Aa

Nghĩ về nhóm cổ đông nhỏ từ chuyện ĐHCĐ Sacombank

Thứ Sáu, 07/07/2017 - 15:00

Cổ đông cứ phản đối, doanh nghiệp vẫn cứ làm, thực trạng này tiếp tục lặp lại trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Nhưng câu chuyện có vẻ gây xôn xao hơn cả tại ĐHCĐ của ngân hàng Sacombank tổ chức mới đây.

Thành công về mặt hình thức

Sau hàng loạt đồn đoán, cuối cùng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tổ chức Đại hội cổ đông thành công khi các kế hoạch trước đó của Ban quản trị đều được thông qua.

Về nhân sự, ông Dương Công Minh đến từ Him Lam là người ngồi vào ghế Chủ tịch Sacombank, 5 thành viên HĐQT còn lại được bầu là ông Kiều Hữu Dũng, ông Nguyễn Miêu Tuấn, ông Nguyễn Xuân Vũ, ông Phạm Văn Phong và bà Lê Thị Hoa là thành viên HĐQT độc lập.

Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và BĐS, ông Dương Công Minh được coi là niềm hy vọng có thể giúp Sacombank giải quyết tình trạng nợ xấu khá cấp bách hiện nay, trong đó chủ yếu là từ BĐS. Khi nợ xấu không còn là câu chuyện lớn, ông Minh cũng hứa sẽ rút ngắn chặng đường tái cơ cấu ngân hàng này xuống còn 5 năm (trước đó kế hoạch đặt ra là 10 năm), thậm chí chỉ cần 3 năm. Không những vậy, Sacombank đang hướng tới mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Kết thúc phiên họp, lãnh đạo Sacombank hứa sẽ giải quyết tất cả những vấn đề tồn đọng tại ngân hàng này khi được thay máu nhân sự và tái cơ cấu. Đó ắt hẳn là những điều mà cổ đông mong chờ nhất từ phía ngân hàng.

Cổ đông có hài lòng?

Những lời hứa của ông Dương Công Minh về giải quyết nợ xấu và lợi nhuận của Sacombank là con số đáng mơ ước đối với một ngân hàng bê bết vì nợ xấu, trích lập dự phòng. Tuy nhiên, lời hứa đó có thành hiện thực hay không còn cần những nỗ lực rất lớn từ HĐQT và ban điều hành. Trong thời gian tới đây, chắc chắn nhiều cổ đông vẫn sẽ đặt niềm tin vào Sacombank nhưng cũng có khả năng không ít cổ đông sẽ "chia tay" ngân hàng này khi niềm tin bị đổ vỡ.

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, có những thời điểm không khí đại hội diễn ra khá căng thẳng khi nhiều cổ đông đã không kìm chế được cảm xúc, chất vấn rất gay gắt về trách nhiệm của ông Trầm Bê trong việc khiến ngân hàng làm ăn thua lỗ, cổ đông chịu thiệt.

Cổ đông yêu cầu HĐQT giải thích về việc cổ đông không đồng ý việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank nhưng ban lãnh đạo vẫn làm. Thời điểm đó, ông Trầm Bê cũng đã hứa hẹn rất nhiều về tương lai của Sacombank. Nhưng "lời hứa gió bay" đó đã ra đi cùng ông Trầm Bê.

Cũng tại đại hội, nhiều cổ đông đề nghị cân nhắc sự có mặt của ông Dương Công Minh trong HĐQT, vì đại gia này đang liên quan đến chuyện sân bay Tân Sơn Nhất, có khả năng sẽ thu hồi. Điều này e ngại sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng trong tương lai.

Không ít quan điểm e ngại rằng, việc ông Dương Công Minh tham gia Sacombank nếu không có tư duy mạch lạc và không làm "cho đến nơi đến chốn", rất có thể sẽ sa vào bẫy lợi ích nhóm. Hoặc đi lại vết xe đổ của người tiền nhiệm, khi tay trái nắm ngân hàng, tay phải làm BĐS.

Đáng nói, dù nhiều cổ đông liên tiếp "dội bom" câu hỏi và ý kiến phản đối về phía ban lãnh đạo nhưng kết thúc đại hội, cổ đông vẫn không biết ông Trầm Bê đã ra đi như thế nào và ông Dương Công Minh vẫn được bầu làm thuyền trưởng.

Nghĩ về “trách nhiệm” của cổ đông nhỏ lẻ

Có thể thấy rằng, những thắc mắc của cổ đông Sacombank đều có lý. Tuy nhiên, "số phận" của nhóm cổ đông nhỏ, lẻ của ngân hàng này dường như đều giống với hàng triệu cổ đông nhỏ lẻ của các đơn vị khác:  Số lượng nhiều nhưng tiếng nói ít trọng lượng.

Ví như tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) có cổ đông cá nhân đã trở thành “nỗi ám ảnh” cho ban điều hành. Cổ đông này dành hàng chục câu mỗi mùa cổ đông và không ít lần đề nghị có thêm vị trí thành viên HĐQT độc lập để giám sát hoạt động. Tuy nhiên, ban điều hành công ty vẫn chưa có động thái cụ thể cho vấn đề này.

Ngoài ra, còn rất nhiều những cuộc họp mà cổ đông nhỏ thể hiện thái độ gay gắt với lãnh đạo doanh nghiệp, ví dụ như ĐHCĐ của Masan Resources, sự bất đồng về ngôn ngữ Anh - Việt càng khiến cho cổ đông bức xúc.

Theo một số chuyên gia, câu chuyện xung đột giữa quyền lợi của nhóm cổ đông nhỏ lẻ trong một số trường hợp, hay tâm lý “cửa trên” của nhóm cổ đông lớn, đặc biệt là nhóm cổ đông sở hữu đủ số cổ phần chi phối doanh nghiệp, là điều không khó lý giải. Với cơ chế biểu quyết tính theo số cổ phần, cho dù toàn bộ cổ đông nhỏ lẻ có đứng lên phản đối nhưng ban điều hành nắm giữ trên 65% vốn thì gần như mọi vấn đề đều sẽ được thông qua. Trừ trường hợp vấn đề gắn với quyền lợi của nhóm cổ đông liên quan sẽ bị loại trừ khi biểu quyết.

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI (Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam) cho rằng, so với những năm trước, hiện số cổ đông bỏ vốn vào các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Còn bản thân doanh nghiệp cũng đã tôn trọng và quan tâm hơn tiếng nói của người đã bỏ vốn cho mình.

Tuy nhiên, theo quan sát, quyền lợi của cổ đông thiểu số tại không ít doanh nghiệp vẫn không được coi trọng. Nhiều doanh nghiệp tìm cách hạn chế cổ đông đến dự họp bằng cách quy định số lượng cổ phần nắm giữ tối thiểu, gửi tài liệu ĐHCĐ không đúng thời hạn quy định theo luật và điều lệ công ty, không thông báo mời họp kịp thời… Còn trong đại hội cũng có những vấn đề về quyền lợi của cổ đông nhỏ bị bỏ qua.

"Do đó, để đảm bảo lợi ích, các cổ đông buộc phải nắm rõ quyền lợi của mình và tăng cường liên kết với nhau, nhằm xác lập một tỷ lệ biểu quyết đối trọng với các cổ đông lớn được ghi nhận trong các văn bản pháp lý doanh nghiệp, để có thể tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Đồng thời, cổ đông nhỏ cũng cần chủ động thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động quản trị, điều hành công ty.

Các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số khá đầy đủ. Vấn đề bảo vệ quyền lợi còn lại là do chính cổ đông. Những người bỏ tiền vào doanh nghiệp dù ít hay nhiều cũng cần bỏ tâm lý phó thác cho cổ đông lớn quyết định, thiếu động lực đấu tranh cho quyền lợi của mình”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói. 

Còn nếu không làm được điều đó, với những doanh nghiệp không coi trọng vai trò của cổ đông, nghĩa là quản trị công ty yếu kém, cổ đông cũng nên chia tay, không nên gắn bó lâu dài. Bởi những doanh nghiệp không coi trọng người bỏ vốn vào doanh nghiệp, chắc chắn hiệu quả hoạt động khó có thể tốt được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top