuyết kia. Những phát hiện giúp ta nhìn sâu vào cảm xúc, thế giới nội tâm của mình, và cũng còn tùy thuộc vào nhiều chuyến đi của nghề báo. Nhất là nhà báo chọn đi sâu vào chuyên ngành văn hóa, muốn khám phá hết văn hóa của nhiều vùng đất trên nước Việt có khi dành cả cuộc đời vẫn không thể đủ, chẳng nói gì đến khám phá văn hóa các nước bạn, còn khác biệt biết bao nhiêu về ẩm thực, lối sống và sự đi lại.
Thế giới vốn mênh mông, nghề báo đã giúp cho nhiều phóng viên đi dài rộng và từng trải hơn, bồi đắp kinh nghiệm sống của cuộc đời ký giả. Một lần lên núi ở miền sơn cước Vân Nam (Trung Quốc), nghe thấy một tiếng hát dân ca đồng nội vừa ngân lên trong núi đá rất vang, khi đi lại gần thì nghe rõ thêm cả tiếng chổi quét lá. Một tiều phu vừa hát vừa quét lá nơi ngôi chùa gần đó. Nhìn quanh chỉ có dãy núi đá đứng nghe tiều phu hát. Và tôi chết lặng trong tiếng du dương của hơi thở con người bên đá xám. Giọng trầm đục mà hay, chỉ còn biết chôn chân đứng nghe. Vì sao con người cô đơn đến vậy? Họ sống bên rừng và rừng núi nuôi họ, họ không đi ra khỏi rừng và núi đá ấy, rồi sau này có khi gửi gắm cả cái chết ở nơi đó. Đi, đã giúp tôi chạm đến nỗi cô đơn của người ở núi.
Cũng như khi đi núi ở Sìn Hồ, Lai Châu, tôi gặp những người con gái H'Mông đi cả ngày lấy củi, họ nghỉ chân bên dốc rồi gùi củi sau cả ngày đường. Ảnh đen trắng đã giúp tôi nhớ lại, bà mế già người Mông cứ cõng cháu trên lưng hát ời ời ven cổng trời. Sau này trở lại với dân bản địa, họ chỉ cho cái nấm đất cao cao kia giống như chiếc lồng bàn đất trên gò núi, là nơi bà cụ ru cháu năm xưa yên nghỉ. Cả đời bà chưa ra khỏi bản và xa cổng trời. Có những phận người sống bên núi đá và chết bên núi đá. Ngàn thu. Chìm trong lãng quên.
Ảnh đen trắng khi lật giở, còn làm thức giấc ký ức của mỗi nhà báo, thử hỏi họ đã đi và viết ra sao trong nghề? Thực chất người làm báo khó quên nghề nghiệp của mình. Nghề phải đi và viết bất kể lúc nào khi hằng tuần đến hạn nộp bài. Nhớ nghề, nhớ ảnh đen trắng, đôi khi tôi hẹn với mình sẽ bỏ viết, bỏ chụp ảnh, nhưng rồi trên từng cây số, nhớ nghề quá lại viết, lại chụp như thôi miên, để cho sự lãng quên đừng trôi đi./.