Aa

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những công trình tâm linh trên đỉnh Fansipan

Thứ Ba, 13/03/2018 - 23:19

Những ngày cuối tháng Giêng, nắng đã len qua lớp lớp đám mây điệp trùng trên dãy Hoàng Liên, dẫn lối những người hành hương tới miền đất Phật. Nơi đỉnh thiêng Fansipan, các tăng ni Phật tử và khách bộ hành bước qua từng bậc đá, hoan hỉ tới “Cổng trời” để bước vào một hành trình thưởng ngoạn khó quên.

Từ Ga đi cáp treo Fansipan - bước lên cabin lướt qua những vạt rừng đang bật nở những chùm đỗ quyên đầu mùa, tâm hồn thấy nhẹ bẫng. Hành trình hành hương bái Phật ấy được khởi đầu đầy chất thơ như thế.

Giữa không gian khoáng đạt, bao la, hít thật sâu thứ không khí thanh khiết tràn đầy năng lượng của núi rừng Tây Bắc, sải bước chân an nhiên bước tới Cổng Trời thênh thang để cảm thấy lòng mình cũng đang rộng mở như những gì dần hiện hữu trước mắt sau tầng mây mỏng.

Trên độ cao 2.900m, Bích Vân Thiền Tự khiêm tốn nằm bên núi đá với ba gian hai chái. Thiết kế truyền thống từ những tiền mẫu di tích kiến trúc gỗ cổ xưa như chùa Bối Khê, chùa Thầy,… với tam cấp, sân thềm,Tam Quan, đền thờ Tổ, thờ Mẫu,… mang đến cảm giác thật thân thuộc, bình an.

Trên trục chính của Bích Vân Thiên Tự, Đài gác Đại Hồng Chung thẳng vút với lầu chuông tám mái sừng sững giữa non ngàn.

Trên nền xanh của trời và của núi, những phiến đá xanh mát của đài gác tiệp vào thiên nhiên như thể sinh ra từ đó. Mỗi cơn gió lùa qua đài gác, từng chiếc chuông treo trên tầng mái rung lên những tiếng ngân thánh thót xa xôi…

Từ Bích Vân Thiền Tự dọc theo con đường nhỏ quanh co hai bên là mây và cây rừng giăng lối, sẽ tới nơi ngự toạ Đại Tượng Phật A Di Đà, bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Việt Nam tới thời điểm hiện tại.

Để làm nên kiệt tác cả về nghệ thuật và tâm linh này, các nghệ nhân đã kỳ công ốp hàng ngàn tấm đồng đen chỉ dày 5mm theo kỹ thuật áp lực cơ khí lên khung thép đặc biệt chống biến dạng.

Kỳ công của con người giữa thiên nhiên bao la của Tây Bắc sừng sững, uy nghiêm như thể một phần không thể thiếu của đỉnh Fansipan linh thiêng kỳ vĩ.

Men theo triền núi, đường La Hán dẫn lối khách bộ hành tới quần thể Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Không đơn thuần là một lối đi, đường La Hán mang đến nhiều xúc cảm hơn thế.

Ngắm nhìn 18 vị La Hán bằng đồng oai nghiêm với những biểu cảm chân thật đến xúc động, chạm tay vào những cây đỗ quyên quý 400 năm tuổi dọc đường, thấy cuộc hành hương thêm phần ý nghĩa.

Kết thúc đường La Hán, Kim Sơn Bảo Thắng Tự được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” với đầy đủ Tiền Đường, Tam Bảo, Nhà Tổ, hành lang bên, tháp đá, Tam Quan sẽ là điểm cuối cùng trên hành trình bái Phật, trước khi chạm Nóc nhà Đông Dương.

Điểm nhấn trong quần thể Kim Sơn Bảo Thắng Tự là tòa Bảo tháp cao 20m, kế thừa thiết kế từ ngôi tháp chùa Phổ Minh ở Nam Định (được biết như nơi quàn xá lỵ Phật hoàng Trần Nhân Tông), ốp đá sa thạch khai thác từ miền Trung...

Và tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 9m, ngự trên một tảng đá giữa mây trời, hướng đôi mắt bao dung xuống cõi trần thế để mang bình an, lòng thiện tới cho những kẻ hành hương tới cõi Phật từ bi.

Giữa không gian uy nghiêm mà rộng mở, tiếng chuông vang lên như chạm tới cả tâm can. Bao muộn phiền, tham, sân, si bỗng chốc tan vào gió lộng, chỉ thấy trong lòng ước vọng về một cuộc sống an nhiên ngập tràn tình thương yêu.

Hành hương chiêm bái vào dịp “Hội xuân Mở Cổng Trời Fansipan” kéo dài từ mùng 9 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch, các Phật tử và khách thập phương sẽ được nhận bùa trì chú để đón bình an, vẹn tròn cả năm.

Với nhiều du khách, Fansipan sau cuộc hành hương ấy đã trở thành một điểm đến linh thiêng trong danh sách những điểm đến tâm linh mỗi mùa xuân đến.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top