Ngôi nhà màu trắng nổi bật giữa con hẻm nhỏ tại đường Âu Cơ, quận Tân Bình (TP.HCM) của anh Châu Chấn Quyền khiến nhiều người trầm trồ về thiết kế lạ mắt, ấn tượng nhưng vẫn hiện đại, tinh tế. Ngôi nhà được thiết kế bởi KTS. Ngô Việt Khánh Duy và KTS. Võ Thanh Linh (Công ty thiết kế 23o5).
Chia sẻ với PV Reatimes, anh Châu Chấn Quyền (sinh năm 1990 - Giám đốc sáng tạo và Co-Founder của Công ty The Secret A) tâm sự, ngôi nhà này được ba của anh để lại, ngôi nhà cũ xây từ 40 năm trước nhưng đến nay đã xuống cấp rất nhiều. Sau đó, gia đình anh cũng đã xây 1 ngôi nhà mới theo phong cách Industrial có địa chỉ tại quận 6 và đã dọn qua ở từ năm 2016. Tuy nhiên, khi ở được 3 năm thì đến năm 2018 mẹ anh vẫn nhớ xóm cũ, nhớ nơi đã gắn bó mấy chục năm, hơn nữa cũng muốn trở lại với cộng đồng người Hoa nên anh đã nhen nhóm ý tưởng xây lại căn nhà tổ do ba để lại.
“Ban đầu thì mình có nghĩ sẽ đi hẳn phong cách Trung Hoa đương đại, nhưng mà mình lại không thích những chi tiết kiểu điêu khắc tỉ mỉ nên kết quả là một bản thiết kế không theo 1 phong cách nhất định nào ra đời.
Thế là từ 2018, mình làm việc với KTS. Khánh Duy một thời gian để ra được bản thiết kế ưng ý. Mình khá là khó tính về mặt thẩm mỹ, cũng may là mình đã làm với anh Duy 2 dự án thiết kế rồi nên cũng hiểu nhau và cũng có rút ra kinh nghiệm khi đã từng thiết kế và thực sự dọn vào ở bên nhà quận 6”, anh Chấn Quyền nói.
Theo anh Chấn Quyền, ngôi nhà được thiết kế theo phong cách cá nhân chứ không hề mang 1 phong cách nhất định nào.
Ngôi nhà với diện tích sàn là 92m2, 1 trệt, 3 lầu và sân thượng là sự pha trộn của nhiều trường phái, có những mái vòng trắng cong cong uốn lượn giao thoa nhau giống thiết kế Santorini, những mẫu nội thất gỗ màu sáng mang chút hơi thở Trung Hoa đương đại (bởi anh là người gốc Hoa).
Chiếc cầu thang xoắn như một điểm nhất đặc biệt cho cả căn nhà, và những khoảng không “thở” phối hợp các chi tiết lại một cách hài hoà.
“Bản thiết kế cuối cùng là nỗ lực và sự góp ý từ 2 phía giữa mình và kiến trúc sư để có được một thiết kế phù hợp công năng và đúng gu của mình. Dù gì thì đây cũng là nơi mình sẽ gắn bó trong một thời gian dài nên mình không muốn chạy theo 1 xu hướng hay 1 phong cách nhất định mà bỏ qua cái tôi của mình. Bởi vì biết đâu nhiều năm nữa mình lại thay đổi không thích phong cách đó nữa, nhưng với cái “tôi” của mình thì nếu 10 năm sau dù mình có không thích nữa thì nó cũng là dấu ấn của một thời tuổi trẻ của mình”, anh Quyền tâm sự.
Được biết, thời gian thiết kế ngôi nhà là khoảng 1 năm, còn thời gian xây dựng khoảng 9 tháng (có nghỉ dịch mất hơn 1 tháng) và được hoàn thành vào tháng 6/2020.
Tiết lộ về điểm nổi bật nhất của ngôi nhà, theo anh Chấn Quyền đó có lẽ là chiếc cầu thang ngoài trắng trong vàng như xương sống nối các tầng lại với nhau và cũng là nơi lấy và cản một phần ánh sáng từ giếng trời to trên mái kính khung sắt.
“Điều mình thích nhất ở đoạn này không chỉ riêng là thiết kế của cầu thang xoắn, mà là cái khoảng không vừa đủ ở giữa nhà, mang theo gió và ánh sáng cho cả một ngôi nhà, nơi này như cả cái phổi của căn nhà vậy, nó kết nối mọi thứ trong nhà lại với nhau một cách hài hoà”, anh Quyền vui vẻ nói.
Ngoài ra, điểm nổi bật khác mà anh cũng vô cùng ưng ý là không gian phòng bếp và phòng ăn thông từ trệt lên đến tầng 1 với trần cao 5m được thiết kế vòm trắng điểm các đèn sao.
Cũng theo anh Quyền: “Đây là nơi gia đình tụ tập nhiều nhất và cũng là nơi để bạn bè qua chơi ăn uống, cảm giác đứng nấu bếp hay ăn uống trong một không gian dù là indoor nhưng trong một khoảng không lớn bao quanh như vậy thấy rất là phê”.
Bật mí về chi phí hoàn thiện bao gồm nội thất và cả ép cọc làm móng, anh Chấn Quyền cho biết tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng.
Đặc biệt, sau quá trình xây dựng nhà anh Chấn Quyền đã rút ra 2 điểm cần lưu ý đó chính là:
“Thứ nhất, để làm phần hoàn thiện đẹp như bản thiết kế là cả một vấn đề lớn. Một vấn đề thường xuyên gặp phải khi xây nhà mà mình nghĩ rất nhiều trường hợp các căn nhà thực tế so với bản vẽ đẹp lung linh là: Bị đội chi phí và thời gian do thiết kế khó.
Muốn ngôi nhà đạt 7 - 8 điểm thì nhanh, muốn lên 9 - 10 điểm thì sẽ gấp đôi/ba về tiền bạc và thời gian thi công. Cột cầu thang sắt khi làm cong thì chi phí mắc gấp 4 lần thang thẳng, chưa kể thời gian thi công lâu hơn và sẽ phát sinh nhiều chi tiết nhỏ phải chỉnh sửa. Lúc đó nếu như vì vấn đề chi phí mà thay đổi thiết kế thì cuối cùng căn nhà hoàn thiện sẽ “mất hồn” và cảm giác chắp vá. Vấn đề này khá là nhức nhối và mình cũng mất ngủ mấy đêm, cắn răng lắm mới quyết định đồng ý giữ thiết kế và chấp nhận trả mức giá gấp 4 lần cho cái đẹp.
Ở Việt Nam mình thấy nhiều chủ nhà và nhà thầu hay tự ý thay đổi thiết kế nhưng không thông qua kiến trúc sư. Khi đó mình sẽ không có cái nhìn tổng quan, mình không có hình dung một bản vẽ 3D thực tế trong đầu khi quyết định thay đổi thì kết quả ra nhiều khi không đẹp như mình tưởng tượng.
Vậy nên bạn phải có một kế hoạch cho cả phong cách thiết kế và ngân sách trước khi brief (phác thảo ý tưởng) kiến trúc sư, và hãy luôn chắc chắn rằng phần thiết kế này nằm trong ngân sách của bạn. Đừng có quá nhiều chi tiết khó nếu như bạn muốn tiết kiệm, hãy đầu tư vào một điểm nhấn cốt lõi của toàn bộ thiết kế và có thể cân nhắc đơn giản hoá các chi tiết khác ngay từ giai đoạn thiết kế để việc thi công nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Thứ hai, về tính thực tế của bản vẽ kỹ thuật. Ngôi nhà này làm trong khoảng thời gian khá là dài một phần vì trong quá trình thi công thực tế có những điểm không hợp lý trên bản vẽ nên bên thi công dừng lại lấy ý kiến từ kiến trúc sư và chủ nhà. Thế là 3 bên phải gặp nhau bàn bạc và thống nhất với nhau cách xử lý, sau khi thống nhất rồi thì đợi bên kiến trúc sư cũng phải cập nhật bản vẽ mới để bên thi công bám trên bản vẽ mà triển khai.
Việc này dẫn đến một vài giai đoạn thi công bị dừng lại vì phải chờ nhau. Nhưng theo mình thì đây cũng là một cách hay vì mọi thứ được chạy dựa trên bản vẽ giấy trắng mực đen, mình cũng không thích chỉ nói miệng để rồi sau đó dễ xảy ra hiểu nhầm và sẽ khá tốn kém về vật tư và nhân công nếu như phải đập đi làm lại. Mà đối với mình thì một khi đã sửa, đã đập làm lại thì nó sẽ mang tính chắp vá và không được hoàn hảo như là làm đúng ngay từ đầu.
Thế nên mình nghĩ tốt nhất là trước khi thi công 3 bên: Kiến trúc sư - chủ nhà - thầu xây dựng nên ngồi với nhau đi qua hết các chi tiết trong bản vẽ kỹ thuật và chỉnh sửa cho hoàn thiện bản vẽ trước khi thi công thì sẽ đỡ bị gián đoạn”./.