Công trình đặc biệt này được xây dựng ở dưới chân dãy núi Andes, giáp với các đô thị lớn của Santiago, Chile. Thách thức lớn nhất đối với nhóm KTS là làm sao để tạo ra một không gian phù hợp, chào đón được tất cả các cá nhân đến từ nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau.
“Mục đích là đạt được sự dung hòa giữa những điều đối lập của sự tĩnh lặng và sôi nổi, sự đơn giản và phức tạp, sự quen thuộc nhưng cũng lạ lẫm. Thiết kế của công trình đã hòa tan tất cả bằng ánh sáng”, nhóm thiết kế chia sẻ.
Hariri Pontarini đã sử dụng nhiều loại ánh sáng khác nhau để thực hiện thiết kế của mình. “Sự diệu kì của ánh nắng mặt trời lốm đốm dưới những tán cây giống như những sợi tre đan trong một chiếc giỏ, như những mảnh vỡ của một tấm kính chính là nguồn cảm hứng của chúng tôi”.
Từ đó, ý tưởng về công trình phác thảo tay được thông qua và các mô hình vật lý, hình vẽ kỹ thuật số và các bản vẽ chi tiết được nhóm thiết kế thực hiện.
Sau quá trình nghiên cứu, vật liệu xây dựng được sử dụng trong công trình là đá cẩm thạch được khai thách từ mỏ đá Estremoz Bồ Đào Nha để làm mặt nội thất bên trong và kính tấm được đúc để phục vụ cho mặt ngoài của công trình.
Theo đó, có tới 1.129 miếng kính tấm đúc theo cả hình thẳng và cong được sử dụng rồi ráp vào nhau thành một chiếc “cánh” trong tổng số 9 chiếc cánh tạo thành vòng xoáy ở đỉnh ngôi đền.
Người ta đã phải huy động hàng trăm công nhân để thực hiện thành công việc kết nối 9 chiếc cánh này lại với nhau.
Kiến trúc của ngôi đền cũng tạo ra sự hòa hợp với không gian, màu sắc và khí hậu của khu vực quanh đó. Vào ban đêm, nó chiếu ra những tia sáng mềm mại, huyền ảo giữa vùng núi non yên ả.
8 ngôi đền Bahá‘í trên thế giới không chỉ được sử dụng như các trung tâm cộng đồng mà nó còn là nơi để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo công nghệ và kiến trúc của nhiều KTS.
“Ngôi đền này còn hơn cả một câu chuyện về công trình, sự sáng tạo và thiết kế phức tạp”, nhóm KTS Hairi Pontarini cho biết.