Aa

Nghi lễ của tàn phai

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Ba, 20/09/2022 - 06:15

Trên khoảng sân sạch sẽ, rộng rãi, những bông hoa bàng vuông làm thành một cõi thiêng. Tôi gọi đó là nghi lễ của sự tàn phai. Rụng để nhường chỗ cho những chiếc nụ còn xanh chưa nứt khỏi lớp vỏ bọc dày ngoài cánh...

Ai ra Trường Sa cũng mong được một lần ngắm hoa bàng vuông nở. Đến bộ đội quen thân mỗi ngày, biết rõ giờ cơm chiều hoa nứt nụ, tầm chín giờ tối sẽ nở xong, hương thơm ngào ngạt, kiến bò theo hàng tìm nhụy ngọt mà vẫn chờ đợi, thao thức cơ mà…

Tạo hóa thật kỳ lạ, giống có bàn tay nghệ nhân xếp nhụy hoa tím hình xoáy ốc cuộn chặt bên trong lớp cánh tròn. Điệu nghệ công phu như búi tóc vương phi, hoàng hậu. Giờ khắc bung nở, đầu tiên lớp cánh, sau đó lớp nhụy xoáy ngược ra. Hàng trăm tia nhụy duỗi thẳng băng kiêu hãnh, không nhụy nào chạm nhụy nào dẫu chỉ một li. Bông hoa nở mang theo xúc cảm huy hoàng và mong manh, ngời sáng giữa đêm khuya.

Dưới gốc bàng, người lính khoác súng đứng nghiêm trang trong phiên gác. Nhưng có lẽ, ngoài lính đảo và một số người khách tinh ý, ít ai biết hoa bàng vuông rụng thế nào. Mờ sáng, lúc còn tối trời, bộ đội hàng lối nghiêm chỉnh, khởi động tập thể dục, hô vang: “Một, hai, ba, bốn… một, hai, ba, bốn!”. Thể dục xong, toàn đảo loẹt xoẹt tiếng chổi tre. Mỗi người lính được phân nhiệm vụ quét dọn một khu riêng, toàn lá rụng. Đúng lúc sân đảo tinh tươm, từng hạt bụi li ti vẩn trong không khí như tìm ra chỗ đậu, thì hoa bàng vuông rụng. Lúc ấy, tầm sáu giờ rưỡi sáng. Những bông bàng vuông nở đêm qua hãy còn nguyên vẻ mơ màng, tím huy hoàng đột ngột đánh “bộp” một tiếng, dứt khoát, đáp thẳng xuống mặt sân.

Để có cây bàng vuông cho hoa đẹp, tán đều… nhiều chính trị viên đảo tự tay trực tiếp ươm trồng, bảo vệ. (Ảnh: Nhím Biển)

Cách tàn lụi đặc biệt ấy khiến tôi liên tưởng tới cách rụng của một bông hoa gạo. Bỗng đâu bộp một nhát xuống đường làng, ven đê, xuống vành nón mê của các bà, các mẹ đi chợ xa hững hờ để ngửa trên vạt cỏ nghỉ chân. Thời sinh viên, Trần Lương - người anh học cùng khoa của chúng tôi đã viết những câu thơ đầy lãng mạn về hoa gạo và hình ảnh người thiếu nữ thôn dã: “Ngày em đi chợ tháng ba/ Hai đầu quang gánh đỏ hoa gạo buồn/ Khoảng trời đổ bóng đường thôn/ Niềm thương theo gió xoáy tròn lối xưa/ Tháng ba ai đó chờ mưa/ Muốn gom mây lại mà đưa em về…". Thuở ấy, tất thảy chúng tôi đều thuộc bài thơ này, và ngâm nga đọc.

Trên khoảng sân sạch sẽ, rộng rãi, những bông hoa bàng vuông làm thành một cõi thiêng. Tôi gọi đó là nghi lễ của sự tàn phai. Rụng để nhường chỗ cho những chiếc nụ còn xanh chưa nứt khỏi lớp vỏ bọc dày dặn bên ngoài cánh. Rụng róng riết, gọn ghẽ, không lay lắt úa tàn giống cách nhiều loài hoa cánh rũ, ngả màu nâu mục quắt queo đậu lại cuống, có lúc còn đeo bám tận khi quả chín.

Trên đảo Trường Sa Đông, có một cây bàng vuông tôi cho là một trong những cây bàng vuông đẹp nhất quần đảo. Nó được trồng song song với một cây tra, cũng to lớn, vững chãi, hoa nở đều quanh năm. Sau mỗi chiều tập luyện, lính đảo đều ngồi ở đấy. Đối diện khoảng sân bên kia, lại có một nhóm lính mới nghịch ngợm lấy dép ném tỉa quả bàng ta rồi xúm xít nhặt quả chín, giành nhau, trêu nhau như trẻ nhỏ. Tiếng cười nói, chí chóe vang tận đằng này. Quả bàng ta ngoài đảo vị ngọt đằm pha chát ngậy khác hẳn bàng vuông luôn chỉ để ươm trồng. Một quả bàng vuông già, ươm xuống đất ẩm, ba tháng sau may ra mới đâm chồi. Lính đảo ngóng chờ, thấp thỏm như chờ một đứa con ra đời. Có lúc thở dài, tay ôm khư khư vỏ cóng đồ hộp bên trong chứa đất và quả bàng, lính tiếc ngẩn ngơ nghĩ hỏng rồi, cây không bật nổi chồi thì sáng sớm mai một tia xanh xíu xiu chấm giữa nền đất nâu xuất hiện.

Ai ra Trường Sa cũng mong được một lần ngắm hoa bàng vuông nở. (Ảnh: Nhím biển)

Hiếm có loại quả nào đâm chồi đẹp một cách bí ẩn, mạnh mẽ như bàng vuông. Ở đúng tâm điểm giao nhau của những đường gân trên mặt vỏ là mầm chồi. Tỷ lệ hài hòa đến tuyệt đối, như mầm chồi đâm lên từ một quả dừa khô. Bàng vuông quần đảo Trường Sa chỗ nào cũng đẹp. Nhưng đặc biệt thì phải kể đến: Song Tử Tây, Trường Sa Đông, An Bang. Mùa khô, khắp quần đảo hoa và quả bàng vuông chỉ nhỏ bằng một nửa. Đẹp nhất phải dịp Tết, hoa căng đầy, tím lịm, xòe to như chiếc bát tô, quả đậu được đúng bằng chiếc bát ăn cơm. Chẳng riêng gì hoa, qua mùa mưa, hòn đảo nào cũng bời bời sức sống.

Có vài chiến sĩ trẻ vẫn nhớ tôi, khi gặp chạy đến, hồ hởi chào: “Em từng soi đèn để chụp hoa bàng nở”. Việc soi đèn cho khách chụp hoa bộ đội nhớ lắm. Họ cũng chưa thấy ai từng ngỏ ý nhờ mình công việc như thế. Đầu tiên phải đi mượn đèn pin, mà phải là đèn pin của bộ đội thì mới được, ánh sáng nó vừa độ chụm và đạt độ sáng. Ban đầu chỉ hai chiếc đèn được mang ra. Khách thấy chưa đủ, hì hụi căn chỉnh mãi, chẳng cần thêm lời nhờ vả nào, bộ đội tinh ý chạy khắp các phòng mượn thêm ba cái nữa. Vậy mới đủ các góc chiếu sáng. Rồi thì người kê ghế, người leo lên cây, mỗi người một góc chiếu đèn vào một vùng của bông hoa, sao cho chiếu sáng đều. Việc chỉnh chiếu sáng là khó và lâu nhất, nhưng rất là vui. Ai cũng đồng sức đồng lòng dù không hiểu người ta sẽ chụp thế nào mà cầu kỳ thế. Sân đảo tối om, ánh sáng đèn pin tụ hết trong tán bàng.

Hoa bàng vuông nở mang theo xúc cảm huy hoàng và mong manh, ngời sáng giữa đêm khuya. (Ảnh: Nhím Biển)

Những luồng sáng đan nhau, có thêm nhiều bộ đội chạy ra xem, không ngừng bàn luận. Khâu chiếu và chụp mới thật lâu la, từ lúc trời vừa tối đến tận chín rưỡi đêm có còi báo toàn đảo đi ngủ mới kết thúc. Cứ ba mươi phút lại tập hợp một lần, chiếu và chụp. Xem ảnh, ai cũng ngỡ ngàng. Rõ ràng loài hoa mình vẫn thấy hằng ngày, đẹp thì có đẹp, ai nấy biết cả rồi, mà sao dưới tác động của những luồng sáng giữa không gian đêm lại huyền bí, diệu kỳ và xuất thần thế. Anh em lính xin ảnh về làm kỷ niệm, cũng để khoe với người thân khi vào bờ. Rằng, đây hoa bàng vuông đây, đẹp đến thế này cơ mà! Ngôn ngữ sao tả hết. Giá mà ai cũng có được cảm giác đứng gác đêm, trên đầu hoa bung nở hoặc xin cái chân soi đèn mới thấu cho hết được vẻ đẹp của hoa trên đảo đang nứt nụ, tỏa hương trong chính cõi lòng mình. Cảm giác ấy khấp khởi, nôn nao mà hoan lạc lắm!

Ở đảo xa, thường không cái đẹp nào thuộc về ngẫu nhiên tạo hóa. Để có cây bàng vuông cho hoa đẹp, tán đều…, nhiều chính trị viên đảo tự tay trực tiếp ươm trồng, bảo vệ. Đồng chí Vũ Quang Minh, Chính trị viên đảo An Bang cùng các chiến sĩ của mình kiểm soát từng quả trên cây, đếm quả to để làm rọ thép bọc lại, tránh rụng rơi thất thoát. Quả nào già, xem xét đủ bề, anh trẩy nhẹ xuống đem ươm. Đoàn công tác lên đảo Trường Sa Đông hè năm 2019, hỏi về mùa bàng vuông kết hoa đậu quả thế nào, cán bộ chiến sĩ cùng tiết lộ, toàn đảo chỉ còn đúng hai quả xanh đã được đánh dấu, vị trí cây cách cầu tàu 50 mét. Một mầm xanh lên thành cây mập mạp, sau đó có thể sẽ tặng lại đất liền, nhưng bộ đội nâng niu, trân quý cái cảm xúc để có được một tín hiệu về mầm sống. Cả quãng thời gian chờ đợi ấy chính là thử thách, là niềm tin và hạnh phúc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top