Aa

Nghi vấn “thông thầu” cần được làm rõ tại Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông

Thứ Sáu, 24/04/2020 - 13:52

Thời gian qua, Reatimes nhận được đơn tố cáo về việc Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM khi tổ chức mời thầu đã cố tình "cài cắm" các tiêu chí để nhà thầu "ruột" trúng thầu một cách lộ liễu.

Nhiều nghi vấn cần được làm rõ

Theo đơn tố cáo, tại gói thầu mua sắm thiết bị đầu cuối ONT loại 4FE/GE+Wifi thuộc kế hoạch Mua sắm tập trung thiết bị đầu cuối ONT loại 4FE/GE+Wifi tương thích hệ thống GPON cho nhu cầu năm 2020, hồ sơ mời thầu đã "cài cắm" điều kiện đặc thù, khu biệt để hạn chế nhà thầu.

Cụ thể, một trong những tài liệu chứng minh là nhà thầu phải cung cấp văn bản xác nhận kết quả đã đo kiểm tương thích của thiết bị ONT, bản gốc hoặc bản chụp được cơ quan có thẩm quyền chứng thực không quá 6 tháng tính đến ngày đóng thầu nộp kèm hồ sơ đề xuất kỹ thuật với tất cả các chủng loại ONT hệ thống GPON của VNPT đang sử dụng tại 63 tỉnh/thành do các đơn vị thành viên trực thuộc VNPT cấp để chứng minh đáp ứng của nhà thầu đối với các nội dung yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại hồ sơ mời thầu. Đây là tiêu chí bắt buộc nhà thầu phải đáp ứng được để hồ sơ đấu thầu được đánh giá là đạt yêu cầu.

Phải chăng Công ty TNHH Thiết bị viễn thông ANSV được nhiều ưu ái tại Gói thầu mua sắm thiết bị đầu cuối ONT loại 4FE/GE+Wifi? (Ảnh minh họa)

“Hàng hóa của chúng tôi đáp ứng yêu cầu, có hợp đồng tương tự nhưng thực hiện ở chủ đầu tư khác cũng sẽ bị loại ngay lập tức vì không đáp ứng điều kiện này. Đây là điều rất phi lý khiến đấu thầu rộng rãi mà như chỉ định thầu” - Nhà thầu bức xúc phản ánh.

Nhà thầu phản ánh, quy định như trên của Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM là "nhắm" đến nhà thầu quen, chuyên trúng sát giá đó là Công ty TNHH Thiết bị viễn thông ANSV (ANSV). Bởi trong 1 thời gian dài,  ANSV cung cấp mặt hàng này cho VNPT và dường như chỉ có nhà thầu này đáp ứng tiêu chí nêu trên. Kết quả là, ANSV đã trúng gói thầu mua sắm thiết bị đầu cuối ONT loại 4FE/GE+Wifi thuộc kế hoạch Mua sắm tập trung thiết bị đầu cuối ONT loại 4FE/GE+Wifi tương thích hệ thống GPON cho nhu cầu năm 2020 với giá hơn 98,365 tỷ đồng.

Nhà thầu khẳng định, điều này đã đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. 

Điểm a, Mục 5 về xây dựng hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất tại Chỉ thị số 47 nêu rõ: “Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Mặt khác, chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh, không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể...

Theo khảo sát của Reatimes, từ năm 2016 đến nay, có thể kể tới một loạt gói thầu khủng ANSV đã trúng ở Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM.

Tháng 9/2016, ANSV trúng gói thầu Mua sắm thiết bị đầu cuối ONT tương thích hệ thống GPON (đợt 2) năm 2016 cho 63 VNPT tỉnh/thành phố do Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM là bên mời thầu. Gói thầu được đấu rộng rãi trong nước, với giá trúng thầu là 629.697.500.300 đồng.

Trước đó vào tháng 2/2016, nhà thầu này đã trúng gói Cung cấp thiết bị ONT thuộc hệ thống GPON tại Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM với giá trúng thầu 377.553.327.800 đồng.

Vào tháng 8/9/2017, ANSV được công bố trúng liên tiếp 2 gói thầu Mua sắm thiết bị đầu cuối ONT loại 2FE+Wifi với Giá trúng thầu 320.303.733.750 đồng và 322.784.000.000 đồng.

Tháng 6/2019, ANSV trúng gói Mua sắm thiết bị đầu cuối ONT loại 2FE+Wifi tại Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM với giá trúng thầu: 732.927.152.320 đồng.

Các gói thầu ANSV trúng tại Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM chủ yếu thông qua đấu thầu rộng rãi, mua sắm trực tiếp...

Theo đơn tố cáo, dự toán của các gói thầu rất cao và việc đấu thầu thiếu tính cạnh tranh dẫn tới tỷ lệ tiết kiệm cực thấp đã làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Vậy, cơ sở nào để Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM xây dựng dự toán các gói thầu này? Gói thầu Mua sắm thiết bị đầu cuối ONT loại 4FE/GE+Wifi là hàng hoá sản xuất trong nước hay nhà thầu được phép nhập khẩu về và cung cấp cho chủ đầu tư?

Né tránh báo chí

Để rộng đường dư luận, phóng viên nhiều lần đến đặt lịch làm việc nhưng đều bị Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM “câu giờ”, bất hợp tác.

Cụ thể, ngày 10/3, phóng viên Reatimes đã liên hệ qua bộ phận bảo vệ trực ban tại địa chỉ 12/1 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đakao, quận 1 thì nhân viên tên Hùng luôn tìm cách không tiếp nhận thông tin của phóng viên.

Nhân viên Hùng thoái thác: "Hôm nay sếp Kiệt đi vắng, anh lên 125 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1) là trụ sở văn phòng trên đó. Anh đến liên hệ với ai đúng người thì tôi cho lên, không thì về tìm hiểu thông tin lại". 

Phóng viên Reatimes tới địa chỉ số 125 Hai Bà Trưng thì được biết đây là Bưu điện TP.HCM, không liên quan đến Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM; khi quay trở lại Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông yêu cầu liên hệ đặt lịch làm việc tại phòng Hành chính thì ông Hùng khẳng khái: "Đây là cơ quan Nhà nước, ở đây không có phòng hành chính, lãnh đạo đi họp hết. Anh cần thì để lại nội dung tôi sẽ gửi lên cho Giám đốc".

Sau đó, chúng tôi liên hệ qua điện thoại, ông Hùng có nghe máy một lần và báo đã gửi thông tin lên cấp trên. Còn những lần sau thì không liên hệ được và số điện thoại đã bị chặn một chiều.

Chờ đợi quá lâu, ngày 17/3, phóng viên đến trụ sở Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM muốn được tiếp cận hồ sơ pháp lý từ khi chấp thuận cho đến lúc mở thầu, chứng nhận kết quả trúng thầu của dự án. Tại đây, nhân viên bảo vệ tên Phước yêu cầu phóng viên về làm lại Giấy giới thiệu và nội dung. 

Phóng viên tiếp tục thông tin lại bảo vệ Phước về việc đã liên hệ với cơ quan trước đó, để lại giấy tờ với nội dung rất cụ thể và được bảo vệ Hùng cho biết đã chuyển thông tin lên cấp trên nên liên hệ để xác mình lại thông tin. Nhưng như có sự chỉ đạo từ lãnh đạo công ty nên ông Phước luôn thể hiện sự khó chịu và không hợp tác.

Do ảnh hưởng của tình hình đại dịch Covid-19, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Phóng viên liên hệ qua điện thoại nhiều lần, nhân viên ở đây đã chặn số hoặc là đùn đẩy nhằm mục đích "câu giờ".

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.

Công ty TNHH Thiết bị viễn thông ANSV có địa chỉ tại số 124 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ANSV tiền thân là công ty liên doanh do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Alcatel (Pháp) thành lập vào năm 1993 với tên gọi Công ty liên doanh Thiết bị viễn thông Alcatel Network Systems Vietnam - ANSV, trong đó Alcatel đóng góp đa phần số vốn. 

Đến tháng 8/2011, Công ty chuyển đổi hình thức đầu tư từ liên doanh thành công ty có 100% vốn của nhà đầu tư trong nước (Alcatel chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông, đồng thời đổi tên thành Công ty TNHH Thiết bị viễn thông ANSV.

Lĩnh vực hoạt động chính của ANSV là sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ (dịch vụ tư vấn, thiết kế xây dựng đồ án, giám sát lắp đặt, đưa vào vận hành, tiếp thị và bảo hành, bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật) cho các dự án trong lĩnh vực chuyển mạch Alcatel 1000 E10, thiết bị truyền dẫn, hệ thống di động GSM, hệ thống băng rộng ADSL và các thiết bị viễn thông khác do Alcatel và ANSV cung cấp tại Việt Nam và các nước khác.

Ngoài các gói thầu trúng thầu tại Trung tâm Cung ứng Vật tư Viễn thông TP.HCM, ANSV còn trúng hàng loạt gói thầu do Tổng công ty Hạ tầng mạng mời thầu.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top