Aa

Nghịch lý tín dụng bất động sản

Thứ Bảy, 04/11/2023 - 13:45

Tín dụng bất động sản vẫn tăng trong khi thị trường nhà đất trầm lắng, thì cho vay đối với nhu cầu nhà ở lại có chiều hướng giảm dần.

Cho vay kinh doanh bất động sản tăng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 8/2023, dư nợ tín dụng cho kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng hơn 26.000 tỷ đồng so với tháng trước. Trước đó, tính đến hết tháng 7/2023, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực này đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng  18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%).

Theo đánh giá, đây là mức tăng trưởng rất cao, gấp hơn 4 lần mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (4,54%).

Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, những con số trên cũng cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại. Cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý, nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng, dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn. Một giải pháp được ngành ngân hàng triển khai gần đây để kích thích nhu cầu mua bất động sản là cho phép vay ngân hàng khác để trả nợ khoản vay cũ…

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%). Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa.

Tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm

Trong khi cho vay kinh doanh bất động sản tăng, thì dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất tới hết tháng 8/2023 chỉ đạt hơn 62.700 tỷ đồng, giảm so với hơn 63.200 tỷ đồng vào cuối tháng 7. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đây là năm đầu tiên, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây.

Riêng đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, do thủ tục xây dựng các dự án nhà ở xã hội phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn thiện, nên việc triển khai gói tín dụng này với chủ đầu tư cũng như người mua nhà đạt rất thấp.

Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Trong khi đó, gần đây, các ngân hàng liên tục tung ra loạt gói tín dụng ưu đãi với lãi suất rất thấp. Thế nhưng, trước bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu vay mua nhà cũng không nhiều như trước. 

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương  phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.

Từ đầu 2023 đến nay, đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn, đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp lý, giao đất, xác định giá đất, thị trường vốn, thủ tục hành chính, việc phân cấp, phân quyền, nhất là tiếp cận tín dụng cho bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất...

 Bên cạnh đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top