Nghịch lý ngân hàng “thừa tiền”, doanh nghiệp “khát” vốn
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 29.8.2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.
Tại cuộc họp về tín dụng vừa diễn ra, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
“Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục đưa ra các giải pháp nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay. Đây là vấn đề rất khó”, ông Tú nói.
Một mặt ngân hàng thừa vốn, thanh khoản dồi dào và các đại diện ngân hàng cũng cho biết họ “rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn", nhưng một mặt nhiều doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn vay.
Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, qua khảo sát, có tới hơn 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy được tác động tới doanh nghiệp.
Một nhóm các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn lại vẫn đang bị vướng mắc về pháp lý. Một nhóm các doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận với nguồn vốn lại gặp khó khăn do khó hấp thụ vì lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao mặc dù đã được điều chỉnh giảm nhiều nấc trong thời gian qua. Một nhóm các doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn do vẫn còn tồn nhiều khoản nợ đọng trước đó.
Bình luận về hiện tượng này, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) chia sẻ, ông đã dự báo tình trạng này khi mà quan sát thấy sự thay đổi trạng thái trong chính sách tiền tệ quá nhanh từ việc liên tục giảm lãi suất nhanh và mạnh của NHNN.
“Điều này thề hiện quyết tâm của NHNN muốn vực dậy nền kinh tế nhưng cũng dấy lên lo ngại về việc có quá nhiều tiền trong hệ thống thì liệu nền kinh tế có sức cầu đang yếu có thể hấp thụ hết hay không? Hệ quả như chúng ta thấy là tình trạng dư thừa vốn hiện nay tại các ngân hàng thương mại (NHTM) và điều này làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ”, ông Huân nói.
Theo vị chuyên gia này, từ việc ngân hàng thừa tiền còn doanh nghiệp lại khát vốn cho thấy cung và cầu tín dụng không gặp được nhau. Những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì lại không đáp ứng được các điều kiện vay vốn hiện tại, như tài sản đảm bảo không đủ.
“Nếu trước kia một bất động sản vay được 100 đồng thì giờ với thị trường bất động sản đóng băng và có xu hướng đi xuống hiện tại thì ngân hàng chỉ có thể cho vay ít hơn khoảng 60 -70 đồng để đảm bảo an toàn”, ông Huân nói.
Một nguyên nhân nữa theo ông Huân, do tình hình khó khăn nên việc chứng minh khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng bất khả thi, khi mà dòng tiền liên tục giảm ở thời điểm hiện tại.
Do vậy, chuyên gia này cho rằng, ngân hàng muốn cho vay nhưng về mặt quản lý rủi ro thì họ không thể cho các doanh nghiệp này vay được vì nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng. Điều này làm cho ngân hàng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, cho vay cũng không được mà không cho vay thì càng không xong.
“Điều này cũng lại càng làm gánh nặng cho lãi suất cho vay khi mà ngân hàng đang phải chịu chi phí huy động cao, không phải do lãi suất huy động cao mà do huy động được nhiều tiền nhưng không cho vay được, trong khi vẫn phải trả lãi cho lượng tiền đã huy động đó”, ông Huân nói.
Chuyên gia này phân tích, nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là sức cầu của nền kinh tế trong và ngoài nước đang yếu, do vậy các doanh nghiệp không có nhiều đơn hàng thì họ cũng ko có nhiều nhu cầu vay vốn; cá nhân thì vẫn thắt lưng buộc bụng trước tình hình kinh tế không mấy khả quan nên việc vay vốn để tiêu dùng sẽ càng ít.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp đang khó khăn và có nhu cầu vay vốn để bù đắp thanh khoản thì họ lại không đủ điều kiện để vay vốn, như tài sản đảm bảo hay chứng minh dòng tiền để trả nợ.
“Tất cả các điều trên làm cho nguồn vốn ách tắc trong hệ thống ngân hàng thương mại và lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm”, ông Huân nói.
Có chung nhận định, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, bên cạnh các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng do không đủ điều kiện, vướng mắc pháp lý thì nhiều doanh nghiệp cũng không muốn vay.
“Lượng đơn hàng giảm, thị trường khó khăn thì có vay cũng không kinh doanh được, thậm chí thua lỗ nên họ không vay. Còn nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vay thì lãi suất vẫn còn cao nên họ cũng không mặn mà”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố như tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản; việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỉ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc…
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tổng cầu suy yếu, khả năng hấp thụ vốn thấp cần có các giải pháp tổng thể để khôi phục niềm tin thị trường.
Để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, chính sách tiền tệ hiện tại đã mang tính bão hòa và có tiếp tục giảm lãi đi chăng nữa cũng sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế.
Thay vào đó, chúng ta nên tập trung cho chính sách tài khóa, thực hiện các chính sách về phía cầu hơn là phía cung. Trong đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn về giảm thuế VAT (2% chưa thực sự hấp dẫn với người tiêu dùng, nên là giảm 50% hoặc 100% giống như giảm thuế trước bạ ô tô mới có thể tác động đến hành vi tiêu dùng); tập trung giải ngân vốn đầu tư công để gia tăng tổng cầu trong nền kinh tế cũng như có các chính sách về giảm thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích tiêu dùng.
Đối với chính sách tiền tệ, ông Huân cho rằng, nên tập trung các gói hỗ trợ lãi suất kết hợp giữa tiền tệ và tài khóa. Ngoài ra, cần đưa ra những quy định cụ thể cho các gói này để nó thực sự đến được tay doanh nghiệp và người dân.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Huân, cần có các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Ví dụ như giảm bớt các quy định cho vay như tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo, linh hoạt hơn trong việc chứng minh dòng tiền doanh nghiệp; kết hợp giữa cho vay thế chấp và tín chấp để tăng tỷ lệ và hạn mức cho vay nhưng vẫn đảm bảo được quản lý rủi ro tín dụng.
Cùng phân tích về giải pháp, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, nên tập trung vào các giải pháp tài khoá như giảm thuế, đặc biệt thuế VAT cần giảm mạnh hơn và kéo dài hơn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…; còn dưa địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều và trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát hiện nay, việc giảm lãi suất tạm thời nên dừng lại.
Tại cuộc họp về khơi thông vốn tín dụng vừa qua, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng. Để giải bài toán này, riêng hệ thống ngân hàng cũng khó giải quyết được.
“Từ tổng thể chung của nền kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều, cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa”, ông Thành nói.
Đối với tín dụng, ông Thành nhấn mạnh, cần phải phân biệt rành mạch về khả năng về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.
Ngoài ra, cũng theo TS Võ Trí Thành, cần tính đánh giá, toán kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.