Ai gây ra sốt đất ảo, phân lô bán nền trái phép?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành những kiến nghị, giải pháp chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật hiện nay.
Văn bản của HoREA nêu rõ gần đây tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở nhưng đã bị phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán đất nền, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, thiệt hại rất lớn; gây mất an ninh trật tự; phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao.
"Thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản "bất lương" đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng. Thậm chí câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn" - văn bản của ông Châu nêu.
Sự chậm trễ của Bộ Tài chính: Doanh nghiệp “lao đao”
Cuối tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này có hiệu lực từ 1/5/2017 với mục tiêu quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Thế nhưng một điều khoản nhỏ trong Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã khiến hầu hết doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mắc kẹt.
Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, những quy định bất hợp lý của Nghị định 20 đã tồn tại hơn 2 năm, gây ra rất nhiều khó khăn, hệ lụy cho doanh nghiệp. Chỉ vì Nghị định này, có doanh nghiệp thuế tăng hàng trăm tỷ đồng; nhiều doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư; các nguồn vốn vay ngoài giao dịch liên kết bị đánh đồng để áp trần chi phí lãi vay khiến doanh nghiệp khốn khổ.
Hơn nữa, sau hàng loạt những kiến nghị đòi tháo gỡ khó khăn từ phía cộng đồng doanh nghiệp nhưng Bộ Tài Chính vẫn chậm trễ, chưa có sự thay đổi hoặc lên tiếng chính thức đến bao giờ Nghị định 20 được sửa đổi, hoặc có sửa đổi hay không? Kể cả Chính phủ cũng đốc thúc và các doanh nghiệp “kêu cứu” nhưng những lời này dường như đang rơi vào hư không. Cũng không ai trả lời được vì sao lại có sự chậm trễ này? Phải chăng hành động của Bộ Tài Chính đang cho thấy một sự thờ ơ, tắc trách khiến cộng đồng doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi?
Thậm chí, điều này đang tạo ra sự bất an, rủi ro trong môi trường kinh doanh nói chung, đi ngược lại mục đích “Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp phát triển”. Bởi phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ kiến tạo. Nhưng chỉ bằng một điều khoản nhỏ trong Nghị định 20, nhiều doanh nghiệp chẳng còn mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển.
Cần Thơ “đất sạch”, nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn
Tiềm năng của thị trường bất động sản Cần Thơ được đánh giá cao không chỉ nhờ vào vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, mà còn nhờ vào tính chất kết nối thông suốt về hạ tầng giao thông với các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Cần Thơ mới rục rịch khởi động mạnh song con số các dự án khu đô thị, khu dân cư vẫn đang còn “khiêm tốn”. Một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Cần Thơ còn đang bị bỏ ngỏ là do các nhà đầu tư còn e ngại trước thông tin một số vùng đất ở đây bị nhiễm xạ dioxin từ thời chiến tranh chống Mỹ.
Với mục đích thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tới triển khai các dự án phát triển đô thị, chính quyền Cần Thơ liên tục có các chính sách ưu đãi.
Để tạo niềm tin với các nhà đầu tư, chính quyền Cần Thơ cũng đã có báo cáo về kết quả kiểm định lượng dioxin trong đất. Gần đây nhất, theo báo cáo từ chính quyền, kết quả kiểm định đất bằng thiết bị công nghệ Canada với nhiều công đoạn rất khắt khe của các chuyên gia quốc tế và trong nước đã xác định đất Cần Thơ không còn nhiễm chất phóng xạ.
Với các chính sách cởi mở từ chính quyền địa phương, những năm trở lại đây, thị trường bất động sản nơi đây thu hút được đông đảo các nhà đầu tư tham gia. Điển hình như quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ), hiện nay khu vực này đang sở hữu rất nhiều dự án bất động sản như Khu dân cư An Thới, Khu dân cư Bình Thủy, Khu du lịch Cồn Sơn, Khu du lịch Cồn Khương, Đền thờ các Vua Hùng... Chính quyền quận Bình Thủy cũng có những cam kết sẽ luôn “trải thảm đỏ” để thu hút nhiều dự án tầm cỡ.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhà đầu tư nhòm ngó, dự án vẫn biệt tăm
Từ đầu năm 2018 tới nay, thị trường bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục đón nhận thông tin về các dự án bất động sản lớn, nhưng tới nay, các dự án đó vẫn biệt tăm, trong khi thị trường loạn dự án “ma”.
Theo ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, từ năm 2018 tới nay, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước trình bày đề xuất phát triển dự án, nhưng tới nay, chưa có dự án nào được chấp thuận đầu tư, vì các đề xuất chưa đầy đủ và chưa phù hợp với quy hoạch phát triển thị trường bất động sản của tỉnh, nên tỉnh yêu cầu làm lại đề xuất cho phù hợp.
Thị trường bất động sản tiềm năng nhất của tỉnh được cho là khu vực TP. Vũng Tàu, với bờ biển đẹp, hệ thống giao thông kết nối với TP.HCM, có cảng biển… Thế nhưng, thị trường này lại chưa được phát triển xứng tầm.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Vietnam cho rằng, bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang như một cô gái đẹp ngủ quên, chưa được đánh thức.
“Quỹ đất rất nhiều, số lượng dự án được cấp phép lớn, nhưng hầu như không triển khai. Các doanh nghiệp của tỉnh phát triển thị trường là chính, còn các doanh nghiệp bất động sản lớn lại chưa xuất hiện làm dự án tại đây”, ông Lâm nói.
Trường liên cấp 7 năm “nằm trên giấy” tại Hà Nội: “Việc thu hồi dự án của Công ty Đông Đô là cần thiết!”
Dự án xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS - THPT Lý Nhân Tông, tại Khu đô thị mới (KĐTM) Kim Văn – Kim Lũ (thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) do Công ty Cổ phần giáo dục Đông Đô (gọi tắt là Công ty Đông Đô) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng, tiến độ thực hiện Quý I năm 2013 – Quý III năm 2017.
Cử tri nhiều lần có ý kiến và chính quyền sở tại cũng từng đề xuất thu hồi dự án trường liên cấp này. Hơn thế nữa, dự án này còn bị “điểm mặt” trong Kết luận thanh tra số 1686/KL-STNMT-TTr ngày 18/8/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội. Cùng với đó, về việc này, UBND TP cũng có văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra.
Vậy nhưng, sau 7 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư – năm 2012, dự án của Công ty Đông Đô vẫn ung dung “nằm trên giấy” và thoát hiểm ngoạn mục... Đó là điều khó hiểu!
Thế nhưng, đối với người dân KĐTM Kim Văn – Kim Lũ thì nó như một cái “ung nhọt” đã làm nhem nhuốc một khu đô thị đáng sống. Nhiều cư dân nhìn cảnh dự án của Công ty Đông Đô 7 năm “án binh bất động”, quây tôn kín họ chỉ biết thở dài nói: “Biết rồi…khổ lắm…nói mãi!”. Dường như ẩn sâu trong đó có cả sự bất lực, buông xuôi trong nỗi thất vọng.
Đau xót hơn, con số 1.925 học sinh dự kiến được học tại trường liên cấp của Công ty Đông Đô vẫn chỉ là giấc mơ xa vời. Dự án trăm tỷ ấy vẫn ngày ngày “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Vậy, HĐND và UBND TP. Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt và xử lý mạnh tay đối với dự án này hay chưa?