Ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản công nghiệp Việt Nam
Bất động sản công nghiệp cung cấp không gian và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghiệp, hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Năm 2023, mặc dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, song bất động sản công nghiệp vẫn đạt được những kết quả tích cực. Phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và thời gian tới.
***
Bất động sản công nghiệp là bất động sản được sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ. Bất động sản công nghiệp bao gồm nhà xưởng, kho bãi, nhà máy, trung tâm phân phối, cơ sở hạ tầng công nghiệp và các khu đất có tiềm năng phát triển công nghiệp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp… Bất động sản công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Đây là một phân khúc quan trọng trong thị trường bất động sản.
Trước năm 2018, phân khúc bất động sản công nghiệp được triển khai khá sớm nhưng mang tính bao cấp nhiều hơn, việc thành lập mỗi khu công nghiệp đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định, mỗi cụm công nghiệp đều do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định. Giai đoạn này, Việt Nam cũng chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp. Độ lấp đầy tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn này mới chỉ đạt khoảng 50%.
Kể từ năm 2018 trở lại đây, cuộc chiến tranh thương mại và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến hầu hết các nhà đầu tư lớn từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc chuyển địa điểm sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, việc thực hiện 2 Hiệp định thương mại tự do kiểu mới CPTPP và EVFTA cũng là động lực đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Triển vọng phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp ở Việt Nam rất lớn. Độ lấp đầy các khu công nghiệp đã tăng lên tới 75%, giá thuê hạ tầng tại các khu công nghiệp cũng tăng khoảng 15%.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 414 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 130.000ha, tăng 7 khu công nghiệp so với cuối năm 2022. Trong đó, 295 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 92.200ha, tăng thêm 3 khu công nghiệp so với cuối năm 2022. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là 73%. Các khu vực trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam duy trì ở mức cao trên 82%. Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng đang là hai khu vực chiếm tới 60% tổng diện tích khu công nghiệp của cả nước.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 là rất phù hợp với bối cảnh dòng đầu tư FDI chuyển hướng vào Việt Nam. Độ lấp đầy của các khu công nghiệp tăng từ 50% lên 75%, giá thuê hạ tầng khu công nghiệp đã tăng khoảng 15%. Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020, trong đó có các chính sách ưu đãi cho đầu tư vào khu công nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có chính sách gắn kết khu công nghiệp và khu đô thị để hình thành hệ sinh thái cộng sinh dựa trên kinh tế tuần hoàn. Bất động sản công nghiệp có khá đầy đủ khung pháp luật để phát triển.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), đến năm 2030, tổng giá trị tài sản của toàn nền kinh tế ước tính đạt 130.017,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 5.601,31 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị tài sản các ngành bất động sản của Việt Nam ước tính đạt 28.603,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 1.232,29 tỷ USD, chiếm 22% giá trị tài sản của toàn nền kinh tế. Trong các nhóm ngành bất động sản, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ có sự tăng trưởng tốt nhất. Đến năm 2030, tỷ trọng của nhóm ngành này sẽ chiếm tới 40,96% trong tổng GDP của bất động sản.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm (2011 - 2020), công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực.
Đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị đạt 42,7%. Toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Đô thị và sự phát triển của hạ tầng kéo theo sự thay đổi theo hướng tăng thêm nhu cầu về nhà ở, dịch vụ sinh hoạt, lưu trú, ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân, đặc biệt là vấn đề phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Đây chính là tiền đề cơ bản và là thước đo để phát triển nguồn cung của thị trường bất động sản. Quá trình đô thị hóa càng mạnh, sự đầu tư cho hạ tầng được chú trọng thì thị trường bất động sản càng có cơ hội để phát triển. Đô thị hóa tạo điều kiện thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn, tạo tiền đề thị trường cho bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Một số định hướng chính sách quan trọng có tác động đến sự phát triển của bất động sản công nghiệp như:
- Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, có tính kết nối theo mạng lưới cao và gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoàn thiện mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.
- Khuyến khích phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, nhất là tại các đô thị, vùng đô thị có mật độ dân số cao. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiệm cận với tiêu chí đô thị sinh thái.
- Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai, tín dụng, tài chính, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- Có chiến lược, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để thúc đẩy hình thành một số trung tâm du lịch, trung tâm logistics, trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ khu vực và quốc tế tại một số đô thị.
- Ðổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Xây dựng khung tiêu chí và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh, khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ.
- Hoàn thiện các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đó chính là những động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và sự phát triển dài hạn của phân khúc bất động sản công nghiệp.
Trước nhu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang kinh doanh, sản xuất, làm việc liên quan đến các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã quyết định thành lập Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (Liên Chi hội), nhằm tạo lập một sân chơi chung cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản công nghiệp trên cả nước chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh doanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Liên Chi hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tham gia tự nguyện của các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau phát triển. Để đáp ứng môi trường và bối cảnh mới, Liên Chi hội xác định luôn mang lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho các thành viên.
Liên Chi hội hướng đến thực hiện tốt vai trò là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển bất động sản khu công nghiệp và các lĩnh vực có liên quan. Tham gia sâu rộng cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Tương trợ lẫn nhau giải quyết khó khăn, vướng mắc để cùng phát triển.
Liên Chi hội sẽ bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động và nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng để xác định và triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động của Liên Chi hội phù hợp với tình hình thực tiễn.
Giai đoạn tới là giai đoạn chiếm lĩnh thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 29/NQ-TW cũng đã xác định, đến năm 2030, Việt Nam cần hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Qua nhiều năm đầu tư nghiêm túc và bài bản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua thử thách của thị trường, tạo dựng được vị thế trong việc cung cấp các sản phẩm bất động sản công nghiệp. Kinh tế Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới và tạo ra nhiều nhu cầu cho bất động sản công nghiệp. Đó chính là động lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của Liên Chi hội, không chỉ phát triển về số lượng mà cả về chất lượng, thể hiện qua việc các thành viên phát triển nhanh, bền vững. Liên Chi hội là cái nôi, là bệ phóng cho những doanh nghiệp, doanh nhân bất động sản công nghiệp trong những năm tới.
Liên Chi hội thực hiện vai trò người đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, tăng cường sâu sát cơ sở, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, phát hiện những nhân tố mới, đề xuất cải cách cơ chế chính sách tạo đột phá cho phát triển để tham mưu cho Đảng, Nhà nước.
Trong khí thế "Đoàn kết - Sáng tạo - Bền vững" của Đại hội thành lập Liên Chi hội, tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và định hướng hoạt động của Liên Chi hội trong nhiệm kỳ đầu tiên, cùng với sự ủng hộ và liên kết chặt chẽ các cơ quan, tổ chức, nhất là sự quản lý chuyên ngành của Bộ Xây dựng, Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều kết quả, đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết, trách nhiệm vào sự phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam. Sự thành công của Đại hội sẽ tạo khí thế mới, lan tỏa tinh thần liên kết, gắn bó, sáng tạo, trách nhiệm, góp phần thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Nghị quyết Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ V (2022 - 2027) và Nghị quyết Đại hội Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam nhiệm kỳ I (2024 - 2029).
Nhân dịp này, tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân bất động sản công nghiệp phát huy truyền thống tốt đẹp, sức mạnh đoàn kết thống nhất; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.