Aa

Bộ Xây dựng phản hồi về thông tin tạm ngừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

Thứ Năm, 02/03/2023 - 17:22

Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh bền vững, trong đó có nội dung về gói tín dụng cho nhà ở xã hội.

Để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ Xây dựng đã đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây). Trong đó dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi và dành khoảng 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. 

Cũng tại hội nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh bền vững, trong đó có nội dung về gói tín dụng cho nhà ở xã hội. Sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trước đó, trao đổi với Reatimes, nhiều chuyên gia đánh giá cao và đặt kỳ vọng vào gói tín dụng 110.000 tỷ đồng. 

“Gói 110.000 tỷ đồng là một điểm sáng đáng hoan nghênh và cần được ủng hộ trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay. Đây là gói tín dụng mà người dân rất mong mỏi để có thể tiếp tục giấc mơ an cư, do đó, cần giải ngân đúng đối tượng, và có giải pháp để người dân có thể tiếp cận được", chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, nếu đề xuất này được phê duyệt, nhiều người có thu nhập trung bình và thấp đã có thể mua được nhà ở. Từ đó, có thể hy vọng thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội trong thời gian tới, đồng thời sẽ lan tỏa và giúp thị trường bất động sản dần hồi phục trở lại.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty GP.INVEST cho rằng, cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội như đề xuất của Bộ Xây dựng nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án nhà ở xã hội mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội.

“Trước hết là vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý rồi sử dụng quỹ này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung sau đó mới lựa chọn chủ đầu tư thì sẽ chủ động được kế hoạch và đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư. 

Về gói 120.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất, theo các chuyên gia, mức hỗ trợ giảm lãi suất chỉ từ 1,5 - 2% so với lãi suất cùng kỳ của thị trường là không đáng kể. 

PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông; nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)nhấn mạnh, với mức độ hỗ trợ lãi suất từ 1,5 - 2%, xét trên lãi suất hiện tại, sau khi giảm rồi sẽ ở mức trên dưới 10%, có thể sẽ vẫn là khó khăn với các đối tượng ở cả phía cung và cầu liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bởi nhìn từ đối tượng phía cung là doanh nghiệp, làm nhà ở xã hội thì không có lãi nhiều, chi phí đầu vào cao mà lại bị khống chế giá bán ra sẽ ảnh hưởng đến yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh của họ. Đó cũng là vấn đề cần xem xét khi phía ngân hàng thiết kế chính sách.

Còn nhìn từ đối tượng phía cầu là người mua nhà, tôi cho rằng, mức giảm 1,5 - 2% có thể sẽ khó thực thi vì người dân thuộc đối tượng chính sách xã hội, người nghèo sẽ khó theo được.

Tất nhiên, ngược lại, vấn đề quan trọng nhất hiện tại là doanh nghiệp đang thiếu vốn, cho nên giảm được bao nhiêu cũng là quý, có vẫn hơn không. Mức độ 1,5 - 2% có thể doanh nghiệp cũng sẽ chấp nhận được vì bên cạnh chính sách ưu đãi tín dụng, còn có ưu đãi về tiền thuê đất, chính sách thuế.

Song, chuyên gia này cho rằng, quan trọng nhất là cần trả lời câu hỏi điều kiện cho vay như thế nào. Đặc biệt, điều kiện cho vay cần có tính khả thi. Bởi nếu đặt ra điều kiện khó khăn thì “bảo cá leo cột, cá cũng không leo được”./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top