Aa

Ngược chiều lãi suất

Thứ Tư, 16/10/2019 - 13:35

Lãi suất liên ngân hàng giảm liên tục gần đây trong khi tiền gửi dân cư vẫn ghi nhận các mức lãi suất cao mới.

Trong phiên 14/10, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tiền đồng tiếp tục giảm 0,02 - 0,09 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước.

Theo đó, lãi suất VND qua đêm tiếp tục nằm dưới mốc 2% một năm, chỉ còn dưới 1,9%, một tuần là 2,1%, 2 tuần 2,33% và 1 tháng là 2,63% một năm. Các mức lãi suất này hiện đã thấp hơn cả lãi suất bình quân USD.

Các phiên trước, lãi suất tiền đồng liên ngân hàng cũng giảm ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, chốt tuần 11/10, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giao dịch quanh mức 1,93%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với chốt tuần trước đó; kỳ hạn 1 tuần là 2,12%, giảm 0,38 điểm phần trăm; kỳ hạn 2 tuần là 2,38%, giảm 0,3 điểm phần trăm và kỳ hạn 1 tháng là 2,72%, giảm 0,41 điểm phần trăm.

Trong khi đó, trên thị trường dân cư, những ngày qua lại chứng kiến sự gia tăng lãi suất huy động của không ít nhà băng. Như trường hợp Techcombank tăng lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng lên 0,2 - 0,3% so với đầu tháng 9.

Hay như HDBank, từ nay đến hết 31/10, khách gửi tiền kỳ hạn 6 tháng được nhà băng cộng thêm tới 1% lãi suất, lên 7,8% một năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng được cộng thêm 0,8%, lên lần lượt 8,1 và 8,2% mỗi năm.

Ngoài ra, thị trường cũng liên tục chứng kiến các mốc lãi suất cao mới. Về lý thuyết, mức lãi suất tiền gửi cao nhất đang được Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo lên tới 9% một năm (kỳ hạn 13 tháng) và 8,9% (kỳ hạn 12 tháng). Tuy nhiên mức lãi này chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi cá nhân rất lớn, vượt quá 500 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) với các khoản tiền gửi trên 100 triệu đồng, mức lãi suất mà nhà băng này áp dụng cho các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng là 8,5% một năm, 8,7% và 8,9%. Các mức lãi suất này cũng chỉ áp dụng trong một tuần để tri ân khách hàng dịp 20/10 chứ không kéo dài.

Nhìn nhận diễn biến này, Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phân tích, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh là do thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào trong bối cảnh tín dụng chững lại. Lãi suất trái phiếu chính phủ cũng đang ở mức thấp.

Đó là chưa kể hiện nay các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đang đua nhau hạ lãi suất cơ bản dưới mức âm. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ có các cơ chế hỗ trợ để lãi suất tiền đồng hạ xuống.

Còn với thị trường dân cư, lãi suất tăng thực chất chỉ diễn ra ở vài ngân hàng quy mô nhỏ. Họ tăng lãi suất chủ yếu để nâng mức cạnh tranh cũng như chuẩn bị nguồn vốn trung, dài hạn nhằm đáp ứng Basel II và dự thảo Thông tư 36 yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Sự gia tăng lãi suất này chỉ mang tính cục bộ và khó thành xu hướng. Trong khi đó, ở Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank... là các ngân hàng chiếm thị phần lớn, lãi suất vẫn khá ổn định và ở mức thấp.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng cho biết, nguồn vốn huy động tiền đồng của hệ thống nói chung hiện vẫn thuận lợi và trạng thái vốn ngắn hạn dồi dào. Thực tế như trường hợp BIDV vừa giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ 4,5% mỗi năm trước đó xuống 4,3% một năm. Còn tại Vietcombank, mức áp tại hai kỳ hạn này vẫn ở 4,5% một năm.

Hơn nữa, từ nay đến cuối năm, hạn mức tăng trường tín dụng của các ngân hàng không còn nhiều khoảng trống. Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, khá nhiều thành viên có tăng trưởng tín dụng cao và tiến gần tới chỉ tiêu cả năm, cộng thêm mức thực hiện trong quý III, hạn mức còn lại ba tháng cuối năm sẽ không còn nhiều. Do đó, các ngân hàng sẽ không thể đẩy mạnh việc tăng lãi suất huy động, thậm chí phải giảm nhẹ để tiết giảm chi phí.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top