1. Trường học quốc tế ở Bắc Kinh có mặt tiền độc đáo lan tỏa ánh sáng tự nhiên
Ngôi trường quốc tế độc đáo này ở Bắc Kinh được bao bọc trong một mạng lưới bằng gỗ mà như trôi nổi giữa không trung.
Được thiết kế bởi Jacques Ferrier Architecture, dự án mang đến một bầu không khí độc đáo, tạo ra một cuộc đối thoại với cảnh quan xung quanh và kiến trúc truyền thống của Trung Quốc.
Thiết kế mới của Jacques Ferrier có tên gọi “The French school”, là một cấu trúc liên tục của nhiều độ cao khác nhau và một số lối vào kết nối với nhau bằng lối đi. Không gian sinh hoạt chính được thiết lập tại tầng trệt, trong khi không gian ngoài trời mở về phía vườn cây ăn quả của khu căng tin; còn những cơ sở thể thao thì được thiết kế như những gian hàng riêng biệt.
Các lớp học được đặt ở các tầng trên theo cùng một chiều cung cấp sự linh hoạt cho việc sử dụng. Thêm vào đó, tính năng đặc biệt nhất của dự án là mạng lưới bằng gỗ ở mặt tiền, cho phép ánh sáng tự nhiên lan tỏa vào các không gian mà không hề mất đi sự riêng tư.
2. Công viên xanh trên mái trường đại học tại Pháp
Nằm tại thị trấn mới Marne la Vallée cách thủ đô Paris 20km, khuôn viên trường bao gồm cơ sở nghiên cứu và trường đại học xây dựng mới được đưa vào sử dụng. Dự án được thiết kế bởi Jean-Phillipe Pargade nằm trên khu đất với diện tích 40,000 m2 bao gồm các phòng thí nghiệm, văn phòng, phòng học cùng các khu hoạt động thể dục thể thao và nhà hàng.
Thiết kế nổi bật với mái xanh lượn sóng nằm trên kết cấu mái cong uốn lượn bê tông dự ứng lực – kết cấu thường được sử dụng trong các công trình cầu nhịp lớn. Khu vực mái xanh có thể tham quan, sử dụng này không chỉ cung cấp thêm không gian ngoài trời cho các hoạt động và còn hình thành kết nối mượt mà, lưu loát cho toàn bộ khu vực khuôn viên rộng lớn của trường.
Bên dưới mái xanh là khu vực không gian đa chức năng trong nhà rộng lớn với toàn bộ tường làm bằng kính nhằm mang lại tầm nhìn không bị giới hạn ra bên ngoài. Xét trên khía cạnh môi trường, dự án được thiết kế dựa trên quan điểm sinh-khí hậu học tổng quan nhằm tiết kiệm năng lượng. Hướng của các công trình được lựa chọn nhằm tận dụng tối đa năng lượng từ mặt trời trong khi vẫn đảm bảo điều kiện thông gió tự nhiên. Hệ thống thu nước mưa và tái sử dụng cũng được đưa vào ứng dụng cho công trình.
3. Trường học xanh ở Bali, Indonesia
Hòn đảo Bali của Indonesia vẫn được biết đến như một thiên đường du lịch nhưng động đất, bão lại thường xuyên xảy. Bên cạnh đó, khi lượng khách du lịch tăng cao, những mối lo về rác thải và cách quản lý nguồn nước cũng gia tăng.
Trước những vấn đề đó, người dân Indonesia đã thể hiện tầm nhìn của mình thông qua một ngôi trường xanh đặc biệt trên hòn đảo Bali. Đó là một trường học chính quy với chương trình đào tạo trọng tâm là dạy học sinh biết cách sống bền vững với thiên nhiên. Ngôi trường đang thu hút học sinh đến từ nhiều quốc gia và hiện là một mô hình giáo dục được quốc tế thừa nhận.
Ngôi trường này bao gồm các lớp học được xây dựng rải rác trong khuôn viên rộng 8ha. Mỗi lớp học có một khu vườn riêng và là nguồn cung cấp lương thực cho canteeen của trường.
Trường học xanh chủ yếu sử dụng năng lượng từ pin mặt trời
Hàng ngày, học sinh được dạy một số bài học về môi trường diễn ra ngay tại những khu vườn này. Cùng với các môn học về sinh thái, trường học này vẫn dạy cho học sinh đầy đủ các môn như Toán, Văn học, Triết học và Vật lý. Tại ngôi trường này, các học sinh được học về việc kết hợp những kĩ năng thực hành với nhận thức về tầm quan trọng của môi trường xung quanh.
Học phí cho mỗi học sinh là 10.000 Euro/năm. Đây là số tiền quá lớn đối với các gia đình ở Bali. Vì vậy, các trường học xanh vẫn chỉ dành cho trẻ em của những người nước ngoài giàu có. Nhưng rất có thể một ngày nào đó, những trẻ em này sẽ chia sẻ kiến thức sinh thái đã học được ở đây về quê nhà.
4. Trường học xanh ở Đan Mạch
Đây là một trường học ở Asminderod, Đan Mạch với một loạt hệ thống thảm cây xanh trên mái. Những thảm cây xanh nhấp nhô trên các mái của trường học tạo ra một phong cảnh mà trẻ em vô cùng thích thú với việc ngắm nhìn và chăm sóc chúng, tạo cho học sinh thói quen yêu quý thiên nhiên và bảo tồn thiên nhiên.
Công trình có thiết kế sử dụng năng lượng hiệu quả và tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày. Công trình trường học này áp dụng một loạt các công nghệ kỹ thuật xanh nhằm giáo dục bảo vệ môi trường, bao gồm hệ thống lưu trữ và tái sử dụng nước, bảo tồn đa dạng sinh học và tái sử dụng tối đa vật liệu xây dựng. Hệ thống mái so le và thông thoáng tạo không gian lưu thông và ánh sáng tự nhiên từ các cửa sổ.
Các phòng đều được kết nối tại các điểm giao của tòa nhà, tạo nên sự tiện lợi di chuyển trong cùng một hệ thống của trường. Kết quả là tạo ra các không gian gắn kết, rộng rãi và hòa quyện. Hệ thống làm mát tự nhiên nhờ cấu trúc thiết kế thông minh kết hợp với yếu tố thiên nhiên của cảnh quan khu vực.
Hệ thống thảm cỏ xanh trên mái giúp cho tòa nhà có khả năng cách nhiệt tốt nhất, đồng thời kiểm soát dòng chảy nước mưa và tạo cảnh quan khu vực, cung cấp môi trường tự nhiên, kích thích sự khám phá, sáng tạo và tư duy của học sinh. Toàn bộ dự án trường học xanh này có cấu trúc nhân tạo nhưng dựa trên nền tảng của thiên nhiên là những bài học kinh nghiệm cho việc ứng dụng xây dựng xanh ở môi trường giáo dục.