Aa

Nghị định 20: Xin hỏi Bộ Tài chính, niềm tin giá bao nhiêu?

Thứ Tư, 01/04/2020 - 09:25

Mặc dù, đa số thành viên Chính phủ đã cho ý kiến nhất trí, nhưng không hiểu sao, Bộ Tài chính lại tiếp tục có văn bản trình Chính phủ không chấp nhận hồi tố 4.875 tỷ đồng bị thu “thuế chồng thuế” của các doanh nghiệp.

Thôi thì đây là việc liên quan đến đạo lý và pháp lý, liên quan đến quốc kế dân sinh, đến niềm tin của doanh nghiệp và lòng tự trọng của Bộ Tài chính… thiết nghĩ có bàn thêm đôi chút cũng là phải đạo. Nói là bàn thêm bởi vì đã có quá nhiều bài viết, quá nhiều phân tích của các chuyên gia trên Reatimes về vấn đề này.

Cái gốc của vấn đề là ở chỗ nào?

Đầu tiên, ta cần đề cập đến tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tại cuộc họp gần đây nhất về việc sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/11/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp và chỉ đạo: “Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá”.

Theo các chuyên gia, khi thiết lập hệ thống đánh thuế của một quốc gia, không chỉ của nước ta mà cả các nước trên thế giới, cần nhắc đến 4 nguyên tắc.

Thứ nhất, đánh thuế phải đảm bảo công bằng. Nguyên tắc này được hiểu là mọi đối tượng có năng lực chịu thuế đều phải nộp thuế và mọi người có điều kiện liên quan đến thuế như nhau phải được đối xử về thuế như nhau.

Thứ hai, đánh thuế phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Việc đánh thuế vừa phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước vừa phải đảm bảo người nộp thuế không phải nộp số thuế quá lớn.

Thứ ba, đánh thuế phải đảm bảo dễ hiểu, đạt hiệu quả. Nội dung của nguyên tắc này là các loại thuế phải đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu cho mọi đối tượng và có tính ổn định cao.

Thứ tư, đánh thuế phải đảm bảo không xảy ra tình trạng một đối tượng tính thuế phải chịu một loại thuế nhiều lần, tức là thuế chồng lên thuế.

Tiếp nữa, cần xem xét mục tiêu của Nghị định 20 khi ra đời là gì? Cũng theo phân tích của các chuyên gia, Nghị định 20 được lập ra là Nghị định về các giao dịch của công ty liên kết, mục đích chính là chống chuyển giá. Bởi, thực tiễn trong nước đã diễn ra tình trạng, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thay vì nộp thuế ở quốc gia họ đầu tư, đặt chi nhánh thì đã "chuyển giá", mang lợi nhuận về nước bản địa bằng cách nâng chi phí ở nước ngoài lên. Ví dụ: Công ty “con” tại Việt Nam vay công ty “mẹ” ở nước ngoài và khoản vay đó được đẩy lên một con số cao nhằm hạch toán vào chi phí vay, dẫn đến việc công ty “con” tại Việt Nam thoát được khoản thuế phải đóng bởi lỗ ảo, trong khi đó công ty “mẹ” vẫn lãi.

Tuy nhiên, trong quan hệ vay vốn của công ty “mẹ - con” tại Việt Nam lại khác về bản chất, không xuất hiện động cơ chuyển giá. Chính vì thế, chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đã bị tính lặp lại 2 lần, một lần ở công ty “mẹ” và một lần ở công ty “con” mà đều nộp cho một hệ thống thuế của Việt Nam, dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”.

Ảnh minh họa.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”

Quả thật mấy hôm vừa rồi, trong bầu không khí đôi phần ảm đạm của nền kinh tế nước nhà bởi nạn dịch Covid-19, thì bỗng nhiên, có một dòng chảy ấm áp khiến nhiều doanh nghiệp phấn chấn và tin rằng, hơn lúc nào hết, Chính phủ luôn luôn bên cạnh họ.

Đó là việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về nội dung hồi tố 4.875 tỷ đồng bị thu “thuế chồng thuế” của các doanh nghiệp.

Và tuyệt vời sao, khi đa số thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018 bị “thu oan” kia sang các kỳ tính thuế tiếp theo, nhưng không quá 5 năm.

Đúng là một tin rất vui hỗ trợ thêm nguồn lực và lòng tin cho các doanh nghiệp vượt qua muôn vàn khó khăn hiện nay, và vui hơn nữa là sự minh bạch của nguồn thu ngân sách Nhà nước ngày càng sáng tỏ, bởi mấy lẽ:

Thứ nhất, xưa nay, Quốc hội và Chính phủ có quản ngân sách thì cũng là quản cho dân, về bản chất nó vẫn là túi tiền của dân. Cho dù ngân sách nước nhà còn eo hẹp thì cũng không ai cho phép và cũng không ai muốn thu những đồng tiền thiếu minh bạch vào nguồn ngân sách này.

Thứ hai, cho dù khoản tiền 4.875 tỷ đồng kia “đã được quyết toán vào ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận” thì cũng chỉ là thao tác kỹ thuật trên sổ sách cho một “túi tiền”, hoàn toàn có thể dùng các thao tác kỹ thuật khác để điều chỉnh, sửa đổi. Không vì một thao tác kỹ thuật trong hạch toán mà có thể làm “ô nhiễm” sự minh bạch và trong sáng của ngân sách một quốc gia.

Thứ ba, trong báo cáo với Chính phủ, Bộ Tài chính đã thừa nhận sự thiệt thòi (nói chính xác là thiệt hại) cho những doanh nghiệp đã từng nghiêm túc thực hiện chính sách thuế của Nhà nước. Nếu những người làm ăn nghiêm túc mà luôn bị thiệt hại, mà thiệt hại ấy lại bắt nguồn từ sự cố chấp của cơ quan Nhà nước, thì liệu rằng, kỷ cương xã hội sẽ đi về hướng nào, hẳn không thể khuyến khích.

Thứ tư, có thể khẳng định rằng, con số 4.875 tỷ đồng kia là đồng tiền sạch sẽ, là thu nhập hợp pháp của các doanh nghiệp được khoản 1 Điều 32 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ. Nay nó lại bị di chuyển oan ức như vậy, liệu lòng tin của dân chúng có bị ảnh hưởng?

Thật ra, khi nhận được thông tin này, nhiều người được hơi tiếc là, số tiền ngót 5 nghìn tỷ kia được khấu trừ vào các năm sau. Giá như hồi tố “luôn và ngay”, tôi tin rằng một phần trong đó sẽ được các doanh nghiệp đóng góp để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 đang diễn ra ác liệt này.

Không nên để lòng tin của người dân bị xúc phạm!

Trong văn bản trình Chính phủ, để bảo vệ quan điểm không cho hồi tố, Bộ Tài chính đã nêu nhiều lý do khiến cho lòng tin của doanh nghiệp vừa mới khởi sắc lại bị "dội gáo nước lạnh".

Theo Bộ Tài chính, quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì “chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội thì văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương có thể quy định hiệu lực trở về trước”, tức là mới được hồi tố.

Và Bộ cho rằng, việc thu “thuế chồng thuế” chỉ nằm trong một “nhóm đối tượng”, mà “không phải là lợi ích chung của xã hội” nên đề nghị Chính phủ cần cân nhắc khi cho hồi tố.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện “phúc thống phục nhân sâm…”. Thì ra Bộ Tài chính chỉ đọc luật đến phần có lợi cho “lòng tự trọng” của mình, còn vế tiếp theo thì bỏ lại. Vậy việc “thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân” trong điều luật kia, “các bác” bỏ đi đâu? Chẳng lẽ số tiền gần 5 nghìn tỷ đồng kia không thuộc về một tổ chức hoặc cá nhân nào? Ai đã "xui" quý Bộ tước bỏ phần này trong điều luật?

Tiếp nữa, Bộ Tài chính viện dẫn “Theo quy định tại Điều 37, 40, 47 và 48 của Luật Quản lý thuế, số thuế nộp thừa là số thuế cơ quan quản lý thuế ấn định thừa hoặc số thuế doanh nghiệp bị tính thừa chứ không phải số thuế tăng do thay đổi chính sách”. Cách lập luận này không hề thuyết phục bởi sự nhầm lẫn về chữ nghĩa. Thử hỏi, cùng một dòng tiền mà bị ngành thuế đánh thuế đến 2 lần, đấy không phải là “bị tính thừa” sao? Chẳng lẽ quý Bộ cho rằng số tiền này do các doanh nghiệp tự nguyện nộp?

Cũng nên nói một cách sòng phẳng rằng, việc soạn thảo Nghị định 20 này ngay từ đầu cũng từ Bộ Tài chính và nay sửa đổi cũng là Bộ Tài chính. Việc “bị tính thừa” này xuất phát từ việc xâm phạm một nguyên tắc cơ bản khi thiết lập các khoản thuế, đó là không được đánh “thuế chồng thuế”. Ở đây, việc đánh thuế lần thứ hai là sai, và phải sửa. Những đồng tiền hợp pháp của các tổ chức và cá nhân phải được luật pháp bảo hộ, vì đấy là nền tảng của một chính thể, là niềm tin của người dân.

Thiết nghĩ, nói như thế cũng là quá đủ. Rất mong Bộ Tài chính xem xét lại quan điểm của mình!

Bốc thuốc theo sách

Có một thầy lang nọ dốt hết đường chê, cứ ai đến xem bệnh là y như thầy phải giở sách ra để tra. Đã thế, thầy lại nổi tiếng hồ đồ thái quá.

Một lần, có một người bị bệnh nặng, nửa đêm bí quá mới chạy đến nhờ thầy cứu giúp. Thầy mắt nhắm mắt mở, thắp đèn tra sách rồi bảo người nhà bệnh nhân đi mua mấy lạng nhân sâm về sắc lấy nước cho uống.

Con bệnh uống nhân sâm vào lại càng đau bụng hơn, quằn quại cho đến sáng thì chết. Người nhà đâm đơn kiện. Thầy phải lên hầu quan. Quan hỏi:

- Thầy cho đơn thế nào để người ta chết như vậy?

Thầy lang chắc chắn thưa:

- Bẩm tôi bốc thuốc theo sách chứ có bốc bậy bạ đâu ạ. Thánh dạy thế nào thì tôi cứ làm theo thế ấy.

Quan hỏi sách, thầy nhanh nhẩu đưa sách ra, giở ngay trang có bài thuốc nhân sâm trình quan, quan đọc: "Phúc thống phục nhân sâm..." (Đau bụng uống nhân sâm...). Thầy lang ngắt lời:

- Đó thấy chưa! Tôi đã bảo là theo sách mà.

Quan khựng lại một tí và giở tiếp trang bên đọc to hai chữ còn lại: "Tắc tử" (Thì chết).

- ??!!


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top