Aa

Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Khống chế đại trà là cố chấp?

Chủ Nhật, 14/07/2019 - 05:00

Một quy định đưa ra với một mục tiêu rõ ràng, nhưng lại không trúng đích, khiến các doanh nghiệp "kêu than", cần được xem xét lại...

Tại sao không đưa ra những biện pháp kiểm soát, chọn lọc mạnh mẽ với những doanh nghiệp chỉ coi Việt Nam như công xưởng sản xuất và tiêu thụ, không tạo ra những giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay tự động hóa phục vụ cho công cuộc 4.0 của đất nước? Và biện pháp kiểm soát chặt chẽ đó sẽ là gì nếu không phải là các quy định về trần lãi vay như Nghị định 20, để các doanh nghiệp FDI không còn cơ hội chuyển giá, chống tránh thuê do vay lãi từ công ty mẹ, ngân hàng mẹ ở nước ngoài?

Hàng loạt câu hỏi trăn trở của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và người dân đối với quy định áp trần lãi vay tại Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20.

Vào tháng 5/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chính thức có hiệu lực. Nghị định 20 và Thông tư 41/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành đã đưa ra theo hướng cụ thể, chi tiết hơn so với các quy định trước đây về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết về nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Cụ thể, khoản 3, điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế" - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Đến nay, rất nhiều trường hợp đặc thù được các doanh nghiệp nêu lên nhưng phía cơ quan thuế cũng chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể ngoài việc áp dụng đúng như nội dung của Thông tư, Nghị định.

Thực tế là, nếu chiếu theo mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA là 20% như quy định, Việt Nam sẽ có hơn 400 doanh nghiệp vượt trần 20%, tương đương gần 1% số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tuy nhiên, Cơ quan thuế lại không đưa ra số liệu về tỷ lệ quy mô doanh nghiệp, vì có thể hơn 400 doanh nghiệp này chiếm quy mô lớn hơn rất nhiều so với tỷ trọng số lượng, vì đa phần các doanh nghiệp vượt trần đều hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty,...

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định, Nghị định 20 chưa có cơ sở mang tính thuyết phục, chưa tính nhiều đến đặc thù của Việt Nam.

Qua khảo sát số liệu báo cáo tài chính năm 2016, 2017 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp uy tín thuộc các ngành nghề khác nhau (trong đó có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) đang có chỉ số chi phí lãi vay/EBITDA trên 20%.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam thường vay nợ nhiều hơn (một phần là do thói quen, một phần là do thị trường vốn chưa phát triển): Hệ số nợ trên CSH của doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán hết quý III/2018 là 1,42 lần so với mức 1,04 lần của doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh khối OECD hay 0,56 lần doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ.

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam đang vay nợ gấp 1,4 lần doanh nghiệp khối OECD, và vì vậy, nên chăng áp mức gấp 1,4 lần tỷ lệ ngưỡng bình quân, là khoảng 28 - 30%?

TS. Lực cho hay, lãi suất cao có nhiều nguyên nhân như lạm phát, mức độ rủi ro quốc gia và bản thân doanh nghiệp, chi phí vốn đầu vào, chi phí giao dịch của cả nền kinh tế, nên lãi suất cho vay thực của Việt Nam đang ở mức trung bình cao trong khu vực (bình quân 2015 – 2017: Việt Nam là 5,3%; Trung Quốc là 2,6; Philippines là 4,5%, Singapore là 3,8%, Ấn Độ là 6,7%...) chắc chắn là cao hơn ở OECD, nghĩa là ngưỡng lãi vay phải cao hơn mức trung bình của khối này.

Thứ nữa, hiện các quốc gia phát triển như Mỹ, các quốc gia EU, Hàn Quốc... đều đã áp dụng mức 30% và một số nước đang phát triển cũng đang nghiên cứu mức 30%.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành tài chính diễn ra sáng 12/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Thủ tướng đã có 3 lần nhắc việc xem xét quy định khống chế lãi vay trong Nghị định 20.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành tài chính diễn ra sáng 12/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Thủ tướng đã có 3 lần nhắc việc xem xét quy định khống chế lãi vay trong Nghị định 20.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, Nghị định 20 chưa tính đến yếu tố ngành đặc thù, đối tượng đặc thù bởi một số ngành có đặc thù cơ cấu nợ - vốn cao như công nghiệp, bất động sản, xi măng, sắt thép,… vốn dĩ phải đầu tư nhiều, vay nợ nhiều hay các doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư mới hoặc doanh nghiệp tái cơ cấu…

Đồng thời, Nghị định 20 cũng chưa xác định nguồn vốn vay, dẫn đến sự thiếu nhất quán khi thực hiện, chưa phân biệt đối tượng ở đây là công ty mẹ/tập đoàn hay công ty con, riêng lẻ.

Vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Từ đó, có thể khiến họ rụt rè trong vấn đề mở rộng hoạt động đầu tư.

Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ “lỗ chồng lỗ”, do vậy, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những bất cập của việc khống chế chi phí vay của Nghị định 20. Theo ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, phân tích của các chuyên gia, cơ quan báo chí - truyền thông, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 về áp trần lãi vay đang quy định không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng, đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.

Quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Mô hình này được đánh giá là tiên tiến, vừa giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn, vừa tối ưu vì hoạt động điều phối sẽ được tập trung về một đầu mối là công ty mẹ. Các công ty con sẽ chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh.

Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20.

Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản  ở việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Việc đặt ra quy định này là nhằm chống gian lận thuế khi kê khai giá giao dịch liên kết. Điều này thường chỉ phát sinh khi có sự chênh lệch thuế suất. Giao dịch giữa hai công ty trong và ngoài Việt Nam thì có chênh lệch thuế suất (do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại mỗi quốc gia là khác nhau). Tuy nhiên, giao dịch giữa hai công ty tại Việt Nam thì rất hiếm trường hợp có sự chênh lệch thuế suất (trừ khi một trong hai công ty đang thuộc diện được ưu đãi thuế). Do đó mà việc kiểm soát giá của giao dịch này là không cần thiết.

Chưa kể, Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Về mức trần lãi vay 20%, theo thống kê của các đơn vị thành viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đây là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp cần nhiều vốn như bất động sản, y tế, nông nghiệp... Môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong pháp luật về thuế lại càng phải bình đẳng. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng vốn đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay.

Đó là lý do mà Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang nhận định việc khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20 không hợp lý gây thiệt hại lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Đơn vị này kiến nghị Chính phủ khắc phục quy định bất hợp lý của Nghị định 20 để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Theo đó, Giám đốc công ty này đề nghị sửa đổi đối tượng áp dụng phần chi phí lãi vay phát sinh không vượt quá 20% với hai đối tượng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới và các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau, chứ không khống chế đại trà như Nghị định 20 hiện hành đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Tương tự, Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn kiến nghị: “Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 20 theo hướng: Quy định khống chế lãi tiền vay tại Nghị định 20 chỉ nên áp dụng đối với hai đối tượng doanh nghiệp: Một là, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới; Hai là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau".

Cuối năm 2018, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính cho biết quy định khống chế trần lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập không vượt 20% được áp dụng đã tác động lớn, tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty.

Cụ thể, Lilama và các công ty có quan hệ liên kết đều hoạt động ở Việt Nam, cùng chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Chi phí lãi vay của tổng công ty phát sinh thực tế từ việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, theo giá thị trường có hồ sơ, chứng từ hợp lệ. Do vậy, quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ bao gồm cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết", Lilama khẳng định quy định đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có quan hệ liên kết và không liên kết.

Lilama là tổng thầu EPC song vốn chủ sở hữu nhỏ chưa tương ứng với quy mô hoạt động. Năm 2017, doanh thu của công ty mẹ Lilama là 15.811 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 923 tỷ đồng.

Để thực hiện các dự án quy mô vừa và lớn, Lilama phải huy động lượng vốn vay lớn từ các tổ chức tín dụng dẫn đến chi phí lãi vay cao, vượt xa mức trần theo quy định của Nghị định. Lilama hoạt động theo mô hình mẹ - con để hỗ trợ nhau thực hiện các công trình lớn.

"Bản chất các giao dịch của công ty chỉ nhằm mục đích tăng năng lực cạnh tranh, tập trung chuyên môn hoá cho từng công ty trong tổng công ty. Nếu tránh quy định về mức trần chi phí lãi vay, tránh không có các giao dịch liên kết, Lilama sẽ buộc phải thuê nhà thầu bên ngoài. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển, một số công ty ty giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản", Lilama nói.

Thực hiện theo quy định mới về lãi vay của Nghị định 20, tình hình tài chính của Lilama sẽ càng trở nên khó khăn, nhiều công ty khó có thể vượt qua giai đoạn này. Nhiều công ty sẽ dương lợi nhuận trước thuế nhưng sau thuế lại âm hoặc có công ty lợi nhuận trước thuế đã âm rồi nhưng vẫn phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết gặp rất nhiều vướng mắc, thậm chí thiệt hại khi áp dụng Nghị định 20. Cụ thể, tập đoàn này hoạt động theo mô hình mẹ - con, trong đó các giao dịch liên kết chính và lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh mua bán điện và giao dịch "cho vay lại".

Trong giai đoạn sắp tới, nhu cầu đầu điện tăng cao khiến việc đầu tư dự án điện mới của EVN rất lớn. Tuy nhiên, vốn tự có của doanh nghiệp không đủ đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên EVN và các thành viên vẫn phải huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước, đặc biệt trong giai đoạn 2017 -2025.

"Nếu tính theo Nghị định 20, tình hình tài chính của EVN và các tổng công ty phát điện là rất lớn, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN khi thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch điện của Chính phủ. Theo đó, EVN Genco 1 phải nộp thêm 339 tỷ đồng, EVN Genco 3 phải nộp thêm 216 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp", EVN tính toán.

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Nhiệt điện Quảng Ninh... cũng lần lượt gửi văn bản về Bộ Tài chính nói về sự vướng mắc, phức tạp khi thực hiện Nghị định 120.

"Vinacomin và các đơn vị chưa thực hiện được việc kê khai giao dịch liên kết theo hướng dẫn Nghị định 20", tập đoàn này cho hay. Các doanh nghiệp đều đề nghị Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn, sửa đổi Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top