Nghị quyết của Bộ Chính trị và niềm tin mạnh mẽ về “cực tăng trưởng mới” ở xứ Thanh

Nghị quyết của Bộ Chính trị và niềm tin mạnh mẽ về “cực tăng trưởng mới” ở xứ Thanh

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 26/11/2021 - 06:15

Với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, Thanh Hóa là cửa ngõ kết nối của miền Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền Nam. Trong giai đoạn tới, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, cảng biển, hàng không… áp dụng các cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư.

***

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Trên cơ sở nội dung Nghị quyết, ngày 28/2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, trong đó chỉ rõ: 

Xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ; bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, đất đai tương đối rộng, tỉnh Thanh Hóa là nơi hội tụ đủ ba vùng sinh thái, trong đó miền núi là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, đất liền nhìn ra vịnh Bắc Bộ, với thềm lục địa bao quát 18.000km2. 

Đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; có quy mô dân số lớn thứ 3 cả nước; con người cần cù, sáng tạo, quật cường trong chiến đấu, có khát vọng vươn lên để làm giàu cho quê hương, đất nước. 

Thanh Hóa có khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp (KCN); có vùng lãnh hải rộng lớn, bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào; hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm đầy đủ các loại hình, với nhiều trục tuyến giao thông quốc gia quan trọng đi qua... 

Đây chính là những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một cực tăng trưởng mới, cộng hưởng, lan tỏa, kết nối, thúc đẩy phát triển các tỉnh phía Bắc và cả nước.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đạt được những kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tăng trưởng nhanh; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11,2%/năm. 

Năm 2020 và quý I/2021, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt 126.172 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 30.744 tỷ đồng, vượt dự toán; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.510 USD.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo, trong đó tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,8%, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,5%, ngành dịch vụ chiếm 32,2%, ngành khác chiếm 8,5%. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, giữ vai trò nền tảng cho sự phát triển của tỉnh.

Ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là khu kinh tế Nghi Sơn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 19,5%; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 141.640 tỷ đồng. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, như dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn; các dự án sản xuất xi-măng, may mặc, giầy da,... Trong đó, dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, là 1 trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước. 

Đến nay, nhà máy đã hoạt động ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Hoạt động đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Cùng với khởi công xây dựng một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, nhiều dự án lớn, quan trọng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo ra diện mạo mới cho tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại, sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh.

Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW, của Bộ Chính trị đã đề ra; đồng thời, nhận thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, đó là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước  - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.

Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đi kèm xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu nhằm đưa đời sống nhân dân theo hướng đô thị hoá và hiện đại hoá.

Trong những năm qua, Thanh Hoá đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho đầu tư phát triển, tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, đạt mức  bình quân hơn 10%/năm, đứng đầu các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dẫn đầu cả nước; thu ngân sách tăng nhanh, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của phía Bắc. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, trong đó công nghiệp trở thành trụ cột với hạt nhân là KKT Nghi Sơn và thành phố công nghiệp Bỉm Sơn đặc biệt tỉnh cũng định hướng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, bổ sung các quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng KKT, KCN, du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. 

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thu hút được 1.204 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 234.931 tỷ đồng, trong đó: 1.125 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư là 147.360 tỷ đồng và 79 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký đầu tư là 3,8 tỷ USD, gấp hơn 2 lần giai đoạn 2011 – 2015. 

Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Trên toàn tỉnh hiện có 136 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 14,3 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, với tầm nhìn và tư duy mới, cộng thêm xung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, Thanh Hoá đang có cơ hội "cất cánh" trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới, tạo cú hích cho Bắc Trung bộ phát triển. 

Thanh Hóa cần tăng cường thu hút những chủ đầu tư xứng tầm, đủ đẳng cấp để kéo kinh tế địa phương phát triển. Quan trọng vẫn là tầm nhìn quy hoạch phải bài bản, Thanh Hoá cần định hình rõ chiến lược lấy Công nghiệp làm trọng tâm, Du lịch làm mũi nhọn đột phá, tập trung hút "đại bàng" đến làm tổ, hợp sức đưa Thanh Hoá trỗi dậy.

Với tư duy và tầm nhìn dài hạn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh với các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB...), các nhà tài trợ song phương, đa phương (JICA, NEDA, KEXIMBANK...), các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư quốc tế tại Việt Nam (KOTRA, JETRO, NIPA, KOICA...), các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam (Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Hàn Quốc, Đại sứ quán Singapore...) được quan tâm thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực. 

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thu hút đầu tư, Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các chuyến thăm kết hợp làm việc với các đơn vị và đối tác, trên cơ sở đó đã thành lập nhiều đoàn công tác đến thăm và làm việc với tỉnh. Đã tiếp nhận 6 cố vấn cao cấp Hàn Quốc của KOICA đến hỗ trợ tỉnh trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch với thị trường Hàn Quốc, đồng thời thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Hàn Quốc (KBL) tại Trung tâm do cố vấn thương mại Hàn Quốc quản lý, là nơi cung cấp thông tin, trao đổi cập nhật chính sách và trao đổi kinh nghiệm hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa, tìm kiếm cơ hội kết nối với doanh nghiệp địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã kêu gọi, thu hút các hãng hàng không mở đường bay mới từ cảng hàng không Thọ Xuân đi các cảng hàng không trong nước và quốc tế; chỉ đạo Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch chủ động làm việc, liên kết với các tổ chức xúc tiến các tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại.

Kết quả công tác xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thu hút được 1.204 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 234.931 tỷ đồng, nâng tổng số dự án lũy kế đến 31/12/2020 là 2.240 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư là 682.679 tỷ đồng. 

Trong đó có 2.104 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 353.132 tỷ đồng (trong đó, luỹ kế có 582 dự án trong nước đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 160.582,822 tỷ đồng), 136 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 14,3 tỷ USD (trong đó, lũy kế có 62 dự án đầu tư trong KKT Nghi Sơn và các KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13,45 tỷ USD).

Quan hệ hợp tác của tỉnh với đại sứ quán các nước tại Việt Nam, với các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế, các tỉnh, thành phố được mở rộng, đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Tỉnh đã mở rộng quan hệ và ký kết thỏa thuận hợp tác với thành phố Seong Nam (Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachsen (CHLB Đức); thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao với tỉnh Farwaniyah (Cô-Oét), tỉnh Tula (Nga); hợp tác toàn diện với tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào).

Hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư đổi mới theo hướng tập trung vào các địa bàn, đối tác trọng điểm. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư như: Tập đoàn Air Liquid (Pháp) nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất khí; Công ty Sewon Electronic Hàn Quốc đầu tư nhà máy sản xuất dây điện phục vụ ngành công nghiệp ô tô; Tập đoàn Exxonmobil đầu tư tổ hợp hóa dầu; Công ty Goba và Tập đoàn Chuwa Busan tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN; Tập đoàn Mintal tìm hiểu đầu tư nhà máy thép cao cấp và Ferocrom; Tập đoàn Foxcon tìm hiểu đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử đặc biệt tập trung vào các khu vực có lợi thế tuyến cao tốc đi qua như thành phố công nghiệp Bỉm Sơn với tuyến cao tốc Bắc Nam & tuyến cao tốc ven biển. 

Tham dự các hội nghị, tổ chức các đoàn công tác, xúc tiến đầu tư tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Singapore, Pháp, Cô-Oét, Nga, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)... Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã quan tâm đầu tư vào tỉnh (Tập đoàn Daesang, Hyosung Hàn Quốc; Tập đoàn Idemitsu, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, FLC, Vingroup, Sungroup, Flamingo, T&T Group; TNG Holdings Vietnam.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, ý tưởng đưa Thanh Hóa trở thành một điểm trong “tứ giác” phát triển kinh tế phía Bắc cho thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh. Thanh Hóa vốn là “chóp” của Bắc Trung Bộ, nên việc trở thành một điểm trong “tứ giác” kết nối với các trung tâm lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là ý tưởng đúng. Không gian phát triển Thanh Hóa được mở ra, có động lực mạnh hơn khi có các điều kiện kết nối và khai thác được lợi thế từ các trung tâm lớn ở phía Bắc.

Những năm gần đây, Thanh Hóa đang có những bước phát triển mạnh với việc dựa vào “Tứ Sơn”: Nghi Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn. Mỗi “Sơn” với lợi thế riêng, tạo thành cực tăng trưởng của Thanh Hóa. Với đà phát triển mạnh mẽ như vậy, Thanh Hoá rất tự tin khi đặt vấn đề cùng ba tỉnh Bắc Bộ hợp thành “Tứ giác phát triển”. Để hiện thực hóa ý tưởng độc đáo này, Thanh Hóa phải chủ động định hình rõ hơn nội hàm ý tưởng, để kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội về chức năng và phương thức liên kết. Thanh Hóa cũng phải chủ động đưa mình vào không gian “tứ giác” trước, từ đó định hình cách liên kết phát triển với các tọa độ còn lại.

Niềm tin xứ Thanh trở thành một “cực tăng trưởng mới” ở phía Bắc Việt Nam còn được thể hiện bởi sự phát triển nhanh của 8 KCN trên địa bàn tỉnh, trong đó KKT Nghi Sơn, thành phố công nghiệp Bỉm Sơn và những thành quả to lớn trong quá trình thu hút đầu tư của tỉnh thời gian gần đây. 

Theo thông tin từ Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh, tuy bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh toàn cầu từ năm 2020, nhưng vẫn có 25 dự án được cấp mới đầu tư vào KKT Nghi Sơn, thành phố công nghiệp Bỉm Sơn và các KCN trên địa bàn (22 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 4.431 tỷ đồng và 150 triệu USD. Lũy kế đến nay, KTT Nghi Sơn, thành phố công nghiệp Bỉm Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 630 dự án; trong đó có 570 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 156.489 tỷ đồng và 60 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 13,45 tỷ USD. 

Trong năm qua, các doanh nghiệp tại đây đã xuất khẩu lượng hàng hóa tương đương giá trị hơn 2,92 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 15.000 tỷ đồng, đang giải quyết việc làm cho hơn 95.300 lao động. Bước sang năm 2021, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN đã đưa ra mục tiêu thu ngân sách Nhà nước 20.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, giải quyết thêm việc làm cho 10.000 người.

Là một trong 8 KKT động lực của Việt Nam, được quy hoạch mở rộng lên 106.000ha, KKT Nghi Sơn, thành phố công nghiệp Bỉm Sơn đã trở thành nhân tố quan trọng cho tỉnh mời gọi thu hút các dự án đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Nói thêm về Bỉm Sơn, nhờ có vị trí chiến lược nên nhiều năm qua đã nổi tiếng về thu hút đầu tư, tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, khai khoáng, cơ khí chính xác và chế tạo ô tô... trong đó phải kể tới KCN Bỉm Sơn có tổng diện tích hơn 600 héc-ta; Tổ hợp khu công nghiệp và nghiên cứu chế tạo ô tô VAMC, tổ hợp nhà máy Xi măng Long Sơn, Bỉm Sơn; Tổ hợp khu công nghiệp HUD Bỉm Sơn… đi kèm với đó là hàng loạt các nhà máy – khu chế tạo – khu công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực sản xuất chế tạo ô tô của các tập đoàn lớn như Hyundai, Honda, Toyota… Hàng năm, các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp nặng đã đóng góp cho ngân sách của tỉnh Thanh Hóa hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bỉm Sơn ngày nay đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nhờ lợi thế lớn về cấu trúc giao thông đa dạng, có tuyến Quốc lộ 1A và hệ thống đường sắt Bắc – Nam trọng điểm đi qua địa bàn, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, giao thương kinh tế.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 có chiều dài 53,5 km đang được thi công với tổng mức đầu tư xấp xỉ 12.343 tỷ đồng được thiết kế 6 làn xe, vận tốc 120km/h sẽ rút ngắn hành trình từ Ninh Bình đến Thanh Hóa, đẩy mạnh cơ hội đầu tư vào khu vực miền Bắc và miền Trung.

Đây là giải pháp thiết yếu giúp giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa miền Bắc với miền Trung cũng như hai đầu Bắc – Nam, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các KCN, du lịch dọc tuyến Ninh Bình - Thanh Hóa, đặc biệt tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45 sẽ lưu thông qua các địa bàn trọng điểm về kinh tế: Ninh Bình – Bỉm Sơn – Hà Trung – Nghi Sơn. 

Ngoài ra, tuyến kết nối Mai Sơn - Bỉm Sơn – Nghi Sơn – Nga Sơn – Hậu Lộc trong hệ thống đường bộ - đường sắt – cảng biển nước sâu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế đầu tư công – công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, DDI trong thời gian tới của Thanh Hóa, Ninh Bình nói chung và Bỉm Sơn nói riêng

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đang có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư để thu hút các dự án vào địa bàn tỉnh. Cải cách hành chính đã trở thành nhiệm vụ chính trị, đang gặt hái được những kết quả đáng mừng, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư an tâm vào phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Một sự kiện cần được nhắc đến là tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 được tổ chức vào tháng 6/2020, đã có 34 dự án lớn được trao giấy chứng nhận chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đăng ký lên đến gần 15 tỷ USD.

Khát vọng phát triển để đưa xứ Thanh trở thành cực tăng trưởng mới càng được nhân lên khi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 58–NQ/TW vào ngày 5/8/2020 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cần nói thêm rằng, ngoài 2 đầu tàu kinh tế là TP.HCM và TP. Hà Nội, ít có địa phương được Bộ Chính trị ra một nghị quyết riêng để hoạch định, đưa ra đường hướng phát triển đặc thù nhằm tạo sự đột phá trong phát triển. 

Trước Thanh Hóa nhiều năm, Bộ Chính trị cũng có riêng một nghị quyết về phát triển TP. Đà Nẵng. Từ đó, với sự hỗ trợ của Trung ương, đường hướng khơi dậy tiềm năng cũng như nguồn lực đúng đắn, đến nay Đà Nẵng đã trở thành một trong những trung tâm phát triển toàn diện của đất nước. Từ điển hình Đà Nẵng, hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự vươn lên mạnh mẽ của Thanh Hóa trong tương lai không xa. Những dư địa phát triển của xứ Thanh là vô cùng to lớn, nhiều tiềm năng mới bắt đầu hoặc chưa được khơi dậy chính là điều kiện để tỉnh “cất cánh”.

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm là địa phương đã thực hiện cải cách hành chính ra sao, có những chính sách đặc thù gì để tạo thuận lợi cho sự phát triển?

Ngày 26/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ông Đỗ Minh Tuấn đã ký quyết định số 4239/QĐ-UBND “về việc phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, trong đó khẳng định: Tập trung xúc tiến đầu tư và ưu tiên lựa chọn các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo; du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị hiện đại; đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. 

Đột phá về thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng cải cách hành chính và quản trị hành chính công, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp; duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần có xếp hạng tốt, tập trung khắc phục những chỉ số thành phần có xếp hạng thấp, giảm đáng kể của các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa tất cả các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến đầu tư, ưu tiên các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; quan tâm thu hút đầu tư từ các nước tham gia hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực trong nước và làn sóng dịch chuyển vốn FDI thời kỳ hậu Covid-19.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các cơ chế, chính sách đặc thù riêng của tỉnh để tạo sự hấp dẫn mới, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư; trọng tâm là các chính sách về đầu tư, tạo mặt bằng sạch để sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn. 

Hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, thay đổi chiến lược quản lý rủi ro và quản trị khủng hoảng, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, ứng phó linh hoạt và tăng khả năng chống chịu dưới tác động của dịch bệnh. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm thuế. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, môi trường đầu tư là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định việc các doanh nghiệp có sẵn sàng tham gia triển khai dự án ở địa phương hay không, trong đó phải kể tới các yếu tố như thủ tục hành chính và hệ thống cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó là sự tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nếu như họ nhận được sự chào đón niềm nở, nhận thấy lãnh đạo địa phương thật sự mong muốn hợp tác thì sẽ yên tâm đầu tư.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự sự nỗ lực của các nhà lãnh đạo đứng đầu tỉnh Thanh Hóa, các giải pháp đột phá kèm theo cơ chế đặc thù đang được triển khai nhịp nhàng và đạt được những kết quả vô cùng khả quan.

Mặc dù phải đối diện với diễn biến phức tạp từ dịch Covid-19, tuy nhiên tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng về hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tổ chức triển khai thực hiện linh hoạt và đạt kết quả tích cực. 

Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã làm việc trực tiếp và trực tuyến với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn như Ngân hàng phát triển Châu Á, Foxconn, WHA (Thái Lan), T&T, TNG, AeonMall, Đại sứ quán các nước Đan Mạch, Hungary, Nhật Bản, Ấn Độ… nhằm giới thiệu, thu hút đầu tư; ký thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch với Tổng cục Du lịch và Tổng công ty Viễn thông Mobifone, ký Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu về đầu tư dự án Trung tâm Logistics Bắc Trung bộ và Hạ tầng KCN số 6 tại KKT Nghi Sơn; thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (Japan Desk). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 9 tháng đầu năm ước đạt 102.914 tỷ đồng (tăng 6,7% so với cùng kỳ). 

Đã thu hút được 73 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 21.853 tỷ đồng và 42,7 triệu USD6; có 5 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng 14,8 triệu USD. Công tác quản lý, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công đạt kết quả tích cực.

Tính đến ngày 27/9, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 7.459 tỷ đồng (tăng 11,4% so với cùng kỳ); giá trị giải ngân ước đạt 8.114 tỷ đồng (tăng 11,1% so với cùng kỳ), gấp 2 lần tỷ lệ giải ngân trung bình của 63 tỉnh, thành phố (42%) và đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước7 (theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài Chính). 

Trong 9 tháng, đã hoàn thành, đưa vào hoạt động một số dự án lớn, quan trọng, như: Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (TMĐT 1.480 tỷ đồng), Bệnh viện đa khoa - Trường cao đẳng Y dược Hợp Lực khu vực Nghi Sơn (TMĐT 480 tỷ đồng), Trung tâm đào tạo nghề Tập đoàn Hong Fu tại KKT Nghi Sơn (445 tỷ đồng), Trạm nghiền xi măng Long Sơn (1.400 tỷ đồng), Nhà máy may xuất khẩu Speed Motion Thanh Hóa (400 tỷ đồng); đã khởi công xây dựng một số dự án lớn, như: Hạ tầng CCN Thị trấn Quán Lào, Yên Định (499 tỷ đồng), Dây chuyền 4 Nhà máy Xi măng Long Sơn (4.300 tỷ đồng), Nhà máy xi măng Đại Dương 2 (3.354 tỷ đồng), Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa (TMĐT 3.000 tỷ đồng), Dự án Khu du lịch sinh thái phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn giai đoạn 1 (533 tỷ đồng)…

Công tác phát triển doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Tính đến 24/9, có 2.072 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 9,3% so với cùng kỳ), đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới, vốn điều lệ đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 11,9 tỷ đồng (tăng 13,4%); có 837 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 25,7%.

PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định, từ tầm nhìn và tư duy mới, cộng thêm những xung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, Thanh Hoá đang có những cơ hội để “cất cánh” mạnh mẽ trong thập niên tới, thực hiện sứ mệnh tạo cú hích cho cả khu vực Bắc Trung bộ phát triển.

Quan trọng hàng đầu vẫn là tầm nhìn quy hoạch, “phải có bài bản, lớp lang”, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói. Thanh Hoá cần định hình rõ chiến lược phát triển lấy công nghiệp làm trọng tâm, du lịch làm mũi nhọn đột phá, trên cơ sở đó, tập trung thu hút “đại bàng” đến làm tổ, hợp sức đưa Thanh Hoá phát triển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top