Đam mê, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đó là những tố chất mà người trẻ ngày nay cần có để trải nghiệm những cái mới mẻ, độc lạ, cho dù nó có dị đi chăng nữa thì nó cũng là cái thành quả sau những ngày lao động miệt mài, hăng say cùng một tim cháy hết mình. Những ngày qua, nếu theo dõi tin tức trên báo chí, hẳn bạn sẽ không thể không chú ý đến chàng trai trẻ tên Nguyễn Ngọc Quỳnh, người đã giả làm ăn xin ở Nepal gây chú ý với câu nói: “Tôi vui. Hãy lấy tiền nếu bạn buồn. Hãy cho tôi tiền nếu bạn vui”.
Sau thử nghiệm ăn xin đó, cái tên Nguyễn Ngọc Quỳnh bỗng trở nên "nổi như cồn" trên mạng, và sau khi biết được câu chuyện phía sau cuộc đời của anh chàng đam mê đi và khám phá này, nhiều người càng tỏ ra mến mộ anh hơn vì những suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc sống đáng suy ngẫm mà ít người trẻ ngày nay có được.
Chân dung ông bố truyền cảm hứng và cậu con trai.
Đọc bài viết về anh, ngoài những chia sẻ của anh về cuộc sống, con người, những chuyến đi, không ít người còn bày tỏ quan tâm đến ngôi nhà hình tròn độc đáo anh kỳ công xây dựng tặng con trai và cách dạy con của ông bố trẻ có tình yêu thương con vô bờ bến này. Hãy cùng chúng tôi đến thăm ngôi nhà được ví như Nhà của người lùn hobbit trong bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" để xem ông bố tài năng, dám nghĩ, dám làm này đã biến ước mơ của con thành hiện thực như thế nào nhé.
- PV: Chào anh Ngọc Quỳnh, rất vui được đến thăm ngôi nhà độc đáo của anh, anh có thể cho mọi người được biết lý do vì sao anh quyết định xây ngôi nhà có 1-0-2 như thế này?
Đây là ngôi nhà tôi xây để dành tặng cho con trai như một món quà tạm biệt trước khi cháu sang nước ngoài định cư với mẹ. Những lần hai bố con gặp nhau, tôi hay khuyến khích và xem tư duy suy nghĩ của con như thế nào. Tôi biết, trong cuộc sống bận rộn ngày nay, bọn trẻ nhiều khi không được suy nghĩ và làm theo những thứ chúng thích mà phải chịu nhiều áp đặt từ cha mẹ.
Tôi không muốn con mình cũng như vậy, trong những lúc cha con trò chuyện, tôi hay hỏi: "Con thích điều gì, con mong muốn gì và con thích tưởng tượng cái này như thế nào?", rồi hai cha con cùng biến những điều đó thành hiện thực. Chẳng hạn như, con tưởng tượng và vẽ ra con kiến, tôi sẽ làm nó thành con robot kiến tự chạy. Con không thích ngủ trên giường, tôi dựng lều giữa nhà cho con ngủ và tưởng tượng hai bố con đang nằm giữa rừng. Thế rồi một lần, con tôi ngồi vẽ tranh, con nói: "Con thích một cái nhà hình tròn".
Thế là ý tưởng nảy ra trong đầu, tôi muốn chứng minh cho con thấy rằng: "Hãy cứ ước mơ đi, không ai cấm cản điều đó cả" và rằng "trên đời này không điều gì là không thể nếu con có đam mê và quyết tâm". Hơn nữa, thời điểm ấy, tôi cũng muốn làm một điều gì đó để sau này con không ở gần nữa thì cu cậu vẫn nhớ về một thời ở đây và những kỷ niệm của hai cha con.
Ngôi nhà hình tròn ẩn dưới đám cây lá xanh mướt trông lạ mắt.
Nhìn hình dáng bên ngoài của ngôi nhà, nhiều người liên tưởng đến nhà của người lùn hobbit trong bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn".
Đây là món quà ông bố trẻ dành tặng cho con trai yêu quý.
Từ ý tưởng phác thảo và những dự tính trên bản vẽ và mô hình 3D...
... đến bắt tay vào thi công.
- Anh bắt đầu thiết kế và thi công ngôi nhà như thế nào?
Năm 2014, tôi dốc hết tiền trong túi tiết kiệm được sau nhiều năm đi làm để mua mảnh đất này và quyết định thực hiện ước mơ của con – xây một cái nhà hình tròn.
Sau nhiều gian nan, vất vả, phần thô của ngôi nhà cũng được hoàn thành. Tôi làm công việc liên quan tới công nghệ thông tin, phát triển nội dung nên không có nhiều kiến thức về xây dựng nhưng vẫn tự mày mò đưa ra những bản vẽ đơn giản và mô hình về ngôi nhà. Sau khi phác thảo mô hình 3D đơn giản, tôi tìm các đội thợ xây thì không ai dám nhận vì không có bản vẽ, kết cấu cụ thể.
Bước đầu đã gặp khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm. Tôi thuê hai bác thợ xây “cứng tay nghề”, trả công theo ngày để họ cùng tôi làm. Cứ như thế, vừa làm tôi vừa nghĩ xem làm gì tiếp theo, rồi quá trình thi công cũng nảy sinh nhiều vấn đề tôi không lường trước được, lúc đấy mới lại tính cách khắc phục. Chẳng hạn lúc xây gần lên phần trên cùng ngôi nhà, chúng tôi phải đỡ từng viên gạch, đợi một lúc rồi mới đặt được viên tiếp theo.
Ngôi nhà có 4 ụ tròn gồm phòng khách và gian bếp, phòng ngủ, phòng làm việc và cuối cùng là nhà vệ sinh. Bốn khối nhà tựa vào nhau thành một tổng thể.
Anh Quỳnh trồng cây dây leo quanh nhà tạo không khí thoáng mát, hòa hợp với thiên nhiên. Cứ thế, phải mất đến 4 tháng phần thô của ngôi nhà mới được hình thành, còn phần hoàn thiện bên trong thì một mình tôi tự tay làm nên thời gian kéo dài cả năm, rồi mảnh vườn tôi cũng tự tay làm mỗi hôm một chút, dần dần cũng xong.
- Ngôi nhà với hình tròn kiểu này khá lạ ở Việt Nam, chắc anh cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng?
Đúng rồi, khó khăn có chứ. Nhiều hôm lên, nhìn mọi thứ còn dang dở, chả biết làm thế nào tiếp, tôi thở dài ngao ngán và bảo với các bác thợ thôi về nghỉ 1 tuần. Rồi nhiều lúc muốn buông xuôi, không làm nữa nhưng tôi nghĩ lại mục đích ban đầu mình làm và quyết tâm dành tặng cho con một món quà đặc biệt nên lại cố gắng cho xong.
Nội thất trong căn nhà này cũng là do anh Quỳnh tự tay thiết kế, sắp đặt. Mọi thứ đều được tối giản hóa nhưng vẫn tạo cảm giác ấm cúng.
Nhà vệ sinh.
Phòng ngủ cũng được thiết kế đơn giản. Tôi đặt tên ngôi nhà cho con là TomoBio. Bio là từ gốc của tiếng Hy Lạp cổ, là về sự sống, nguồn gốc cuộc sống, Tomo thì là tiếng Việt không dấu: tò mò. Còn đại ý cái tên là luôn tò mò khám phá thế giới.
- Thế còn vườn rau, cách anh làm vườn cũng có vẻ rất lạ?
Tôi áp dụng phương pháp làm vườn “square foot garden” tức là chia mảnh vườn thành nhiều ô vuông, mỗi ô vuông kích thước 1m x 1m. Chúng đều được be viền gỗ, tôn đất bên trong, cao lên 20cm. Và mỗi ô vuông lại được chia ra thành 16 ô vuông nhỏ, trong mỗi ô đó có thể trồng 1 loại cây, rau (từ 1-16 hạt giống tuỳ loại). Phía trên tôi lắp mái vòm bằng ống nhựa PVC để phủ lưới che khi nắng nóng, hoặc cần chống côn trùng.
Điểm đặc biệt là phương pháp này không cần phân bón, không cần nhổ cỏ, không cần cong lưng xới đất sau mỗi đợt thu hoạch.
Lúc làm đất trồng, tôi đã làm rất kỹ lưỡng. Thành phần đất bao gồm: một là phân xanh, tức cây già, lá khô, bìa carton, giấy báo… ẩm mục tạo thành, chúng chiếm 1/3 đất vườn, hai là rêu bùn, bùn non, chiếm 1/3, còn lại là các loại nguyên liệu thô tạo độ xốp đất. Trồng xong một lứa, bản thân các lá già, cây chết lại thành phân xanh. Cứ như vậy, việc làm vườn cũng không nặng nhọc lắm.
Khu vườn được thiết kế theo phương pháp “square foot garden” của ông bố trẻ.
Con trai anh Quỳnh thích thú với thành quả hai bố con làm ra. Vậy là trong suốt 2 năm trời miệt mài tìm tòi, mày mò cùng lòng quyết tâm và tình yêu dành cho cậu con trai nhỏ, anh Quỳnh đã thực hiện được ước mơ của con. Anh đã chứng minh cho mọi người thấy được rằng không chỉ có các mẹ mới biết chăm lo và yêu thương con cái hơn các ông bố. Bố, với bàn tay thô ráp, cứng cáp của mình có thể yêu thương và nuôi dưỡng ước mơ cho con theo cách riêng của mình. Anh Quỳnh, bằng tất cả tình yêu thương của một người cha, bằng bàn tay và khối óc sáng tạo của mình, anh đã thực hiện được ước mơ của con, truyền cho con niềm tin, sự dũng cảm, bản lĩnh.
Dù có ai đó nói anh làm việc có phần kỳ dị thì cũng không thể phủ nhận tình yêu thương vô bờ bến mà anh dành cho con trai và cách anh dạy con về lòng quyết tâm, kiên trì và dám ước mơ. Bằng chứng là ngôi nhà hình tròn phủ xanh cây lá mà ai nhìn vào cũng phải trầm trồ khen ngợi...